THĂM MƯỜNG PHĂNG VÀ CỨ ĐIỂM ĐỒI A1

Thứ tư - 24/04/2024 22:49
          THĂM MƯỜNG PHĂNG VÀ CỨ ĐIỂM ĐỒI A1
        Trời tháng tư đã rất nóng. Nhưng trong khu rừng Pú Đồn nơi đặt sở chỉ huy của chiến dịch Điện Biên năm xưa, không khí thật mát mẻ bởi có rất nhiều cây to cổ thụ cành lá xanh tốt, có nhiều loài chim quí mà ở nhiều nơi khác đã vắng bóng. Nhiều cây hoa ban vẫn còn đang khoe sắc. Từng chùm phong lan nở rộ trên cây rất đẹp. Con đường nhỏ đi trong rừng đến khu hầm và sở chỉ huy dài khoảng 2km hoàn toàn dưới bóng cây râm mát. Rừng ở đây thật nguyên sơ, thơm mát mùi thảo mộc. Không gian tĩnh lặng nhưng không mịt mùng kì bí. Người dân ở đây có một lời nguyền và thành nguyên tắc là: Không chặt bất cứ một cây gì, không lấy bất cứ thứ gì trong khu rừng này. Khi nào chẳng may, cây nào bị gió bão gẫy đổ vướng đường đi, thì cắt bỏ sang một bên chứ không đem đi nơi khác. Mặc dầu không thấy tường bao hay rào bảo vệ nhưng trông khu rừng thật sự tự nhiên không có dấu hiệu bị tàn phá.

         Ban đầu, bộ chỉ huy chiến dịch của ta đóng ở hang Thẩm Púa, vì cách xa trận địa, nên tướng Giáp đã chọn núi Pú Đồn ở Mương Phăng làm nơi đặt sở chỉ huy. Nơi đây cách thành phố Điên Biên gần 40km, lại nằm giữa hai ngọn núi. Phía trước có một bãi đất sình lầy rất rộng, nên xe tăng và cơ giới của quân Pháp rất khó vượt qua. Từ trên núi cao ta lại có thể quan sát được khắp lòng chảo Điện Biên.
    Căn hầm tướng Giáp được đào xuyên núi dài hơn 70 mét, cao gần 2m rộng từ 1m đến 3m. Trong căn hầm có một gian rộng hơn18m2.Treo một tấm bản đồ và một chiếc phản tre vừa là nơi nghỉ và làm việc của Đại tướng. Trên trần hầm được lát bằng những thân cây gỗ lớn và đắp phủ đất rất dầy. Hầm có hai cửa chính, và được liên thông với lán làm việc, nhà tác chiến, nhà bếp…Căn hầm này, ngày nay đã được gia cố bằng xi măng để tiện cho việc thăm quan và bảo quản.

         Thăm khu sở chỉ huy chiến dịch xong, chúng tôi quay trở ra dùng bữa trưa tại một nhà hàng ở gần đó. Ở đây một khu bãi rất rộng, bằng phẳng đã được trải nhựa tạo thành một đoạn đường 4 làn xe để đón khách tới tham quan và có chỗ đậu xe du lịch. Hai bên đường những nhà hàng rộng rãi mang phong cách kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tháí. Lúc nào cũng đông khách ra vào và có sẵn các món ăn truyền thống của dân tộc để phục vụ du khách. Sẵn sàng chia vui những nét văn hoá của bản mường. Như hát chào mời rượu, giao lưu văn nghệ cùng du khách. Chúng tôi ăn cơm mà như được thưởng thức một bữa tiệc ẩm thực văn hoá tại nơi này thật ấn tượng và vui vẻ.
    Bên đường dưới bóng cây râm mát có các bà các chị người dân tộc Thái, mái tóc đen “tẳng cẩu gọn gàng, mặc váy dài, áo cóm có những hàng cúc bạc lấp lánh, chào mời khách mua hàng là những thứ dược liệu quí và những đồ lưu niệm…
  
     Chúng tôi lên thăm địa danh đồi A1. Tại đây được chứng kiến những di tích hầm hào công sự kiên cố của quân Pháp, hố bộc phá ngàn cân của quân ta và những câu chuyện về những trận đánh cam go ác liệt của bộ đôị ta, chỉ hơn 100m hào thôi mà ta đã bị hy sinh tới hơn 400 người. Trên đồi A1, ngoài lô cốt và hầm hào ra, chúng còn điều xe tăng chạy xung quanh đồi để kiểm soát tất cả các hướng, hễ có gì khả nghi là chúng xả súng. Vì vậy bộ đội ta rất khó tiếp cận. Trong tất cả các cứ điểm của quân Pháp ở Điên Biên, thì cứ điểm đồi A1 là mạnh nhất, kiên cố nhất và quân ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, hy sinh khi đánh chiếm cứ điểm này. Nhưng nhờ cách đánh thông minh và quả cảm. Quân ta đã đào hào từ trên núi xuống áp sát bao vây đồi A1. Để tránh đạn, các chiến sỹ của ta đã có sáng kiến lấy rơm khô trộn với đất bùn tạo thành những con lăn, đào tới đâu dịch chuyển con lăn rơm đến đó, để đào hào trong đêm tối dưới là đạn của địch, cách này tuy đơn giản nhưng rất là hiệu quả.
      Thật cảm động khi nghe chị hướng dẫn viên thuyết minh nói về chiến tích hố bộc phá năm xưa. Khi đào hầm ngầm đến sát đồi A1 thì chạm đến đoạn hào cũ của Pháp. Ngỡ là đã tới nơi, nên quyết định đào một hố rộng 2,5m sâu 1m để đặt khối bộc phá, lúc bấy giờ theo kế hoạch là 1000 cân thuốc nổ, nhưng trong kho ta mới có 200kg, tình thế khẩn cấp không thể chần chừ đợi lâu được nữa. Nên bộ đội ta đi cưa những quả bom của Pháp chưa nổ và cả đạn của ta để lấy thuốc nổ, tổng cộng được 960kg.Việc cưa bom hết sức nguy hiểm vì thế có rất nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ này.

Đồi A1
            Khi có thuốc nổ rồi, một phương án nữa được đặt ra là ta chưa có kinh nghiệm gì về cách đánh này, với khối thuốc nổ lớn như thế, nếu kíp nổ kích hoạt không thành công thì sao? Ngay lập tức có 2 chiến sỹ xung phong cảm tử, sẽ dùng lựu đạn quấn quanh mình giật xoè để kích nổ. Họ đã được làm lễ truy điệu trước khi làm nhiệm vụ. Và bộ đội ta được phổ biến trước giờ G, tất cả được lệnh sẽ rút lui ra xa hơn 300m và mọi người phải lấy tay bịt hai tai lại, đầu cúi xuống áp đất, chổng mông quay về hướng quả bộc phá để tránh tiếng nổ và sức ép. Đúng giờ G khối bộc phá ấy được kích nổ thành công ngay phương án ban đầu. Sức công phá lớn đã xoá sổ ngay một đại đội lính lê dương Pháp, số còn lại bị chảy máu mũi, máu tai, choáng váng, mất hết tinh thần, đất đá bao trùm cả ngọn đồi. Khối thuốc nổ đã tạo ra một chiếc hố sâu mấy chục mét và bạt tung một góc quả đồi. Sau tiếng nổ rung trời chuyển đất ấy, quân ta vượt cửa tử xông lên tiêu diệt và chiếm giữ hoàn toàn cứ điểm đồi A1.  
            Có thể nói chiếm được đồi A1 là ta đã kiểm soát gần như toàn bộ căn cứ điểm Điện Biên Phủ, khống chế sân bay Mường Thanh và uy hiếp sở chỉ huy của Pháp. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 cũng là hiệu lệnh xung phong cho tất cả các mũi tấn công của quân ta đồng loạt nổ súng vào quân Pháp. Và chỉ hơn một ngày sau ta đã bắt sống tướng Đờ -cát, kết thúc chiến dich Điện Biên sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu.   

          Đến Điện Biên có rất nhiều điểm tham quan du lịch. Nhưng có thể nói, chưa tận mắt tham quan khu rừng tướng Giáp và cứ điểm A1 có hố bộc phà ngàn cân thì quả là đáng tiếc. Bao người con ưu tú, trẻ trung, dũng cảm đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất này. Máu xương của các anh đã hoà trộn cùng cỏ cây, sông núi. Hàng ngàn bia mộ vô danh chưa tìm được hài cốt … Điều đó luôn nhắc nhớ chúng ta, chiến tranh luôn là đau khổ, hy sinh, mất mát. Xin thắp nén tâm hương nguyện cầu cho những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Các anh đã làm rạng danh và mãi trường tồn cùng non sông đất nước.
      Điện Biên đang từng ngày thay da đổi thịt. Những con đường trải nhựa phẳng phiu sánh cùng nhà cao, phố mới, đường bê tông nối liền các bản làng. Trường học khang trang đẹp đẽ, nhiều công trình nhà máy mọc lên trên chính mảnh đất ghi dấu ấn oai hùng năm xưa. Nhưng các di tích và địa danh lịch sử luôn được bảo tồn, tôn tạo, nhiều nét văn hoá được gìn giữ, phát huy, mở mang du lịch, phục vụ khách bốn phương đến tham quan, nghiên cứu học tập…
          Điện Biên hôm nay và mai sau, mãi mãi tự hào với chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Chín năm làm một Điện Biên -Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” ./.                               

Tác giả: Hồng Quang - Hội VHNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
Tuyển dụng
Bộ pháp điển
Chung tay cải cách
Cổng TTĐT tỉnh HG
Hệ thống văn bản
Công báo
Danh bạ
Mail
Lấy ý kiến
Lịch công tác
Công khai ngân sách
Tiếp nhận ý kiến
Công khai danh sách hội đồng
Ý kiến cử tri
Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam
CSDL Quốc Gia
Phòng chống thiên tai
Thông báo 1
Công khai 1
Công khai 2

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay6,792
  • Tháng hiện tại27,000
  • Tổng lượt truy cập1,748,394
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây