Lịch Sử truyền thống

ĐẢNG BỘ HUYỆN BẮC QUANG

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ TÂN QUANG

 

 

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN
XÃ TÂN QUANG (1945-2015)



Xuất bản năm 2018

LỜI GIỚI THIỆU

 
Xã Tân Quang nằm ở phía Đông Bắc huyện Bắc Quang, cách trung tâm huyện 13 km. Là vùng đất có từ lâu đời, nơi đây có những con người từ ngàn xưa đã nuôi chí chinh phục thiên nhiên, tạo lập xóm làng đông vui, trù phú. Đời này qua đời khác, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những con người của Tân Quang đã dốc tâm sức, đổ mồi hôi xương máu để xây dựng, giữ gìn quê hương và nỗ lực góp sức cùng cả nước hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đi theo tiếng gọi của Đảng, đoàn kết một lòng, cống hiến sức người, sức của cho cách mạng, cho kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những chặng đường lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang cần được khơi dậy, ghi chép để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Trên cơ sở đó kế thừa và phát huy tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh, đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ xã, trong nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Với ý nghĩa đó, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 22/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Quang đã chỉ đạo thành lập Ban sưu tầm, khai thác, nghiên cứu và biên soạn cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang (1945-2015)
Cuốn sách được xây dựng trên cơ sở nguồn tài liệu lưu trữ của xã, của huyện, của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử; kết hợp với các tư liệu do các nhân chứng lịch sử cung cấp. Đồng thời Đảng ủy đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm để bổ sung, xác minh và làm rõ những sự kiện lịch sử. Do vậy, nội dung cuốn sách đã trình bày một cách khái quát về truyền thống đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang, với 69 năm thành lập chính quyền (1946 - 2015), 67 năm kể từ khi thành lập chi bộ Đảng (1948 - 2015) và 29 năm thành lập Đảng bộ xã Tân Quang (1986 - 2015).
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Quang xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Huyện ủy Bắc Quang, sự giúp đỡ có hiệu quả về chuyên môn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Quang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ cách mạng, đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị cho Ban chỉ đạo, Ban biên soạn và biên tập để hoàn thành cuốn sách.
Mặc dù Ban biên soạn đã có nhiều cố gắng với tinh thần và trách nhiệm cao, nhưng do tư liệu bị thất lạc nhiều, nên cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót về nội dung. Vì vậy, Ban chấp hành Đảng bộ xã Tân Quang mong nhận được sự đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong, ngoài xã để cuốn sách tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện trong những lần tái bản sau.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Quang xin chân thành cảm ơn và trân trọng giới thiệu cuốn sách Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang (1945 - 2015) tới nhân dân địa phương và bạn đọc xa gần.
 
  T/M BAN CHẤP HÀNH  ĐẢNG BỘ XÃ
                     BÍ THƯ
           
CHƯƠNG I
Tân Quang - Điều kiện tự nhiên, xã hội và con người
 

I. Điều kiện tự nhiên

Tân Quang là một xã vùng thấp nằm ở phía Đông Bắc huyện Bắc Quang, cách trung tâm huyện 13 km. Là cửa ngõ của hai huyện miền Tây: Hoàng Su Phì và Xín Mần. Phía Nam giáp xã Việt Vinh, phía Tây giáp xã Tân Lập, phía Đông giáp xã Đồng Tâm, phía Bắc giáp xã Tân Thành. Tổng diện tích đất tự nhiên 1252,7 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 417,1 ha, đất lâm nghiệp chiếm 584,9 ha, diện tích đất khác chiếm 286,7 ha.
Là một xã có địa hình chủ yếu là những dãy đồi núi thấp, xen kẽ các cánh đồng lúa nước. Tân Quang được đánh giá là vùng đất có tiềm năng về nhân lực, vật lực của huyện Bắc Quang nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung, đất nơi đây thích ứng với nhiều loại cây trồng như: cam sành, chè, lúa nước và các loại cây lương thực khác nuôi sống con người.
Trước đây, rừng Tân Quang chủ yếu là rừng nguyên sinh với hệ thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loại gỗ quý có giá trị như: đinh, lim, sến, táu, dổi, nghiến và nhiều loại dược liệu quý. Có nhiều động vật quý hiếm như: hổ, hươu, nai, chồn, khỉ, lợn rừng, cầy hương, rồng đất, nhím, rùa, ba ba, tôm cá, chim muông... Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loại khoáng sản quý như: vàng ở khu vực Hàm Hổ (Sông Lô).
Tân Quang có nhiều suối và các khe bắt nguồn từ các dẫy núi như suối Lùng Thàm (thôn Vinh Ngọc), suối Hồ Lô (thôn Xuân Hòa), Khuổi Mục (thôn Mục Lạn, Mỹ Tân); đặc biệt có dòng sông Lô chảy dọc theo địa phận xã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và các hoạt động sản xuất của nhân dân trong vùng; thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, xây dựng đập thủy lợi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, đặc biệt giai đoạn trước khi đường bộ chưa phát triển. Ngoài những lợi ích trên, sông suối cũng gây không ít khó khăn cho con người; hàng năm, đến mùa mưa, nước sông, suối dâng cao thường gây ngập lụt, ách tắc giao thông, phá hủy cuốn trôi tài sản, hoa màu của nhân dân.
Khí hậu của Tân Quang nằm chung với vùng khí hậu cận nhiệt đới chịu ảnh hưởng của gió mùa. Thời tiết hàng năm được hình thành bốn mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm (mùa hè, thu), lượng mưa trung bình vào mùa mưa 3.500mm, tập trung vào các tháng 5,6,7 nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 280C, độ ẩm bình quân là 80%. Tân Quang được coi là “rốn mưa” của Hà Giang, lượng mưa trung bình có năm đạt tới 6.305mm (năm 1966). Mùa khô (mùa đông, xuân) bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình mùa đông là 200C; vào những tháng mùa đông hầu như không có mưa, lượng mưa không đáng kể; do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tiết hanh khô, có những năm rét đậm, rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

II. Điều kiện xã hội và con người

Xã Tân Quang là vùng đất có từ lâu đời, trải qua những thăng trầm của lịch sử, nơi đây đã thay đổi cùng với nhiều tên gọi khác nhau. Trước năm 1891, Tân Quang nằm trong Phủ Tương Yên.
Trước 1945, tỉnh Hà Giang có 04 (bốn) Châu: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Đồng Văn. Xã Tân Quang lúc này thuộc châu Bắc Quang, gồm hai khu vực riêng biệt: Khu vực Phong Quang (gồm thôn Tân Tiến,  Vinh Quang, Vinh Ngọc, Tân Lâm hiện nay) do ông Nguyễn Văn Huynh, ông Nguyễn Văn Sính đứng đầu; Khu vực Xuân Hòa (gồm các thôn Xuân Hòa, Nghĩa Tân hiện nay) do ông Nguyễn Bá Phúc đứng đầu. Khu Phong Quang gồm hai phố: Phố Khách và phố Kinh. Các thôn được gọi là Táplô, đồn điền trên, đồn điền dưới. Đầu năm 1946, sát nhập hai khu Phong Quang và Xuân Hòa lấy tên là xã Tân Quang. Kể từ đây xã Tân Quang mới chính thức có tên trên bản đồ Việt Nam.
Từ năm 1959 đến năm 1961 hợp tác xã bậc thấp được hình thành tại xã,  năm 1967 xây dựng hợp tác xã bậc cao nhằm thuận tiện cho việc quản lý hành chính, các thôn chia tách, sát nhập và đổi tên khác nhau: Hợp tác xã Nghĩa Tân, Xuân Hòa, Vinh Quang, Mục Lạn, tên của các hợp tác xã gắn liền với tên của các thôn bản.
Năm 1999, chia tách các thôn Vinh Ngọc, Tân Tiến thành ba thôn: Vinh Ngọc, Tân Tiến và Tân Lâm. Qua nhiều lần chia tách, đến năm 2015 xã Tân Quang gồm 08 thôn: Tân Tiến, Tân Lâm, Vinh Quang, Vinh Ngọc, Xuân Hoà, Mỹ Tân, Nghĩa Tân Mục Lạn.
Tân Quang là địa bàn nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nền văn hóa của các dân tộc phát triển rất sớm. Tuy mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, phong tục riêng, nhưng đều có đặc điểm chung là thờ cúng tổ tiên, khi mất được làm ma; con cháu khi đến tuổi trưởng thành đều được cưới hỏi, xây dựng gia đình, cúng bái theo phong tục tập quán phù hợp với từng gia đình, dòng họ và dân tộc. Từ xa xưa đồng bào các dân tộc trong xã luôn sống đoàn kết, gắn bó, sát cánh bên nhau trong xây dựng quê hương, bảo vệ thôn xóm.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, chúng chiếm đóng Hà Giang vào năm 1887. Để dễ bề thống trị, chúng áp đặt hệ thống cai trị từ tỉnh đến huyện và xã, xã Tân Quang không nằm ngoài hệ thống cai trị đó. Nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, sẵn sàng đứng dậy chống lại chế độ thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Năm 1890, sau khi điều chỉnh phạm vi quản lý, thực dân Pháp xác lập chế độ quân quản; chúng duy trì chế độ tay sai nhằm dễ bề cai trị.
 Xã Tân Quang dưới thời Pháp thuộc là Châu lỵ của Bắc Quang - là thị trấn nhỏ với gần 100 hộ. Châu lỵ là nơi trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất của người kinh dưới xuôi và người Hoa. Hiện nay là trung tâm Xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.
Khi Nhật đảo chính Pháp. Quốc Dân Đảng theo chân quân Tưởng vào chiếm Bắc Quang và cử Bế Cao Bảo (tri châu cũ thời pháp) làm huyện trưởng. Nha tri huyện nằm giữa hai phố: phố người Hoa và phố người Kinh, chạy dài theo dọc bờ sông Lô. Phố người kinh có trên 50 hộ. Đầu dãy phố người Kinh có một lô cốt xây từ thời Pháp, do một tiểu đội Quốc dân Đảng đóng quân. Trên phố có ngôi đền nhỏ thờ Trần Hưng Đạo. Phố người Hoa (Phố Khách) có gần 100 hộ, có tổ chức lý sự hội (Tổ chức hành chính nội bộ của Bang người Hoa, có nhiệm vụ giúp đỡ nhau, duy trì truyền thống dân tộc của người Hoa và giàn xếp, can thiệp các mâu thuẫn với chính quyền bản xứ).
Tại Đồn Bắc Lý (trụ sở UBND xã Tân Quang hiện nay) có Tư Xiêm làm Dinh trưởng (Tiểu đoàn Trưởng) của Việt Nam Quốc dân Đảng, nằm dưới quyền Tư Xiêm có chính trị chỉ đạo viên (tên là Hành). Người dân khi đó gọi đồn Bắc Lý là đồn Xiêm - Hành. Đồn này được xây dựng khá kiên cố, có hầm hào bao quanh, có trụ sở chỉ huy, lính canh gác nghiêm ngặt. Đồn đóng ở Tân Quang là nơi chung chuyển của quân Pháp, mỗi đồn có khoảng 30 lính canh giữ. Tuy nhiên, số lượng này không cố định mà thường xuyên thay đổi. Trong đồn chỉ có chỉ huy là người Pháp. Chỉ huy lúc đó gọi là Quan, được xếp theo thứ bậc, có Quan 1, Quan 2, Quan 3. Lực lượng lính là người Việt Nam, chủ yếu lấy từ Yên Bình (Yên Bái) và Vô Điếm, Hữu Sản (Bắc Quang). Lính Pháp thường được gọi là Lính khố đỏ. Sự xác lập chế độ quân quản này đã gây lên nhiều đảo lộn về mặt xã hội ở Tân Quang.
Pháp chia Tân Quang thành các Táplô, các đồn điền trên, đồn điền dưới, có các trưởng ban cai quản giúp chúng duy trì và củng cố đội ngũ tay sai. Tân Quang là nơi có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Phố Khách tập trung của những gia đình địa chủ, tiểu tư sản (chủ yếu là người Hoa). Đây là khu phố khá sầm uất, có nhiều nhà xây, nhân dân sống bằng nghề buôn bán. Các nơi khác dân không có ruộng đất, cuộc sống rất khổ sở, phải đi làm thuê, cuốc mướn cho địa chủ để mưu sinh. Ngoài việc đóng góp các loại thuế, nhân dân còn phải đi phu, làm đường, xây dựng đồn bốt cho thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Sau khi giành độc lập năm 1945, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển văn hóa - xã hội, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, diệt giặc dốt và giặc đói. Song thực dân Pháp lại nổ súng đánh chiến nước ta một lần nữa, nhân dân ta vừa cầm súng chống lại thực dân Pháp bảo vệ Tổ quốc, vừa sản xuất phát triển kinh tế. Về kinh tế người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng lúa. Đặc biệt, do có dòng sông Lô bồi đắp phù sa mầu mỡ, nhân dân đã tận dụng và khai thác diện tích đất trồng các loại cây hoa màu như: ngô, lạc, đậu, các loại rau xanh.
Tân Quang là địa bàn có hai tôn giáo khác nhau: Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Đến năm 2015, giáo xứ có 110 hộ với 450 giáo dân, 145 phật tử. Nhân dân trong xã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, không phân biệt giáo hội, một lòng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tạo thành khối đại đoàn kết bền vững trong suốt quá trình lịch sử từ trước cho đến ngày nay.
Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã rất thuận lợi, có tuyến quốc lộ II (từ Thủ đô Hà Nội lên Hà Giang), chạy qua địa phận xã với chiều dài trên 5 km; ngoài ra còn có các tuyến đường tỉnh lộ 177 (đường Lâm Đồng) từ Tân Quang đi huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần; đường Tân Quang - Đồng Tâm - Đồng Tiến. Đồng thời hệ thống giao thông liên thôn của xã cũng phát triển, những năm gần đây đã được mở rộng và bê tông hóa chiều dài các tuyến đạt trên 15.000 m với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Hệ thống đường giao thông phát triển là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế - văn hoá xã hội từ xã đến các xã khác trong huyện và vươn ra các tỉnh khác trong cả nước.
Năm 2015, Tân Quang có 1.221 hộ với 5.252 nhân khẩu, có 12 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Cao Lan, La chí, Mông, Dao, Sán Dìu, Giấy, Bố Y và dân tộc Mường; trong đó dân tộc kinh 4.046 người, chiếm 77%; dân tộc Tày 325 người, chiếm 6%; dân tộc Hoa 533 người, chiếm 10%;  dân tộc La Chí 219 người, chiếm 4%; còn lại các dân tộc khác chiếm 3%.
Năm 1949, chi bộ được thành lập, đến tháng 12 năm 2015, Đảng bộ xã Tân Quang có 13 chi bộ, trong đó có 08 chi bộ thôn bản, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ cơ quan, 01 chi bộ quân sự với tổng số 245 đảng viên, trong đó đảng viên nữ 123 đồng chí, chiếm 50%. Hàng năm kết nạp trung bình được 3 - 5 quần chúng ưu tú vào Đảng. Các chi bộ và đảng viên là nòng cốt trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ và chính quyền đề ra. Toàn Đảng bộ luôn quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương đề ra, nhằm xây dựng xã Tân Quang ngày một đoàn kết, dân chủ, giàu đẹp văn minh, xứng đáng là xã trọng điểm của huyện.

CHƯƠNG II

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc  xã Tân Quang thực hiện cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

 

I. Xã Tân Quang tham gia cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng (1945 - 1946)

Tháng 9 năm 1939 Phát xít Đức, Ý, Nhật gây ra chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở Châu Âu, Phát xít Đức sau khi tràn qua các nước Đông Âu đã ồ ạt tiến đánh Liên Xô nhằm tiêu diệt nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Ở Châu Á, Phát xít Nhật ra sức bành chướng Chủ nghĩa quân phiệt xuống các nước Đông Nam Á.
Sau khi đánh chiếm Đông Dương, Phát xít Nhật chiếm đóng đất nước ta; năm 1942 chúng chiếm đóng Hà Giang. Tại Tân Quang, ngày 10/3/1945 quân Nhật đánh từ Hà Giang xuống, quân Pháp hoảng sợ rút theo đường Hoàng Su Phì. Trước khi đi, chúng phá hủy cầu nhằm làm cản đường quân Nhật, chúng cử lính là người Việt giữ đồn.
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945 trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đồng thời Trung ương Đảng cũng chỉ rõ phải phát động một phong trào kháng Nhật mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện.
Tại Bắc Quang, phong trào phát triển mạnh mẽ. Tháng 7 năm 1945, tại Kim Ngọc (Ngòi Sảo) Ban lãnh đạo Việt Minh họp bàn kế hoạch, chia làm 2 mũi tiến công: một mũi do đồng chí Nam Long chỉ huy, tiến theo tả ngạn sông Lô, giải phóng Hướng Minh (Đồng Tâm, Trung Thành), Bạch Ngọc, Việt Lâm, rồi chiếm đồn Bắc Quang; một mũi do các đồng chí Lĩnh Thành, Bế Triều, Hồng Quang chỉ huy vượt qua sông Lô, tiến thẳng sang phía Tây. Phái đoàn từ Ngòi Sảo, (có đồng chí Mai Trung Lâm và đồng chí Lĩnh Thành - cán bộ Việt Minh) đến giải phóng Tân Quang. Cán bộ, chiến sĩ đi đến đâu cũng được nhân dân thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, ủng hộ lương thực, thực phẩm. Đồng bào đã đóng góp ủng hộ cho cách mạng hơn 300 kg gạo, rau xanh và các loại lương thực khác. Gia đình cụ Nguyễn Thị Hường (Khi đó ở Phố Kinh - Thôn Tân Tiến hiện nay) đã nhường một phần trong ngôi nhà làm nơi ở và chứa súng đạn cho cán bộ chiến sĩ.
Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền trong phạm vi cả nước.
Ngày 4 tháng 11 năm 1945 (30 tháng 09 năm Ất Dậu), Bắc Quang được giải phóng. Ủy ban lâm thời huyện Bắc Quang được thành lập và ra mắt đồng bào. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Sau hơn 80 năm bị áp bức, bóc lột, chịu đựng muôn vàn cay đắng, tủi nhục của người dân nô lệ, giờ đây nhân dân Bắc Quang dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Việt Minh, đã vùng lên giành chính quyền từ tay bọn quốc dân Đảng.
Tại Tân Quang, ngày 19 tháng 2 năm 1946, Ủy ban kháng chiến đã được thành lập. Ông Bùi Đình Trọng (là người gốc ở Thái Bình) được Ủy ban kháng chiến của huyện cử về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính lâm thời tại xã nhằm tổ chức triển khai các hoạt động trong xã. Từ đây, nhân dân Tân Quang đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đứng dậy làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi, vui mừng, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

 II. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đẩy mạnh phát triển sản xuất và tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954)

Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời mở ra cho dân tộc một thời đại mới, thời đại độc lập dân tộc dân chủ và đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi giành được chính quyền, Tổ quốc ta phải đương đầu với những khó khăn và thử thách hết sức nặng nề tưởng chừng không thể vượt qua. Nạn đói khủng khiếp hoành hành trong khi nền kinh tế kiệt quệ, hàng hoá khan hiếm, tài chính trống rỗng, các ngành nghề chưa phát triển, thiên tai liên tiếp đe dọa, ruộng đất bị bỏ hoang, giao thông chậm phát triển, công cụ sức kéo thiếu hụt; cùng những tàn dư của xã hội cũ, hậu quả gần một thế kỷ dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến thực sự là một thách thức đối với dân tộc ta. Chính quyền còn hết sức non trẻ, lực lượng vũ trang còn sơ khai. Giữa bộn bề khó khăn, lại bị các thế lực đế quốc phản động bao vây và chống phá quyết liệt (Nhà nước ta cùng một lúc phải đối đầu với các thế lực phản động trong nước cấu kết với những kẻ thù xâm lược hung bạo và vô cùng xảo quyệt). Lấy cớ giải giáp quân đội Nhật, quân Anh đã đưa 15 vạn quân vào chiếm đóng miền Nam nước ta. Còn ở miền Bắc, phải chịu sự chiếm đóng của 20 vạn quân Tưởng. Lúc này, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, lịch sử một lần nữa đặt dân tộc ta trước những thử thách nặng nề và vô cùng phức tạp.

Ở Hà Giang, từ ngày 30 tháng 8 năm 1945, theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch, tên phản động Hoàng Quốc Chính cùng đồng bọn đã tiến vào thị xã Hà Giang, lập ra “Tỉnh Đảng bộ Việt Nam quốc dân Đảng” do hắn làm chủ nhiệm. Lực lượng của chúng có khoảng 200 tên được đưa đi chiếm giữ các đồn ở các địa phương như Bắc Quang, Yên Minh, Tiên Yên, Quang Minh, chúng sử dụng bọn thổ ty phản động tìm mọi cách khống chế, kìm hãm sự phát triển của phong trào cách mạng, gây hiềm khích giữa đồng bào với cán bộ Việt Minh, gây khó khăn cho phong trào cách mạng.
Tại Bắc Quang phải đương đầu với quân Pháp, quân Nhật rồi đến quân Tưởng và bè lũ tay sai. Chúng cấu kết với nhau chống phá cách mạng từ nhiều phía, chống phá các cơ sở của ta, giết hại và bắt giữ, giam cầm cán bộ cách mạng. Nhân dân các dân tộc vốn đã kiệt quệ do áp bức bóc lột của đế quốc - phong kiến tay sai, nay lại thêm điêu đứng bởi nạn cướp bóc của bọn phản động.
 Xã Tân Quang cũng gặp không ít những khó khăn, chính quyền xã mới được thành lập, lực lượng cán bộ nòng cốt còn quá ít, mọi mặt kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nạn đói đe dọa.
Cuối năm 1945, quân Tưởng ra sức quấy phá, chúng thực hiện âm mưu thâm độc nhằm gây dựng lên một chính quyền bù nhìn thân Tưởng. Vì vậy, chúng thành lập các tổ chức phản động như: “Nam - Dương Hoa kiều hiệp hội” để chống lại chủ trương “Hoa - Việt thân thiện” của ta. Bằng tư tưởng nước lớn, chúng đã kích động Hoa kiều, lôi kéo họ vào các tổ chức phản động, để chống phá cách mạng và cung phụng chúng về mọi mặt. Chúng dùng mọi thủ đoạn lôi kéo, kích động dụ dỗ. Nhưng với tinh thần đoàn kết gắn bó, khối đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong xã vẫn luôn được giữ vững, người Việt, người Hoa và các dân tộc khác vẫn luôn kề vai, sát cánh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Chính quyền xã, nhân dân luôn sẵn sàng đối diện với những khó khăn thử thách, sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ vững thành quả cách mạng. Chính quyền xã đã được xây dựng và củng cố.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về “tiêu thổ kháng chiến”, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện chấp hành lệnh sơ tán triệt để đến nơi an toàn. Nhân dân xã Tân Quang theo sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện và Chính quyền xã đã đi tản cư, thực hiện “vườn không nhà trống”, phá cầu cống, nhà cửa, ngăn cản đường tiến công của thực dân Pháp. Ngày 15 tháng 10 năm 1947, máy bay của Pháp đã ném bom bắn phá huyện Bắc Quang, Tân Quang đã phải gánh chịu trên 20 trận oanh tạc của máy bay giặc, khu vực cầu Quang bị tổn thất nặng nề, nhưng nhân dân không bị thiệt hại vì đã được sơ tán kịp thời.
Để đảm bảo công tác trị an, xã đã tổ chức xây dựng đội dân quân du kích duy trì tập luyện, tuần tra canh gác các điểm chốt quan trọng của xã. Cuối 1947, Ban công an xã Tân Quang được thành lập do đồng chí Trần Văn Diệu đứng đầu, tổ dân quân do đồng chí Trần Văn Tú làm đội trưởng. Tuy mới được thành lập nhưng các đồng chí trong Ban công an và Tổ dân quân rất tích cực trong việc tuần tra canh gác, phát hiện kịp thời những phần tử xấu, thường xuyên nắm chắc tình hình địa phương. Từ đó, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững.
Đầu năm 1948, nhân dân đi tản cư trở về, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ cấp bách của chính quyền lúc này là diệt “giặc đói”, “giặc dốt”.
Để giải quyết nhiệm vụ cấp bách trên, tỉnh và huyện đã phát động nhân dân hưởng ứng khẩu hiệu của Hồ chủ tịch diệt “giặc đói”, “giặc dốt”. Chính quyền xã đã kêu gọi nhân dân tích cực tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, không để đất bỏ hoang, đồng thời vận động nhân dân thực hiện phong trào cứu giúp lẫn nhau và xã đã thành lập tiểu ban Cứu tế xã hội.
Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhân dân toàn xã đã tích cực hưởng ứng tiết kiệm tiêu dùng, đóng góp  được 2.500 kg thóc, 580 kg gạo giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn trong và ngoài xã.
Mặt khác, chính quyền xã đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, khai hoang làm ruộng, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, nhân dân tích cực hưởng ứng, tận dụng đất hoang hoá để trồng hoa màu, tích cực sản xuất. Nhờ có chủ trương đúng đắn, biện pháp tích cực, hợp lòng dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực thực hiện nên nạn đói trong xã đã dần đẩy lùi, cuộc sống của nhân dân dần ổn định.
Song song với việc diệt “giặc đói”, phong trào diệt “giặc dốt”, bình dân học vụ được người dân với mọi lứa tuổi tham gia sôi nổi và tích cực. Tại thời điểm này, chỉ có một lớp học cho toàn xã tại phố người Hoa. Sau đó, phong trào học lan rộng ra toàn xã, làng nào, thôn nào cũng mở lớp học với tinh thần “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ, “người biết nhiều dạy người biết ít”. Nhân dân trong xã từ trẻ đến già tham gia sôi nổi, thời gian ban ngày dành cho trẻ em, buổi tối những người già, người lớn tuổi tham gia học rất đông. Phong trào học tập với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước” đã đem lại những kết quả rất thiết thực.
Cùng với việc chống “giặc đói”, “giặc dốt”, chính quyền xã luôn quan tâm tới việc vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, đoàn kết gắn bó, lành mạnh, tiết kiệm, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hạn chế tổ chức đám ma, đám cưới linh đình, tốn kém và được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện có hiệu quả.
Thời kỳ này, Tân Quang chưa có chi bộ riêng, đảng viên sinh hoạt ghép với đảng viên các xã Tân Lập, Đồng Tâm.
Năm 1948, đảng viên xã Đồng Tâm (Công Minh trước đây) được tách ra hoạt động riêng. Vì vậy chi bộ còn các đảng viên của hai xã Tân Lập và Tân Quang. Tháng 2 năm 1949, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới, huyện Bắc Quang đã tiến hành củng cố lại bộ máy chính quyền, bầu lại Chủ tịch y ban hành chính kháng chiến một số xã. Tân Quang là một trong những xã được củng cố, ông Bùi Đình Trọng, được bầu làm Chủ tịch, ông Nguyễn Hữu Phúc được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến của xã.
Ngày 20 tháng 2 năm 1949, huyện mở lớp huấn luyện về công tác của Ủy ban kháng chiến hành chính cho các học viên là Ủy ban kháng chiến các xã. Xã Tân Quang đã cử 03 đồng chí là cán bộ xã đi tiếp thu, học tập về phương pháp quản lý và lãnh đạo, nghiệp vụ công tác.
Ngày 19 tháng 9 năm 1949, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Bắc Quang, liên chi Chi bộ xã Tân Quang - Tân Lập được tách ra thành hai chi bộ. Chi bộ Tân Quang có 04 đồng chí: Bùi Đình Trọng, Trần Văn Diệu, Phạm Thị Xây, Nguyễn Văn Hinh. Đồng chí Bùi Đình Trọng được chỉ định giữ chức Bí thư chi bộ.
Sự kiện Chi bộ xã ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong xã dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ đã nhanh chóng tập trung chỉ đạo bộ máy chính quyền, các đoàn thể và dân quân du kích, phân công từng đồng chí đảng viên, cán bộ xuống thôn, xóm để tuyên truyền, vận động nhân dân; giác ngộ quần chúng thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, nên tư tưởng của người dân thông suốt; đã thu hút được đông đảo nhân dân các dân tộc trong xã tích cực tham gia phát triển sản xuất nâng cao cuộc sống, bảo vệ an ninh, hưởng ứng xây dựng phong trào cách mạng. Uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao trong quần chúng và đã trở thành niềm tin của các dân tộc, thúc đẩy người dân thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.  
Để sản xuất lương thực đạt hiệu quả, chi bộ đã chỉ đạo chính quyền xã chú trọng tuyên truyền cho nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, không để đất bỏ hoang. Ngoài gieo cấy cây lương thực chủ đạo là lúa, cần tích cực gieo trồng các loại hoa màu như: ngô, khoai, sắn.... tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời chi bộ phát động các phong trào thi đua ái quốc như: Mua công trái kháng chiến, “Hũ gạo nuôi quân”, quyên góp ủng hộ cho kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động được nhân dân trong xã hưởng ứng. Các phong trào đóng góp cho công quỹ kháng chiến và kiến quốc đều do nhân dân tự nguyện tham gia và đã trở thành phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng, trở thành quyền lợi của mỗi người dân yêu nước. Với tinh thần đó, tính đến cuối năm 1949, toàn xã đã thu được 1.112 đồng tiền Đông Dương (mua công trái), đóng góp được 385 kg gạo và 250 kg rau xanh ủng hộ kháng chiến.
Tóm lại, trong 04 năm (từ năm 1946 - 1949), dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ xã Tân Quang ra đời đã lãnh đạo và chỉ đạo Ủy ban hành chính kháng chiến và các đoàn thể xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống; đồng thời tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, ủng hộ sức người, sức của phục vụ cách mạng, từng bước cải thiện cuộc sống. Nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Mặc dù chi bộ mới thành lập, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, kinh nghiệm chỉ đạo còn hạn chế; song với sự đoàn kết thống nhất cao trong chi bộ, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong xã, tình hình của xã đã có sự đổi thay và khởi sắc hơn trước. Tư tưởng của nhân dân được ổn định, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương được quan tâm triển khai, tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo, song chủ yếu là giống lúa dài ngày, kỹ thuật còn lạc hậu, nên năng suất thấp, sản lượng không cao. Chăn nuôi chưa phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên các khoản thuế của nhà nước đều được nhân dân đóng góp đạt 100% kế hoạch. Ngoài lĩnh vực kinh tế chi bộ luôn quan tâm chỉ đạo củng cố chính quyền, phát triển đảng viên. Tuy nhiên, giai đoạn này còn tồn tại một số mặt hạn chế cần khắc phục như: Kinh nghiệm lãnh đạo của chi bộ còn hạn chế, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chưa phát triển mạnh, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao; công tác chỉ đạo đôi lúc chưa quyết liệt, công tác phát triển đảng viên mới còn chậm.
Năm 1950, cuộc kháng chiến của cả nước được đẩy mạnh, đồng thời chuẩn bị cho cuộc tổng phản công giành độc lập. Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập (từ ngày 21/01 - 03/2/1950). Hội nghị đã đề ra chủ trương gấp rút xây dựng lực lượng chủ lực, tăng cường lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, đẩy mạnh phá tề, trừ gian, tăng cường công tác dân vận và địch vận, với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã chỉ đạo nhân dân ở các xã hăng hái sản xuất, tích cực đóng góp thóc, gạo, tiền bạc và các vật liệu khác phục vụ cho kháng chiến; đồng thời tuyên truyền vận động thanh niên lên đường tòng quân tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian này chi bộ, chính quyền và các đoàn thể từ xã đến thôn vừa mới được kiện toàn; lực lượng đảng viên, cán bộ còn ít, trình độ tổ chức, năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm; lực lượng vũ trang còn mỏng, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Tuy vậy, phong trào cách mạng của cả nước đang dâng cao, đã tác động tích cực đến tư tưởng của cán bộ, nhân dân trong xã. Dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên, kết hợp với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lực lượng dân quân của xã được duy trì và phát triển, hăng hái luyện tập, thực hiện tốt việc bảo vệ trị an, hăng hái tăng gia sản xuất, tích cực ủng hộ thóc, gạo, tiền bạc...cho cuộc kháng chiến.
Xã Tân Quang đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá xã hội chính là được đặt đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của chi bộ, sự chỉ đạo kịp thời có hiệu quả của Huyện ủy, sự đồng tình giác ngộ, ủng hộ tích cực của nhân dân về sức người, sức của; đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 10 tháng 4 năm 1950, Đảng bộ tỉnh Hà Giang tiến hành Đại hội lần thứ I. Đại hội đã khẳng định tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào, cán bộ chiến sĩ không quản gian khổ hy sinh, hết lòng, hết sức tham gia kháng chiến. Đại hội xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hà Giang là tỉnh hậu phương cho căn cứ Việt Bắc, và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo toàn Đảng bộ trước hết phải thực hiện tốt công tác xóa nạn mù chữ cho cán bộ, đảng viên, củng cố Ủy ban hành chính kháng chiến ở các huyện, phát triển đảng viên; phát động phong trào thi đua sản xuất, chống các đảng phái phản động, chia rẽ dân tộc...
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất tạo ra nhiều của cải vật chất nâng cao cuộc sống, ủng hộ cuộc kháng chiến; đồng thời tuyên truyền, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, huy động dân công phục vụ tiền tuyến, huấn luyện dân quân bảo vệ trật tự an ninh trong xã... Những việc làm trên đã được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, toàn xã đã huy động được hàng nghìn ngày công, hàng tấn lương thực, thực phẩm ủng hộ cho các chiến dịch của quân đội ta.
Tháng 08 năm 1950, Chi bộ xã đã tổ chức Đại hội lần thứ I, với 05 đảng viên tham dự. Đại hội đã đánh giá công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ từ khi chi bộ được thành lập, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trong những năm tiếp theo: Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp, chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương. Phát động các phong trào thi đua sản xuất bảo đảm cấy 100% diện tích, tập chung chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi, không cấy chay; tích cực khai hoang phục hóa, phát triển trồng cây hoa màu, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao. Tăng cường công tác chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể xã hội, động viên thanh niên lên đường tham gia kháng chiến, thực hiện tốt công tác hậu phương. Phát triển đảng viên mới, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 4 - 6 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đại hội đã bầu đồng chí Cao Văn Hậu giữ chức bí thư Chi bộ.  
Tháng 12 năm 1950, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ xã, nhân dân xã Tân Quang đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và bầu ra Uỷ ban hành chính kháng chiến xã: ông Nguyễn Văn Sính được bầu làm Chủ tịch, các ông Trần Văn Huynh, Trần Khắc Sánh, Trần Văn Thỉnh làm thành viên.
Tháng 2 năm 1951, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ I được triệu tập. Đại hội có 50 đại biểu tham dự, Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí. Đại hội đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là: Đẩy mạnh sản xuất, chấn chỉnh các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, xây dựng lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương, vận động thanh niên xung phong tòng quân, ủng hộ kháng chiến.
 Quán triệt Nghị quyết Chi bộ xã lần thứ I. Chi bộ xã Tân Quang đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương để động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, trong đó chi bộ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể như: Chấn chỉnh lại tổ chức Đảng, quán triệt học tập Nghị quyết của Đại hội tới tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân; đẩy mạnh công tác phát triển lực lượng đảng viên trong cán bộ, dân quân và những quần chúng ưu tú. Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ, đồng thời tổ chức các lớp học ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn của đội ngũ cán bộ Đảng và chính quyền để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục chỉ đạo tốt công tác sản xuất, chăn nuôi tạo ra nhiều của cải trong xã hội, để đóng góp, ủng hộ cho tiền tuyến; không ngừng củng cố lực lượng dân quân, du kích, tuần tra canh gác bảo vệ tốt công tác trật tự, an ninh trên địa bàn.
Tháng 9 năm 1951, sắc lệnh thuế nông nghiệp được ban hành. Huyện ủy đã chỉ đạo kế hoạch thực hiện chiến dịch thuế nông nghiệp. Chi bộ xã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, nên cần tập chung chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao. Việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp ngay từ đầu đã vấp phải những khó khăn lớn do nhân dân chưa được tuyên truyền triệt để, trình độ giác ngộ còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, Chi bộ Đảng và chính quyền xã tổ chức các cuộc họp để giải thích, động viên tinh thần nhân dân tự nguyện đóng góp thuế theo quy định của Chính phủ, động viên tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc để nhân dân cùng chia sẻ khó khăn khi đất nước có chiến tranh. Do đó, việc thu thuế ở Tân Quang đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 02 năm (1951 - 1952) toàn xã thu được 3.832 kg thóc. Chi bộ và chính quyền xã còn điều chỉnh, bổ xung chia ruộng cho nông dân nghèo, tạo cho mọi người dân có ruộng sản xuất, đóng góp ngày càng nhiều sức người, sức của, hăng hái hưởng ứng cuộc vận động “thi đua ái quốc”, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống.
Các tổ chức đoàn thể được quan tâm chỉ đạo, kiện toàn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Năm 1951, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ xã, tổ chức Đoàn Thanh niên được thành lập do đồng chí Nguyễn Thị Hiến làm Bí thư, đồng chí Cao Thanh Thiết làm Phó Bí thư. Đây là những hạt nhân lãnh đạo đầu tiên của tổ chức thanh niên Tân Quang. Hội Phụ nữ cứu quốc cũng được thành lập, do bà Phạm Thị Nhàn làm chi hội trưởng. Tổ chức Việt Minh - Liên Việt, tiền thân của Mặt trận tổ quốc do ông Cao Văn Hậu làm Chủ tịch.
Chuẩn bị cho vụ mùa năm 1952, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã phát động phong trào thi đua cày sâu, bừa kỹ, tăng diện tích ruộng, đào kênh mương dẫn nước về đồng, làm cỏ, bỏ phân lấy thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày Quốc tế lao động (01/5), ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), ngày Quốc khánh (02/9), phong trào thi đua học tập gương anh hùng lao động nông nghiệp Hoành Hanh và chiến sĩ thi đua Trịnh Xuân Bái với tên gọi "Phong trào Hoành Hanh""Tổ đổi công Trịnh Xuân Bái"…Chi bộ xã Tân Quang đã chỉ đạo phát động phong trào được toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu được những kết quả cao trong sản xuất. Các thôn, xóm đẩy mạnh phương thức đổi công, xã đã thành lập được 04 tổ đổi công, trong đó có hai tổ đổi công hoạt động hiệu quả tốt (tổ đổi công thôn Xuân Hoà, thôn Mục Lạn). Diện tích đất ruộng không còn bị bỏ hoang, ruộng được cày bừa kỹ và bón phân chuồng trước khi cấy; ruộng lúa được chăm sóc, làm cỏ, bón phân nên năng suất đạt từ 1,7 kg đến 2,7 kg/1 bó mạ.
Cùng với phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào văn hóa văn nghệ trong các thôn xóm gắn với việc tuyên truyền nếp sống văn minh và cổ vũ, động viên phong trào lao động, sản xuất của nhân dân được phát triển sôi nổi. Những tập tục lạc hậu, ma chay, cưới xin tốn kém trước đây ngày càng được giảm bớt. Nếp sống văn hoá mới dần dần được hình thành trong các thôn, xóm.
Trên mặt trận an ninh - quốc phòng, các lực lượng dân quân du kích, dân quân tự vệ và công an xã luôn làm tốt công tác trị an, động viên được đông đảo con em các dân tộc tham gia lực lượng dân quân tự vệ của xã và lên đường tham gia kháng chiến.
Công tác giáo dục đã được chi bộ, chính quyền địa phương chú trọng phát triển. Đặc biệt là công tác bình dân học vụ, xoá mù chữ được phát động mạnh mẽ. Xã đã có trường cấp I, các lớp bình dân học vụ được tổ chức ở các thôn thu hút nhiều người tham gia.
Ngoài việc chỉ đạo các hoạt động của chính quyền, các đoàn thể xã hội, chi bộ luôn quan tâm tới công tác phát triển đảng viên mới. Trong 03 năm (1950 - 1953), chi bộ đã giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp 05 quần chúng ưu tú cho Đảng, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 09 đồng chí.
Về quân sự, được sự chỉ đạo của Trung ương, Bắc Quang tham gia chiến dịch tiễu phỉ tại mặt trận Hoàng Su Phì. Nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã cùng nhân dân trong huyện chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch tiễu phỉ, đồng thời là hậu phương vững chắc chi viện cho mặt trận phía Tây, đại đội du kích của xã tích cực luyện tập và được huyện triệu tập tham gia chiến dịch. Bộ đội, dân quân du kích khi tham gia chiến dịch tiễu phỉ, qua địa bàn Tân Quang được nhân dân trong xã nhiệt tình tiếp đón. Các gia đình góp gạo, rau xanh, nấu cơm, nhường chỗ ở trong gia đình cho bộ đội và dân quân. Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thanh niên Tân Quang đã phát huy truyền thống yêu nước, sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Tiêu biểu trong giai đoạn này là hai nữ dân quân đã trực tiếp tham gia tiễu phỉ là: Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Thị Hường.
Cuối năm 1952, ta đã phá tan âm mưu của bọn thổ phỉ. Từ thắng lợi này, nhân dân của huyện Bắc Quang nói chung, xã Tân Quang nói riêng càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, ủng hộ sức người, của cải cho cách mạng.
Tháng 6 năm 1953, Chi bộ xã Tân Quang Đại hội lần thứ II, có 09 đảng viên tham dự. Đại hội đã đánh giá tổng kết lại những kết quả đã thực hiện trong 03 năm (1950 - 1953), đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đại hội đã bầu Ban chi ủy gồm 03 đồng chí. Đồng chí Cao Văn Hậu được bầu tái cử chức Bí thư chi bộ; đồng chí Trương Bình được bầu Phó Bí thư chi bộ; đồng chí Nguyễn Văn Quang, ủy viên.
Đại hội đề ra một số nhiệm vụ: Tăng cường công tác chỉ đạo và tuyên truyền trong nhân dân thành lập các tổ đổi công tại các thôn bản; tận dụng hết diện tích để gieo cấy; tăng cường công tác khai hoang, phục hóa, tận dụng các loại phân hữu cơ đầu tư cho sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, chú trọng phát triển cây màu vừa phục vụ đời sống vừa phục vụ chăn nuôi. Làm tốt công tác thủy lợi, bảo đảm đủ nước tưới cho các cánh đồng. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo đảm các chỉ tiêu giao nộp nghĩa vụ cho nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác xóa mù chữ trong nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ nhằm phát huy những ưu điểm, hạn chế tồn tại. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, phấn đấu kết nạp mỗi năm từ 2 đến 3 đảng viên mới.
Tháng 10 năm 1953, Huyện ủy mở lớp huấn luyện học tập chính sách phát động quần chúng của Đảng, Nhà nước với nội dung:
- Sắc lệnh về chính sách ruộng đất (sắc lệnh số 149/SL, ngày 12/4/1953).
- Thông tư về những việc phải làm ở những nơi chưa phát động quần chúng.
- Học tập chính sách dân tộc của Đảng.
Xã Tân Quang có 03 đồng chí tham gia học tập.
Sau khi được quán triệt tại huyện, chi bộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt chung cho toàn thể cán bộ, đảng viên gắn với quán triệt nhiệm vụ của chi bộ đề ra; từ đó tiếp tục phân công các đồng chí cán bộ xuống phổ biến, tuyên truyền tới tất cả nhân dân trong toàn xã về các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Thông qua việc học tập đường lối của Đảng, nhân dân thấm nhuần tư tưởng, hăng hái thi đua sản xuất, tăng cường đoàn kết, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng dân quân du kích, củng cố các đoàn thể, xây dựng cuộc sống mới..., tích cực đóng góp mọi mặt cho cuộc kháng chiến của đất nước.
 Cuối năm 1953, Đảng bộ huyện Bắc Quang triệu tập Đại hội lần thứ II. Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ I, bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh sản xuất, đưa chân ruộng sản xuất một vụ lên làm hai vụ, đưa giống lúa chiêm và giống lúa Nam Ninh vào sản xuất, phát triển trồng màu, tiếp tục củng cố các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã; huy động sự ủng hộ của nhân dân cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đẩy mạnh phong trào học tập văn hóa, xóa mù chữ. Với tinh thần cách mạng đang dâng cao, Chi bộ Đảng và nhân dân các dân tộc trong toàn xã đã làm hết sức mình, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong chiến dịch Đông - Xuân năm 1953 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, quân và dân xã Tân Quang sôi nổi hăng hái tăng gia sản xuất, phục vụ chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", nhân dân tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm cho quân đội. Nhiều thanh niên tình nguyện lên đường ra mặt trận, tình nguyện tham gia dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, làm đường, tải đạn... phục vụ cho chiến dịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chấm dứt ách đô hộ Việt Nam. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh của dân tộc và nhân dân Việt Nam, thể hiện sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi bị áp bức bóc lột, bảo vệ tự do, dân chủ, chủ quyền của dân tộc, của đất nước. Thắng lợi vẻ vang đó cũng có một phần công sức của nhân dân các dân tộc trong xã Tân Quang.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bắc Quang, chi bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết tự lực tự cường, quyết tâm đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù. Những bài học, kinh nghiệm tích luỹ được sau chín năm kháng chiến là tiền đề, động lực giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Quang bước vào giai đoạn tiếp theo với sự quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng.

CHƯƠNG III

 Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đẩy mạnh tăng gia sản xuất góp phần chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước (1955 - 1975)

I. Chi bộ Đảng xã Tân Quang lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện công tác củng cố chính quyền, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, ổn định đời sống nhân dân (1955 - 1957)

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc nước ta được giải phóng, hòa bình được lặp lại. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới với 02 nhiệm vụ chiến lược liên hệ mật thiết và thúc đẩy lẫn nhau: miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.
Cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Quang, chi bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Quang bước vào thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng mới với những thuận lợi và khó khăn:
Thuận lợi: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách, biện pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện. Từ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được Tỉnh ủy Hà Giang, Huyện ủy Bắc Quang và trực tiếp là Chi bộ xã cụ thể hoá sát với tình hình của địa phương, chỉ đạo các thôn tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, trải qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với nhân dân cả nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, ý thức tự lập vươn lên trong khó khăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã không ngừng được nâng cao. Đây là một trong những động lực quan trọng cho công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế - xã hội của địa phương.
Khó khăn: Là một xã miền núi, địa hình phức tạp, ngăn cách bởi nhiều con sông, suối; dân cư còn ít, giao thông còn khó khăn, trình độ dân trí thấp lại không đồng đều; kinh tế, văn hoá - xã hội chưa phát triển; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo của cán bộ còn hạn chế. Mặt khác tàn dư của chế độ xã hội cũ để lại nặng nề. Nhiều nhóm phản động vẫn lén lút hoạt động, chống phá cách mạng, chúng dùng nhiều thủ đoạn hoạt động nhằm gây mất đoàn kết và phá vỡ niềm tin của đồng bào ta với Đảng và chính quyền. Do đó, làm nảy sinh không ít những khó khăn về công tác tư tưởng, công tác quản lý trên địa bàn.
Phát huy triệt để thuận lợi, quyết tâm khắc phục khó khăn, nhân dân các dân tộc trong xã Tân Quang đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khôi phục và xây dựng nền kinh tế, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội trên quê hương.
Quán triệt Nghị quyết 07 (họp từ ngày 03 - 12/3) và Nghị quyết 08 (họp từ ngày 13 - 20/8) năm 1955 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tình hình hiện tại và nhiệm vụ công tác trước mắt", đề ra một số nhiệm vụ trước mắt của cách mạng hai miền Nam - Bắc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ xã Tân Quang đã thống nhất đề ra những nhiệm vụ cụ thể: Trước hết phải có sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc trong xã, để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã ban hành, với phương châm tự lực cánh sinh, từng bước xây dựng quê hương. Trước mắt thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chống di cư tự do; chống đốt, phá rừng; hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, giải quyết vấn đề "Người cày có ruộng" xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến, giảm nghèo đói, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc; phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, trong đó chú trọng phát triển cây lương thực, cây ngắn ngày và hoa màu các loại; bảo đàm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Với các giải pháp cụ thể và mục tiêu coi trọng điều chỉnh lại ruộng đất, thực hiện chính sách đối với ruộng công, ruộng hoang, ruộng vắng chủ; tiếp tục tuyên truyền nhân dân tích cực khai hoang, phục hoá để các hộ dân đều có ruộng sản xuất, nâng cao đời sống; đưa nông dân làm chủ ruộng đất, làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể phụ trách các thôn xóm, tuyên truyền nhân dân sửa chữa được 08 con mương, với trên 200 ngày công lao động, để cung cấp nước tưới cho 12.400 bó mạ. Trong thời gian này, thời tiết khô hạn, mưa ít; lượng nước các khe suối không đủ cung cấp tưới tiêu cho đồng ruộng, xã đã huy động toàn dân giúp đỡ lẫn nhau chống hạn, cứu lúa. Việc khai phá diện tích đất hoang hóa, cải tạo thành đất ruộng, đất sản xuất đã được nhân dân trong xã thực hiện tốt. Điển hình có các thôn Nghĩa Tân, Vinh Quang, Xuân Hòa.
Sự nghiệp văn hoá, y tế được quan tâm chỉ đạo và có bước phát triển mới đi vào chiều sâu: Công tác bình dân học vụ, toàn xã mở được 12 lớp, thanh toán xong nạn mù chữ cho trên 335 người trong xã; mặt khác tuyên truyền cho những người biết chữ trong gia đình, dòng họ dạy những người chưa biết chữ để nhiều người biết chữ hơn. Các đội văn nghệ ở các thôn xóm cũng được thành lập nhằm phát huy truyền thống văn hoá của các dân tộc; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được coi trọng, vệ sinh phòng dịch bệnh được quan tâm, đã dập tắt được nhiều dịch bệnh lây lan. Công tác giáo dục tư tưởng được đẩy mạnh, thường xuyên phát động những đợt học tập chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhân dân, người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Do vậy nông dân rất tích cực, phấn khởi tăng gia sản xuất, từng bước thoát khỏi sự ràng buộc về kinh tế với tầng lớp trên. Nhân dân nhiệt tình đóng góp thuế, nghĩa vụ, tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển các đoàn thể xã hội, thành lập các tổ đổi công. Tích cực tham gia học tập, sinh hoạt văn hoá - xã hội, học tập các chính sách của Đảng và Nhà nước. Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường, các đoàn thể phát triển mạnh, trong đó tổ chức Nông hội có 422 hội viên, hội Phụ nữ có 318 hội viên, Đoàn thanh niên có 210 đoàn viên, thiếu nhi có 198 đội viên.
Trong công tác xây dựng Đảng, chi bộ luôn quan tâm đến phát triển Đảng viên. Chi bộ đã theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ và kết nạp 03 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 50% kế hoạch, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 12 đồng chí.
Năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất của huyện được tổ chức, Đại hội có 69 đại biểu thay mặt cho các dân tộc, tôn giáo trong toàn huyện về dự; Đại hội đã bầu ra 13 ông, bà có uy tín vào Ủy ban Mặt trận huyện. Đại hội đã biểu quyết tán thành cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành. Sự thành công của Đại hội đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo trong toàn huyện với quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Ngay tại Đại hội, Mặt trận Tổ quốc huyện đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Tổ quốc các xã. Với vai trò là một bộ phận quan trọng của hệ thống chuyên chính vô sản. Sau khi được thành lập, Mặt trận Tổ quốc xã Tân Quang đã tổ chức cho nhân dân học tập Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 474 người tham gia. Qua học tập nhân dân càng hiểu biết và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được nâng cao, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng chính quyền, thôn xóm ngày một phát triển.
Trong hai năm 1955 - 1956, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ Tân Quang đã chỉ đạo học tập chính sách dân tộc của Đảng, tuyên truyền vận động thành lập khu tự trị Lao - Hà - Yên[1]. Việc thành lập khu tự trị nhằm tự quản, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân tộc, tạo ra khả năng phát triển mọi mặt dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. Từ chính sách dân tộc, đến việc vận động thành lập khu tự trị của Đảng, đã có trên 90% quần chúng học tập và hưởng ứng rộng rãi, phản bác lại chính sách chia rẽ dân tộc của bọn phản động, tăng cường sự đoàn kết, từ bỏ tính tự ty dân tộc, hẹp hòi, ích kỷ, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện quyền bình đẳng trên tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng..., từng bước đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền núi tiến kịp với miền xuôi.
Tháng 4 năm 1956, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã lần thứ 2 được tiến hành, nhân dân trong xã nô nức tham gia bỏ phiếu, bầu ra 09 đại biểu đại diện cho nhân dân toàn xã. Ủy ban hành chính lâm thời xã được đổi tên thành Ủy ban hành chính do ông Vàng Séo Chằng được bầu giữ chức Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Lợi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch. Ủy ban hành chính xã đã đẩy mạnh việc củng cố khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nhằm ổn định tình hình chính trị - xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế ở địa phương.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và của tỉnh về việc giảm tô, cải cách ruộng đất. Năm 1955, xã Tân Quang đã tiến hành việc giảm tô cho nhân dân, đến năm 1956 tiến hành cải cách ruộng đất. Nhân dân trong xã, hết sức phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng.
Bước sang năm 1955, đời sống của nhân dân xã Tân Quang cũng  như  huyện Bắc Quang gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất, cây lương thực thực phẩm bị sâu bệnh tàn phá nặng nề, ở nhiều nơi trong xã hầu như bị mất trắng. Đứng trước những khó khăn trên, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Bắc Quang về việc phòng trừ sâu bệnh, chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa thiệt hại mùa vụ. Thực hiện chủ trương trên, các tầng lớp nhân dân trong xã từ thanh niên, phụ nữ, phụ lão, cho đến các cháu học sinh, thiếu niên trong xã đã tham gia tích cực vào việc diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ hoa màu như phun thuốc, bắt thủ công để tiêu hủy, bẫy bả các loại... để hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất cho nhân dân. Từ đó đã hạn chế được dịch sâu bệnh xâm hại. Bên cạnh đó, chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội vận động nhân dân tăng cường bổ sung ăn độn khoai, sắn; tích cực trồng các cây ngắn ngày để bổ sung phần lương thực thiếu hụt. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", quyên góp để ủng hộ cho đồng bào bị đói trong huyện. Qua đó, nhân dân trong xã đã tham gia đóng góp gạo, tiền, rau xanh. Tuy số lượng không nhiều nhưng đã thể hiện tinh thần đùm bọc, đoàn kết đối với nhân dân trong huyện khi khó khăn.
Việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp bước đầu gặp nhiều khó khăn, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Vụ đông năm 1956, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các xã về kế hoạch thu thuế nông nghiệp, nghiệp vụ công tác thuế và cách tuyên truyền, vận động nhân dân. Xã đã cử một số cán bộ đi tham gia tập huấn. Sau khi các cán bộ được tập huấn về, xã đã tổ chức học tập, phổ biến rộng rãi cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách thuế nông nghiệp và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Nhờ được học tập, tuyên truyền, vận động cụ thể, đa số nhân dân trong xã đã thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc nộp thuế nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cán bộ, đảng viên còn tuyên truyền cho nhân dân thấy được sự ưu tiên của Đảng và Chính phủ trong chính sách thuế đối với đồng bào các dân tộc ở miền núi, qua đó thấy được tính ưu việt của chế độ mới - Xã hội chủ nghĩa, thấy được quyền làm chủ của mình.
Công tác xoá mù chữ, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân trong xã cũng được chi bộ, chính quyền xã quan tâm. Phong trào học xóa mù chữ của xã đã được phát triển mạnh thu hút được nhiều người tham gia. Năm 1956, trường cấp I của xã được thành lập với 04 giáo viên và 45 học sinh, có các lớp học 1, 2 và 3.

 II. Chi bộ Đảng xã Tân Quang lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện nhiệm cụ cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960)

Năm 1958, cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân xã Tân Quang bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ cải tạo Chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo kế hoạch Nhà nước.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tháng 9 năm 1958, Chi bộ xã Tân Quang đã tiến hành Đại hội lần thứ III. Đại hội có 18 đảng viên tham dự. Đại hội đã thông qua báo cáo công tác chỉ đạo của các năm trước. Đại hội đã chỉ rõ: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như: Trình độ, năng lực cán bộ còn hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, đầu tư cho sản xuất còn nhiều khó khăn, trình độ kỹ thuật lạc hậu, chưa phát triển, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, thời tiết không thuận lợi, cơ sở vật chất thiếu thốn. Song được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ xã Tân Quang đã tập trung chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong toàn xã tích cực thi đua sản xuất, phát triển chăn nuôi, thành lập các tổ đổi công, thực hiện tốt công tác thủy lợi phục vụ sản xuất, nên năng suất cây trồng, vật nuôi phát triển có chiều hướng tăng nhanh, đời sống vật chất của nhân dân khác hơn các năm trước, tỷ lệ hộ đói giáp hạt có giảm nhưng chưa đáng kể, an ninh chính trị được đảm bảo. Công tác củng cố chính quyền và các đoàn thể được quan tâm; phát triển đảng viên được 15 đồng chí, chuyển đi nơi khác 06 đồng chí, tổng số đảng viên trong chi bộ đến cuối năm 1958 là 18 người.
Tuy đạt được những kết quả trên, song chi bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại là: Về công tác chỉ đạo có lúc chưa tập chung, chưa sâu sát, công tác tuyên truyền chưa được triệt để; chăn nuôi chưa được đẩy mạnh, năng suất thấp, công tác khai hoang, mở rộng diện tích đất chưa thực hiện triệt để, còn nhiều diện tích đất hoang hóa. Năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ còn hạn chế. Công tác giáo dục đảng viên chưa thực hiện tốt, trong nhiệm kỳ còn có đảng viên vi phạm, bị kỷ luật.
Đại hội đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ những năm tiếp theo: Tăng cường công tác chỉ đạo và tuyên truyền trong nhân dân để thành lập các tổ đổi công tại các thôn xóm, tiến tới thành lập các hợp tác xã. Vận động nhân dân tiếp tục thực hiện khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất, tận dụng hết diện tích để gieo cấy; chú trọng phát triển các loại rau, hoa màu; làm tốt công tác thủy lợi, đảm bảo đủ nước tưới cho các cánh đồng. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đảm bảo các chỉ tiêu giao nộp nghĩa vụ cho nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, làm tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên, phát triển đảng viên mới.
Đại hội đã bầu ra 03 đồng chí trong Ban chi ủy. Đồng chí Lộc Sằn Hìn được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Đồng chí Đỗ Đức Hoạt, Phó Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, ủy viên. Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ III.
Năm 1958, Ủy ban hành chính xã được kiện toàn. Đồng chí Nguyễn Văn Quang được bầu giữ chức Chủ tịch. Đồng chí Lộc Sằn Hìn được bầu giữ chức Phó chủ tịch.
Tháng 12 năm 1958, Đảng bộ huyện Bắc Quang tiến hành Đại hội Đảng lần thứ III. Đại hội Đảng bộ huyện xác định bước đi của trọng tâm phát triển kinh tế là sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, lấy nông nghiệp là chủ đạo. Đồng thời Đảng bộ cũng đã chỉ ra biện pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn đảm bảo sản xuất nông nghiệp, khắc phục thiên tai, hạn hán và tổng kết rút kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã điểm ở Quang Minh để chỉ đạo các xã trong toàn huyện.
Với những phương hướng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, Nghị quyết chi bộ đề ra. Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội tổ chức tuyên truyền trong nhân dân tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng gia sản xuất, khai hoang phục hoá, làm thủy lợi... Do đó, từ năm 1958 - 1960, diện tích và năng suất nông nghiệp của xã năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Công tác văn hóa - giáo dục của xã được đẩy mạnh, thu hút nhiều người tham gia học xoá mù chữ, dần dần xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, xây dựng một cuộc sống mới tiến bộ.
Tháng 4 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 16 (khóa II) được triệu tập. Hội nghị đã họp bàn về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo CNXH ở miền Bắc. Đối với miền núi nhiệm vụ trước mắt là vận động hợp tác hóa nông nghiệp phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ; đồng thời có thể tổ chức những hợp tác xã nông - lâm nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi.
Giai đoạn này, phong trào tổ đổi công được đẩy mạnh ở các thôn trên địa bàn xã, đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Toàn xã thành lập được 08 tổ đổi công hoạt động hiệu quả. Do thực hiện tốt các quy trình vào sản xuất, từ khâu làm đất, gieo mạ, bón phân, thu hoạch nên riêng vụ đông xuân năm 1959, toàn xã đã gieo cấy 4.000 bó mạ thuộc giống lúa Nam Ninh, thu hoạch trên 22 tấn. Các loại cây ngô, khoai, sắn... cũng được nhân dân tận dụng diện tích đất hoang hóa, các soi bãi. Toàn xã đã trồng được trên 100.000 khóm sắn, 25.000 ngọn mía, 1.500 kg khoai sọ, hơn 1000 kg rau, đậu các loại.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của Huyện ủy Bắc Quang về việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp. Đầu năm 1959, Chi bộ xã Tân Quang đã tổ chức học tập, quán triệt các nội dung của cấp trên về thành lập hợp tác, đồng thời phát động phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chi bộ quyết định chọn thôn Xuân Hòa làm điểm để xây dựng hợp tác xã đầu tiên của xã để nhân rộng. Được sự giúp đỡ của huyện, sự cố gắng nỗ lực của chi bộ, chính quyền xã. Đầu năm 1960, hợp tác xã Xuân Hòa được thành lập với 17 hộ gia đình tham gia. Ngay sau khi thành lập, hợp tác xã đã phát động một số cuộc vận động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như "Ba cải tiến", "thửa ruộng Lâm Đồng, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo xã viên kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc cây trồng. Do vậy, vụ đông xuân năm 1959 - 1960, hợp tác xã Xuân Hòa gieo cấy đạt 3.000 bó mạ, năng suất bình quân đạt 2,8 kg/bó mạ. Ngoài cấy lúa, hợp tác xã còn vận động nhân dân tăng gia thêm các loại cây hoa màu như ngô, khoai, sắn, rau, đậu các loại.
Bên cạnh đó, hợp tác xã còn chủ động vận động xã viên phát triển đàn gia súc, gia cầm vừa bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế cho nhà nước, vừa cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nhân dân. Cuối năm 1960, hợp tác xã có 27 con trâu (trong đó 19 con trâu cày bừa, 02 trâu sinh sản và 06 trâu nghé). Công tác thủy lợi cũng được hợp tác xã chú trọng thực hiện tốt.  Hợp tác xã đã xây dựng được 02 tuyến mương mới với chiều dài 150m, tu sửa được 06 phai đập, phục vụ nước tưới cho diện tích cấy.
Cuối năm 1960, hợp tác xã mua bán của xã được thành lập, góp phần cung cấp các mặt hàng thiết yếu như dầu, muối, vải, tư liệu sản xuất, sách, vở học sinh... phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Dưới sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Chi bộ xã, trong giai đoạn 1955 - 1960, hoạt động của chính quyền và các tổ chức đoàn thể Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Phụ lão... được củng cố và từng bước phát triển. Đó là nguồn lực để tạo ra các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất như: Đoàn thanh niên với phong trào làm thủy lợi, chống hạn, phòng chống sâu bệnh, làm phân xanh; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân với phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, ủ mạ, bón phân, cày sâu, bừa kỹ... Số lượng hội viên, đoàn viên tham gia các tổ chức ngày càng tăng.
Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ sản xuất mới dần được hình thành, việc xây dựng hợp tác xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực thực hiện, đã đem lại những kết quả tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện, bước đầu xác lập được quan hệ sản xuất mới - quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chi bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng được củng cố và hoạt động tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn ổn định. Đây chính là những cơ sở thuận lợi, tạo đà để chi bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu mới trong giai đoạn tiếp theo.
Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập dân tộc và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới; thông qua Điều lệ Đảng sửa đổi và thông qua lời kêu gọi của Đại hội...
Từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 3 năm 1961, Đại hội lần thứ III của Đảng bộ tỉnh Hà Giang được tổ chức. Đảng bộ và nhân dân Hà Giang đã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã nghiêm túc quán triệt nội dung Đại hội lần thứ III của Đảng và thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới: Đoàn kết nhân dân các dân tộc đưa tỉnh Hà Giang tiến nhanh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, tạo mọi điều kiện đưa vùng cao tiến kịp vùng thấp, vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, vùng hẻo lánh tiến kịp vùng tập trung, toàn tỉnh tiến kịp vùng xuôi, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam tiến đến thống nhất nước nhà. Trước mắt nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa vẫn là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh sản xuất phát triển. Tập trung mọi cố gắng để phát triển nông nghiệp toàn diện, lấy phát triển lương thực làm trọng tâm.
Quán triệt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện, Chi bộ xã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức thực hiện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nông thôn; mặt khác tổng kết đánh giá xây dựng điểm hợp tác tại thôn Xuân Hòa để nhân dân học tập và nhân diện rộng; tập trung chỉ đạo phát triển cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn), tiến hành thủy lợi hoá, cải tiến nông cụ, kỹ thuật, đẩy mạnh khai hoang, tăng vụ, phát triển chăn nuôi; phát triển thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường phát triển văn hóa, giáo dục và y tế; bảo đảm hoàn thành 100% thuế cho Nhà nước; củng cố kiện toàn các đoàn thể xã hội, tăng cường phát triển đảng viên mới tiến tới thành lập Đảng bộ.
Phong trào thi đua đã được chi bộ triển khai, chỉ đạo chặt chẽ và phát động rộng khắp tới các hợp tác xã, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc như: "Gió Đại Phong"[2], "Sóng Duyên Hải"[3], "Cờ Ba Nhất"[4], "Tiếng trống Bắc Lý"[5]; đối với các đoàn thể phát động phong trào thi đua "Xung phong tình nguyện" của Đoàn Thanh niên, "Năm tốt" của Hội Phụ nữ, với khẩu hiệu "Bí thư ra tay lãnh đạo và phát động chiến dịch tiến quân vào 4 mặt: Làm phân bón, thủy lợi, làm công cụ cải tiến và làm đất kỹ". Ngoài ra nhân dân tích cực tham gia phong trào thực hành tiết kiệm “Ba không”, “Ba hoãn”, “Ba giảm”... Kết quả đã thu được những thành tựu đáng tự hào, mọi người, mọi nhà đều tích cực hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Các đoàn thể xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, biểu dương các gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Các nhà trường thi đua "Dạy tốt, học tốt", thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và những quy định của địa phương.
Từ  đầu năm 1963, theo chủ trương của Đảng về việc đưa đồng bào miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhân dân các tỉnh miền xuôi như: Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc....với  hơn 300 nhân khẩu đã lên Tân Quang lập nghiệp. Với tinh thần “Nhường cơm sẻ áo”, nhân dân xã Tân Quang đã phát huy truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái, tích cực giúp đỡ các gia đình ổn định cuộc sống để an tâm sản xuất phát triển kinh tế. Ngoài ra, xã tổ chức bố trí ở xen kẽ với nhân dân bản địa và chia đất thổ cư, phân bổ vào các hợp tác xã; trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Nghĩa Tân, Vinh Quang. Sau khi nhân dân miền xuôi ổn định cuộc sống đã hình thành một vùng kinh tế mới, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của toàn xã. Để công tác quản lý hành chính được tốt, Hội đồng nhân dân xã đã đề nghị được thành lập mới thôn Tân Mỹ (tức thôn Mỹ Tân ngày nay). Cùng với việc tiếp nhận nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới, Chi bộ Đảng xã Tân Quang tiếp nhận thêm 10 đảng viên ở miền xuôi chuyển lên sinh hoạt cùng chi bộ, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 28 đồng chí.
Tháng 12 năm 1963, Chi bộ xã Tân Quang tổ chức Đại hội lần thứ IV, tham dự Đại hội có 28 đảng viên. Đại hội đã đánh giá những kết quả chỉ đạo Nghị quyết Đại hội chi bộ lần thứ III. Đại hội đã đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn tiếp theo là: Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức tốt các hợp tác xã nông nghiệp, nhằm sử dụng hết diện tích, không để đất hoang hóa; áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi; nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Xây dựng cửa hàng thương nghiệp kết hợp dịch vụ, thực hiện tốt công tác cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. Kết hợp với công tác dịch vụ nhằm thu mua các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp phục vụ cho nhu cầu của đất nước, của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Hoàn thành 100% các khoản thuế cho Nhà nước và các khoản đóng góp của địa phương. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ và phục vụ chiến đấu, đảm bảo đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân; thực hiện tốt phong trào hậu phương, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của ủng hộ tiền tuyến. Thực hiện tốt công tác văn hóa - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền ăn, uống hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; phát động các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, xây dựng các đội văn nghệ, thể thao tại xã, thôn, xóm. Tiếp tục củng cố chính quyền và các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả cao hơn, phát triển thêm đoàn viên, hội viên. Ổn định vùng kinh tế mới, tiếp tục tiếp đón, bố trí nơi ở, đất sản xuất cho đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Đại hội đã bầu Ban chi ủy gồm 03 đồng chí. Đồng chí Lộc Sằn Hìn được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Đồng chí Đỗ Đức Hoạt được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ, đồng chí Lầu Phúc Lầm ủy viên.
Tháng 8 năm 1964, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ V được triệu tập, với 150 đại biểu tham dự, đại diện cho trên 1.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã ban hành Nghị quyết, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ở miền núi, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) do huyện đề ra. Đại hội cũng đã tiếp tục khẳng định, tập trung để phát triển sản xuất toàn diện, lấy nông - lâm nghiệp làm trọng tâm, kiện toàn hợp tác xã, tăng cường đội ngũ cán bộ địa phương, tăng cường củng cố tổ chức cơ sở Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ lần thứ IV. Chi bộ đã xây dựng chương trình hành động đưa ra các giải pháp cụ thể để động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, mặt khác Chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, gắn trách nhiệm của đảng viên.  
Công tác củng cố, phát triển các đoàn thể quần chúng được chi bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, các đoàn thể quần chúng đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ của chi bộ đã đề ra kết hợp với phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Các phong trào thi đua được đoàn viên, hội viên và nhân dân hăng hái thực hiện, tạo nên khí thế sôi nổi trong cộng đồng dân cư.
Đoàn Thanh niên hoạt động sôi nổi, đi vào chiều sâu. Toàn xã có 67 đoàn viên, sinh hoạt tại 03 chi đoàn (chi đoàn Xuân Hòa, Vinh Quang, Tân Tiến). Các chi đoàn đã thực hiện tốt việc vận động đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia sản xuất và thực hiện các phong trào như: Phong trào ủ phân xanh được 08 tấn, phong trào lao động làm kênh, mương thủy lợi phục vụ nước tưới cho đồng ruộng đạt 300 ngày công, phong trào “3 sẵn sàng”[6] được 50 đoàn viên hăng hái đăng ký thực hiện. Hàng năm, thanh niên trong độ tuổi đều tham gia kế hoạch tuyển quân, nhiều đồng chí tự nguyện viết đơn xin lên đường nhập ngũ, sẵn sàng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Tân Quang luôn đạt 100% chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự hàng năm.
Hội Phụ nữ đã vận động chị em hội viên thực hiện tốt phong trào “3 đảm đang”[7]. Toàn xã có 257 hội viên tham gia sinh hoạt trong 04 chi hội, đây là lực lượng tích cực luôn đi đầu trong các phong trào, nhất là việc áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như: chăng dây cấy thẳng hàng, cấy đúng kỹ thuật 20 x 20 cm, thực hiện tốt việc không cấy chay. Ngoài ra, chị em còn thực hiện tốt việc tham gia dân công, làm đường dân sinh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, các phong trào văn hóa, văn nghệ, tham gia huấn luyện dân quân hàng năm...
Các cụ phụ lão hưởng ứng và phát huy tinh thần “Tuổi cao trí càng cao”, tham gia phong trào “3 tích cực”[8], góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tuyển quân, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng, hạn chế xói mòn. 
Công tác giáo dục - văn hoá của xã cũng có những biến chuyển tích cực. Năm 1960, xã đã có trường cấp II với 08 giáo viên và trên 100 học sinh. Các cháu học sinh cấp I và cấp II thực hiện tốt cuộc vận động “5 điều yêu” (yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu chăm học, yêu của công, yêu lao động) “2 tính tốt” (thật thà và dũng cảm). Phát huy tinh thần tự học, rèn luyện, ngoài ra còn tham gia các hoạt động lao động cộng sản như: vệ sinh đường, nạo vét kênh mương, diệt chuột, diệt sâu bệnh.
Đối với công tác y tế, chú trọng tới công tác tuyên truyền phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, vận động nhân dân tham gia phong trào “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, tiêm phòng chống dịch đạt 100% kế hoạch. Qua đó, nhân dân đã nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng tránh dịch bệnh, khi bị ốm đau đều tới trạm y tế khám và điều trị.
Các hoạt động văn hóa -  thông tin cũng được duy trì và mở rộng. Đội văn nghệ quần chúng của xã kết hợp với Đoàn thanh niên xã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao tại xã và tích cực tham gia các giải do huyện tổ chức vào dịp các ngày lễ, ngày tết cổ truyền của dân tộc, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, động viên nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất.
 Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Chi bộ đã giới thiệu và kết nạp được 06 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 34 đồng chí.
 Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, đế quốc Mỹ đã đưa quân vào miền Nam Việt Nam tiến hành "chiến tranh cục bộ". Chúng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, với âm mưu phá hủy tiềm lực phát triển kinh tế, quốc phòng, cản trở công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ xã Tân Quang đã chủ động triển khai phát động phong trào bảo vệ an ninh, tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng gian bảo mật. Nhân dân đã thực hiện việc đào các hầm trú ẩn, các giao thông hào tại các vị trí trọng điểm, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán khi cần thiết. Hệ thống báo động của xã cũng được thành lập, công tác phòng không được rèn luyện thường xuyên, dần dần trở thành nếp sống bình thường của nhân dân. Ý thức tự giác và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân được nâng cao.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp sự hi sinh gian khổ của đồng bào miền Nam ruột thịt. Đồng thời, nhận thức chống Mỹ là nhiệm vụ thiêng liêng, trọng tâm trước mắt của cả dân tộc, trong đó có nhân dân các dân tộc xã Tân Quang. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân thi đua đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất trong các hợp tác xã với khẩu hiệu “Vừa chiến đấu, vừa sản xuất”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người hãy làm việc bằng hai”, “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”... Phong trào đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo nên không khí thi đua sôi nổi. Do vậy, năng suất, sản lượng nông nghiệp của các hợp tác xã tăng lên rõ rệt, nhân dân thực hiện đạt 100% nghĩa vụ thuế và đóng góp ủng hộ tiền tuyến, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, động viên con em lên đường nhập ngũ.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, ngày 27/12/1965 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa III) đã họp đánh giá tình hình và ra nhiệm vụ của cách mạng hai miền. Nghị quyết nêu rõ: “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà..”. Đối với nhiệm vụ ở miền Bắc, Hội nghị cũng đã khẳng định: “Phải chuyển hướng từ tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng về xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, cả hai miền Nam, Bắc đều trở thành tiền tuyến chống Mỹ cứu nước. Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đảm bảo sơ tán, phòng tránh chiến tranh phá hoại, vừa tranh thủ sản xuất thực hiện nhiệm vụ là hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho miền Nam…
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tháng 2 năm 1966, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã họp và ra Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ của huyện trong tình hình mới: Tăng cường sản xuất và chiến đấu, xây dựng lòng tin tuyệt đối với đường lối, chủ trương của Đảng, có ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; ra sức xây dựng huyện vững mạnh trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quốc phòng. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, ra sức thâm canh, tăng năng suất và phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển cây chè, cây ăn quả; tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác phòng tránh, sơ tán; chuyển hướng kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, Chi bộ xã Tân Quang tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho đồng bào các dân tộc về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, từ đó, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra. Trước mắt, đẩy mạnh thi đua trong sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, với mục tiêu đảm bảo cuộc sống, an ninh trật tự xã hội, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Ngày 18 tháng 4 năm 1966, Chi bộ xã Tân Quang tổ chức Đại hội lần thứ V, tham dự Đại hội có 34 đảng viên. Đại hội đã đánh giá những kết quả thực hiện Nghị quyết của chi bộ lần thứ IV, (nhiệm kỳ 1963 - 1966), đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện (nhiệm kỳ 1966 - 1969). Đại hội đã bầu ra Ban chi ủy gồm 03 đồng chí: Đồng chí Lộc Sằn Hìn, tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu tái cử giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đồng chí  Lầu Phúc Lầm được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Đồng chí  Đỗ Đình Hoạt, ủy viên chi bộ.
Quán triệt Nghị quyết Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết của chi bộ tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, chi bộ đã xác định, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Giải pháp quan trọng hàng đầu để đưa năng suất lúa lên cao là thực hiện tốt công tác thủy lợi, phân bón, giống, áp dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, chi bộ đã chỉ đạo các hợp tác xã và nhân dân đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, khai hoang phục hóa, tận dụng các loại phân chuồng, tăng cường làm phân xanh, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất như: giống lúa nông nghiệp 8, giống lúa chân trâu lùn, giống lúa bào thai. Thực hiện phương châm “không cấy chay”, áp dụng xử lý giống với công thức “3 sôi, 2 lạnh”, thâm canh lúa, ngô, phòng trừ dịch bệnh, nên năng suất lúa bình quân đạt trên 3,2 tấn/ha, sản lượng các loại cây trồng của hợp tác xã đều tăng cao. Ngoài việc sản xuất cây lương thực, các hợp tác xã còn chú trọng phát triển hoa màu, cây công nghiệp, các loại rau đậu để phục vụ nhu cầu cho các hộ gia đình, trao đổi hàng hóa và phát triển chăn nuôi tăng thu nhập.
Các phong trào thi đua đã được các hợp tác xã, các đoàn thể phát động mạnh mẽ, có hiệu quả. Trong các phong trào thi đua, lực lượng thanh niên trở thành lực lượng xung kích, luôn đi đầu trong việc thực hiện khẩu hiệu “một người làm việc bằng hai”, “3 sẵn sàng”. Bên cạnh đó, phụ nữ với phong trào “Ba đảm đang”...
Song song với phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng được phát triển để tăng cường sức kéo, phân bón phục vụ cho trồng trọt và cung cấp thực phẩm cho địa phương, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. 100% các hộ dân đều chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ có số lượng gia súc, gia cầm lớn.
Phong trào xây dựng hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn xã có 04 hợp tác xã nông nghiệp và 01 hợp tác xã mua bán, 01 hợp tác xã tín dụng. Chi bộ đã tập trung củng cố hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cán bộ hợp tác xã. Các hợp tác xã thực hiện tốt việc phân công lao động, chấm điểm, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh việc khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất canh tác. Do vậy, năng suất lúa bình quân đạt 3,7 kg/bó mạ. Sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi của các hợp tác xã đều tăng. Đời sống của các xã viên và nhân dân được nâng cao hơn so với thời kỳ trước.
Công tác văn hóa, giáo dục, y tế được Chi bộ xã chỉ đạo chặt chẽ. Hàng tháng, có các đoàn văn nghệ, đội chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân. Các lớp vỡ lòng đã được phát triển tới tất cả các thôn, học sinh đến tuổi tham gia học tập  ngày một đông. Số lượng học sinh tham gia học tập ổn định, chất lượng học tập cũng được nâng lên. Tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp tăng, tỷ lệ lưu ban và bỏ học giảm. Việc cho con em trong độ tuổi đến trường đã trở thành nề nếp của nhân dân. Công tác y tế được tăng cường, phong trào vệ sinh phòng dịch bệnh được phát động rộng rãi. Nhân dân ý thức hơn trong việc thực hiện “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, phong trào làm nhà vệ sinh 2 ngăn để đảm bảo sức khỏe, góp phần phòng trừ dịch bệnh được đẩy mạnh thực hiện.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm mọi mặt, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên. Cuộc vận động “Xây dựng chi bộ 4 tốt” thực hiện tốt. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, trong 03 năm đã kết nạp được 06 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ đến năm 1969 là 40 đồng chí. Nhìn chung, đội ngũ đảng viên của chi bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với phong trào thi đua sản xuất, việc nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực chủ động phòng chống những tình huống có thể xảy ra cũng được chi bộ, chính quyền và nhân dân chú trọng. Trong những năm 1967, 1968, máy bay địch đã nhiều lần bay qua địa bàn xã và ném bom bắn phá khu vực cầu Quang, đe dọa tới đời sống của nhân dân. Với nhận thức luôn chủ động, nhân dân xã Tân Quang đã tích cực thực hiện các chủ trương phòng tránh và sẵn sàng đối phó với sự đánh phá của đế quốc Mỹ, tổ chức chỉ đạo nhân dân, các trường học, trạm xá... đào hầm, giao thông hào phòng tránh bom Mỹ. Xã đã thành lập 01 trung đội dân quân tự vệ được luyện tập thường xuyên để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhằm đập tan mọi mưu đồ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Hồi 0 giờ 40 phút ngày 22 tháng 9 năm 1967 lợi dụng đêm tối, máy bay C130 của Mỹ thả một toán biệt kích 07 tên xuống vùng núi xã Việt Vinh, có nhiệm vụ nắm bắt các hoạt động quân sự, vận chuyển quốc tế trên quốc lộ II, chỉ đạo cho máy bay bắn phá rồi di chuyển vào nơi hẻo lánh lập căn cứ, tổ chức bọn phỉ, đặc vụ phá hoại cơ sở của ta. Sau khi phát hiện địch nhảy dù, Huyện đội Bắc quang đã báo động lực lượng dân quân các xã xung quanh bao vây, truy lùng biệt kích. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, một tiểu đoàn dân quân chống biệt kích được thành lập gồm 08 đại đội của 06 xã: Việt Vinh, Tân Trịnh, Tân Lập, Hùng An, Quang Minh, Tân Quang. Chi bộ xã Tân Quang đã huy động trên 50 chiến sĩ dân quân tự vệ, phối hợp với các lực lượng vũ trang của huyện và các xã bạn, tập trung bao vây, truy lùng và nhanh chóng bắt gọn toán biệt kích. Chiến thắng trên thể hiện sự cảnh giác cao độ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, làm thất bại mọi ý đồ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn.
Năm 1967, Đảng bộ huyện Bắc Quang tiến hành Đại hội lần thứ VI. Đại hội đã nhận định, đánh giá hoạt động của Đảng trong 03 năm qua; đồng thời biểu dương tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn để sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Đại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới: Sản xuất lương thực, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và nghề rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tăng cường, củng cố hợp tác xã nông nghiệp, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phát triển kinh tế, kiện toàn tổ chức quản lý kinh tế, thực hành tiết kiệm. Mặt khác, tăng cường sự lãnh đạo, kiện toàn tổ chức chính quyền, củng cố các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng dân quân du kích, dân quân tự vệ vững mạnh, bảo vệ trật tự trị an, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong nhân dân.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ huyện, Nghị quyết Chi bộ xã lần thứ V. Chi Bộ xã Tân Quang phấn đấu, quyết tâm chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống cách mạng, kiên trì thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, góp phần cùng cả nước đánh bại âm mưu phá hoại của đến quốc Mỹ và bọn tay sai ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 01 năm 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 ra Nghị quyết về chủ trương mở rộng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.
Từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 08 năm 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 họp về chủ trương củng cố và phát triển thắng lợi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.
Ngày 03 tháng 11 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, đây là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này: “Nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc... Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hà Giang, Huyện ủy Bắc Quang, chi bộ đã phát động phong trào thi đua rộng khắp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, học tập và công tác, quyết tâm củng cố các hợp tác xã, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhà nước giao cho. Đồng thời tập trung chỉ đạo củng cố lực lượng dân quân tự vệ, tăng cường công tác huấn luyện kỹ thuật chiến đấu phòng không, chống biệt kích, bảo vệ bí mật, trị an trên địa bàn; vận động thanh  niên tích cực lên đường nhập ngũ. Nhờ những cố gắng, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong xã, đời sống mọi mặt của nhân dân từng bước đã được củng cố và phát triển. Trong những năm 1966 - 1968, nhân dân xã tích cực thực hiện nghĩa vụ Nhà nước của xã với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” luôn được đảm bảo. Hàng năm số thanh niên nhập ngũ của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu của cấp trên giao. Với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt, thanh niên Tân Quang đã nô nức đăng ký tham gia nhập ngũ, có những thanh niên đã cắt tay lấy máu viết tâm thư xin nhập ngũ, như: Phạm Hùng, Trần Đảm. Nhiều thanh niên không biết chữ hay thiếu cân nặng đã tìm mọi cách khám tuyển đạt yêu cầu, để được lên đường nhập ngũ. Việc động viên con em lên đường nhập ngũ đã trở thành niềm tự hào của mỗi gia đình trong xã. Với thành tích đó, Đoàn Thanh niên của xã đã được nhận Bằng khen chống Mỹ cứu nước của Trung ương Đoàn. Việc duy trì an ninh, trật tự xã hội trong các thôn xóm cũng được thực hiện tốt. Lực lượng dân quân của xã được phát triển mạnh, luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu và bảo vệ trị an.

Ngày 17 tháng 5 năm 1969, Chi bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ VI  (nhiệm kỳ 1969 - 1973), với sự tham dự của 40 đảng viên. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Chi bộ lần thứ V (nhiệm kỳ 1966 - 1969), đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 1969 - 1973. Đại hội bầu ra Ban chi ủy gồm 03 đồng chí: đồng chí Trần Văn Sắn được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đồng chí Lầu Phúc Lầm, Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, ủy viên Ban chi ủy kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã.

Đại hội đã khẳng định và biểu dương tinh thần quyết tâm, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, xây dựng hợp tác xã; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Đồng thời sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tiếp theo đó là: Tiếp tục củng cố và xây dựng hợp tác xã, tận dụng tối đa nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp với trọng tâm là phát triển sản xuất lương thực, thực hiện tốt việc chi viện cho tiền tuyến, chú trọng công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền, các đoàn thể xã hội. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ xã đến thôn. Trong nhiệm kỳ phấn đấu kết nạp từ 5 đến 7 đảng viên mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chi bộ xã đã chỉ đạo phát động nhân dân đẩy mạnh việc sản xuất, củng cố phong trào xây dựng hợp tác xã, không ngừng tăng năng xuất, sản lượng trong nông nghiệp. Việc khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, diện tích trồng lúa, khoai, sắn, mía được tăng lên. Số lượng gia súc, gia cầm cũng tăng lên từng năm. Tính đến tháng 2 năm 1969, toàn xã có 117 con trâu, bò; 453 con lợn; 1.700 con gà; trồng được 803.400 ngọn mía; 300.000 gốc sắn; hơn 4.000kg khoai lang, khoai sọ… Bên cạnh đó, xã tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên khai hoang làm kinh tế, giao đất và giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống. Đến năm 1969, toàn xã Tân Quang có 340 hộ với 1.816 khẩu.
Năm 1969 là năm có nhiều thách thức đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Quang nói chung, nhân dân xã nói riêng. Trong thời gian 05 ngày (từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8 năm 1969) các trận mưa lớn đã trút xuống Bắc Quang một lượng mưa 4.855 mm/m2, gây ra trận lũ lớn nhất chưa từng có từ hàng trăm năm trở lại đây. Tân Quang là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lụt lịch sử này. Với những thiệt hại: Số hộ bị ngập 329 hộ; số nhà bị trôi, đổ 334 cái, chuồng trại gia súc bị trôi, đổ 92 cái, trâu, bò, gia cầm bị trôi, chết 618 con, diện tích lúa bị ngập 10.914 bó mạ và nhiều diện tích hoa màu, tài sản khác bị thiệt hại... song không có thiệt hại về người.
Để khắc phục những hậu quả do mưa lũ gây ra và động viên nhân dân ổn định sản xuất. Ngày 03 tháng 9 năm 1969, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Lê Trung Đình - Thứ Trưởng bộ Công nghiệp dẫn đầu đã lên thăm và động viên nhân dân xã Tân Quang. Chi ủy đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội phân công cán bộ xuống từng thôn, từng hợp tác xã để động viên, giúp đỡ nhân dân ổn định sản xuất. Tổ chức huy động nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sửa chữa các tuyến đường bị hỏng, giúp đỡ những gia đình bị trôi, đổ nhà, tu sửa lại nhà cửa ổn định cuộc sống. Đồng thời nhận được sự hỗ trợ của huyện về giống, vốn nên việc phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì, đời sống nhân dân bước đầu ổn định.
Giữa lúc nhân dân cả nước thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hăng hái lao động sản xuất, củng cố quốc phòng, giành được những thắng lợi quan trọng trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Người sáng lập, xây dựng, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác đã qua đời. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn, một sự đau thương vô hạn không thể bù đắp cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam. Ngày 6 tháng 9, Chi bộ xã đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Người, nhân dân trong xã treo cờ rủ để tang Bác.
Biến đau thương thành hành động, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Bắc Quang, Chi bộ xã đã tiến hành mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ Tịch” và phát động phong trào thi đua “Sản xuất, chiến đấu giỏi, lập công đền ơn Bác”. Qua học tập, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã đã hiểu sâu sắc về tác phong, đạo đức, cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của Hồ Chủ tịch. Nhân dân trong xã phấn khởi thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu với lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo của chi bộ, chính quyền, các tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Đối với việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đến năm 1970, xã thành lập được 20 hợp tác xã và chỉ đạo các Hợp tác xã thâm canh tăng năng suất cây trồng, tăng diện tích khai hoang. Các hợp tác xã đã chủ động ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, gieo trồng giống mới cho năng suất cao (nông nghiệp 8, chân châu lùn, mộc tuyền,...); tổ chức cấy thẳng hàng, cấy dầy, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Mặt khác để bảo đảm năng suất cao, huyện hỗ trợ phân bón hoá học, cử cán bộ kỹ thuật tăng cường giúp xã việc chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất. Do vậy, năng suất sản xuất lúa của các hợp tác xã tăng hơn so với các năm trước, bình quân đạt 4,2 tấn/ha, sản xuất các loại cây lương thực, cây hoa màu, cây công nghiệp đều đạt 100% diện tích. Công tác chăn nuôi cũng được nhân dân đẩy mạnh, số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm trong toàn xã đều tăng. Nhiều hộ đã bán vượt số lượng lương thực và thực phẩm cho Nhà nước.
Cùng với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán của xã hoạt động tương đối hiệu quả. Công tác phân phối lưu thông có nhiều cố gắng trong việc phục vụ đời sống nhân dân, nhằm cung cấp các loại mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như: dầu thắp, muối, vải sợi, sách vở học sinh .... ngoài ra còn có các loại mặt hàng nông sản, lâm thổ sản khác. Việc thu mua các loại sản phẩm trong nhân dân được thực hiện thường xuyên, đã góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.
Công tác giáo dục của xã luôn được quan tâm thực hiện tốt. Các trường cấp I, II được đầu tư xây dựng và tu sửa hàng năm bảo đảm nơi ở cho các thầy, cô giáo, nơi ở, nơi học cho học sinh với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua đó, việc xóa nạn mù chữ trên địa bàn toàn xã căn bản được hoàn thành, trình độ dân trí từng bước được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể luôn được chi bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cuộc vận động xây dựng chi bộ “4 tốt”, đảng viên “4 tốt” được Chi bộ quán triệt tới toàn thể đảng viên và các đảng viên trong chi bộ đã nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện tốt. Trong nhiệm kỳ, chi bộ đã kết nạp được 04 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 44 đồng chí. Chất lượng đảng viên được nâng cao, các đảng viên luôn chấp hành tốt nhiệm vụ công tác, và tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong nhiệm kỳ, chi bộ đã cử 42 đồng chí cán bộ, đảng viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị tại huyện, tỉnh, nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.          
Năm 1971 là năm gặp nhiều khó khăn và trở ngại với xã Tân Quang cũng như nhiều xã khác trong huyện. Khi những thiệt hại do mưa lũ năm 1969 vừa được khắc phục thì cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1971 trời mưa liên tục trong nhiều ngày làm nước sông Lô dâng cao gây lũ lụt nghiêm trọng gây tổn thất cho nhân dân. Toàn xã có 07 ngôi nhà bị sập, nhiều diện tích lúa, hoa màu, ao cá, bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi và đất đá vùi lấp, nhiều phai đập bị hư hỏng nặng. Nhiều gia đình lâm vào tình trạng thiếu ăn. Trước tình hình trên, chi bộ, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Phát động phong trào nhường cơm sẻ áo, đoàn kết giúp đỡ nhau khắc phục vượt mọi khó khăn đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, ủng hộ.
Tháng 5 năm 1973, Đại hội lần thứ VII của chi bộ được tổ chức, tham dự Đại hội có 44 đảng viên trong toàn chi bộ. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Chi bộ lần thứ VI (nhiệm kỳ 1969 - 1973), đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 1973 - 1976; Đại hội bầu Ban chi ủy gồm 03 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ; đồng chí Đào Minh Châu, Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã; đồng chí Đinh Xuân Bắc, ủy viên kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã.
Đại hội đã đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng cao. Quan hệ sản xuất ngày càng được củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Nền kinh tế phát triển còn mang hình thức tự cấp, tự túc, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm... Đại hội thảo luận, thống nhất một số nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới: Tiếp tục cuộc vận động, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp, các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; khẩn trương khắc phục những hậu quả của thiên tai, khôi phục kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các hợp tác xã, vận động nhân dân sản xuất bảo đảm 100% diện tích, thâm canh, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, chăn nuôi; phát triển một số cây trồng, vật nuôi có tính hàng hóa lâu dài bền vững. Chú trọng chăm lo đến sự nghiệp giáo dục - văn hóa. Vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật chất xây dựng cơ sở cho các trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi. Củng cố chính quyền và các đoàn thể xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên. Tăng cường công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội chi bộ lần thứ VII. Đầu năm 1974, Tân Quang đưa cây mía vào sản xuất với diện tích lớn, đây là bước đột phá trong việc xác định chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển bền vững theo hướng hàng hóa. Các đội sản xuất tập trung vào làm đất và trồng mía, trong đó đội Ngọc Đường trồng được diện tích lớn, đạt 60.000 khóm mía. Nhờ có sự củng cố và định hướng đúng đắn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ năm 1973 đến năm 1975 kinh tế của xã đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, như: Diện tích cây lúa tiếp tục được mở rộng, không còn diện tích bỏ hoang, năng suất bình quân đạt được 4,3 tấn/ha; diện tích hoa màu được phát triển mạnh, một số hợp tác xã đã hình thành diện tích chuyên canh trồng rau. Thương mại bắt đầu phát triển hình thành ở các điểm tập trung dân cư như thôn Vinh Quang, Xuân Hòa.
Chăn nuôi trong giai đoạn này cũng có những bước tiến nhảy vọt, đàn trâu của hợp tác xã không ngừng được phát triển cả về số lượng và quy mô, vừa phục vụ cho sản xuất vừa làm thực phẩm cho nhu cầu xã hội. Ngoài ra các hộ gia đình cũng phát triển đàn trâu, lợn, các loại gia cầm, nhằm tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công tác thủy lợi cũng được chú trọng và tăng cường. Trong năm 1975 đã huy động trên 300 ngày công, tu sửa trên 2.500 m kênh mương và 06 phai đập, bảo đảm cung cấp nước tưới cho 100% diện tích. Ngoài ra hợp tác xã đã thành lập đội sản xuất vôi, nhằm bón ruộng, khử chua, cải tạo đất, giúp cây lúa phát triển tốt, góp phần tăng năng suất cây trồng; đồng thời cung cấp nhu cầu xây dựng cho địa phương, giải quyết việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Ngành lâm nghiệp được Chi bộ xã coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ việc khai thác, tu bổ và bảo vệ rừng. Công tác tuyên truyền, giáo dục cho nông dân ý thức bảo vệ, phát triển rừng, chống phát nương bừa bãi được tuyên truyền rộng khắp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng. Việc khai thác gỗ, vầu, nứa và các loại hàng lâm thổ sản được triển khai theo kế hoạch cấp trên giao bảo đảm 100% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tượng phát rừng làm nương vẫn còn xảy ra.
Công tác lưu thông, phân phối có nhiều chuyển biến. Hợp tác xã mua bán đã cung cấp tương đối đầy đủ các mặt hàng phân phối thiết yếu cho nhân dân. Việc giao lưu, trao đổi, mua bán các mặt hàng nông, lâm, thổ sản được mở rộng. Ngoài việc giao nộp đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, cho địa phương, nhân dân còn bán thêm các loại lương thực, thực phẩm cho Nhà nước góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Công tác quản lý tín dụng và các khoản thu, đóng góp của nhân dân vào ngân sách Nhà nước được chỉ đạo cụ thể, nhằm tăng thu để chi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các hợp tác xã đã làm tốt công tác quản lý tài vụ, kế toán, kiểm kê tài sản, tích cực thu nợ tồn đọng, chống thất thu, tham ô, lãng phí tiền của của nhân dân.
Lĩnh vực Giáo dục - Văn hóa và các hoạt động xã hội cũng không ngừng được phát triển. Số lượng học sinh ngày càng đông, chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Đến năm 1975 toàn xã đã có 20 lớp học phổ thông các cấp (trong đó cấp I có 10 lớp, cấp II có 07 lớp, cấp III có 03 lớp). Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục từng bước được hoàn thiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên và học sinh được đầu tư. Hàng năm, nhân dân trong xã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, vật liệu để tu sửa trường, lớp, đảm bảo nơi học tập cho học sinh và chỗ ở cho cán bộ, giáo viên. Phong trào văn hóa văn nghệ được phát triển mạnh, nhất là phong trào văn nghệ quần chúng. Các phong trào văn hóa - văn nghệ hoạt động đa dạng hơn với những nội dung phong phú và thiết thực. Đội văn nghệ của các thôn thường xuyên hăng hái luyện tập, giao lưu trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước, được đông đảo quần chúng cổ vũ, ủng hộ. Các hoạt động thể thao cũng được phát triển, các thôn đều thành lập đội bóng đá, thường xuyên luyện tập để rèn luyện sức khỏe và tham gia giao hữu, thi đấu trong các dịp lễ, tết được tổ chức trong xã, các xã bạn và tham gia các giải do huyện tổ chức. Công tác xây dựng nếp sống mới, chống mê tín dị đoan đã được tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngoài ra, đội chiếu phim lưu động của huyện theo kế hoạch mỗi năm 02 lần tới xã phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân và phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng. Do vậy, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Các hoạt động y tế cũng có những cố gắng. Nhờ sự đầu tư của huyện, công tác y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã không ngừng được đẩy mạnh. Trạm xá xã được bố trí 01 y sĩ, 01 y tá và được cung cấp các loại thuốc phục vụ cho việc khám, điều trị các loại bệnh thông thường cho nhân dân. Ngoài ra định kỳ hàng tháng cán bộ y tế thường xuyên xuống các thôn xóm tuyên truyền, vận động nhân dân sinh hoạt ăn, ở hợp vệ sinh, ăn sạch, uống sôi, tiêm phòng, phát quang khu nhà ở, nằm màn chống muỗi; .... Do vậy, sức khỏe của nhân dân được bảo đảm, các tệ nạn lạc hậu được đẩy lùi.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện tốt. Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể huy động nhân dân tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nâng cấp và tu sửa hệ thống trường học, trụ sở hợp tác xã, trạm y tế, các công trình của xã... Sự đóng góp về tiền của, sức lao động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.  
Phong trào xây dựng hợp tác xã tiếp tục được tổ chức thực hiện. Toàn xã có 20 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 1975, xã đã thành lập hợp tác xã xe trâu, nhằm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, lương thực thực phẩm trong vùng, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ hợp tác xã được nâng lên, đời sống của người lao động được cải thiện. Qua đánh giá hàng năm, các hợp tác xã đều đạt từ khá trở lên. Hợp tác xã Xuân Hoà đạt danh hiệu hợp tác xã tiên tiến.
Hoạt động của các đoàn thể được thực hiện tốt. Đoàn Thanh niên giữ vai trò nòng cốt và đầu tầu gương mẫu trong các phong trào lao động sản xuất, làm thủy lợi, phân bón, cải tiến nông cụ và thực hiện “3 sẵn sàng”. Nhiều đoàn viên thanh niên trong xã đã hăng hái tham gia xây dựng Quốc lộ 34 (đường Hà Giang - Bắc Mê). Hội Liên hiệp Phụ nữ đóng vai trò chủ yếu trong lao động sản xuất. Nhiều chị em phụ nữ đã tín nhiệm tham gia và giữ các chức vụ trong chính quyền, các hợp tác xã, đoàn thể xã hội. Ngoài ra chị em tích cực tham gia phong trào “3 đảm đang”, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng trong toàn xã. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình cô đơn nhân dịp các ngày lễ, tết cổ truyền, nhằm động viên, khuyến khích các gia đình vượt qua mọi khó khăn, tích cực tham gia sản xuất, ổn định cuộc sống.
Công tác xây dựng Đảng được thực hiện tốt. Trong những năm 1973 - 1976, nhiều đảng viên đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao, một số cán bộ đã tốt nghiệp cấp 3. Công tác phát triển Đảng được quan tâm thực hiện, chi bộ đã giới thiệu, bồi dưỡng và kết nạp được 05 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 49 đồng chí.
Với những cố gắng của tập thể đảng viên trong chi bộ, trong những năm 1973 - 1976, xã Tân Quang đã đạt được nhiều kết quả cao trên các lĩnh vực như: Nhận thức tư tưởng, chính trị trong đảng viên và nhân dân đã được nâng cao, cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự điều chỉnh, thương mại và tiểu thủ công nghiệp phát triển hơn trước, đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện. Văn hóa - Giáo dục - Y tế đã có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được ổn định. Song còn tồn tại một số hạn chế là: Nền kinh tế còn mang tính hình thức tự cung tự cấp; trình độ năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ trong công tác chỉ đạo sản xuất còn hạn chế, quy mô hợp tác xã nhỏ, hiệu quả sản xuất chưa cao, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, dân trí có hạn; chăn nuôi quy mô nhỏ chủ yếu gia đình, chưa thành các sản phẩm hàng hóa lớn, tiềm năng của địa phương chưa khai thác triệt để....
Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm (1955 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng cả nước đã tích cực tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống nhất đất nước; trong đó có sự đóng góp của chi bộ và nhân dân xã Tân Quang. Mặt khác, chi bộ và nhân dân các dân tộc cũng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương. Quan hệ sản xuất mới được xác lập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế của xã vẫn trong tình trạng tự cung, tự cấp, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, sản xuất còn phụ thuộc vào thiên nhiên, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp; trình độ, năng lực tổ chức, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ còn hạn chế, hậu quả của hai cuộc kháng chiến để lại chưa khắc phục song.

Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang trong thời kỳ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1985)

 

I. Chi bộ xã Tân Quang lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa (1976 - 1980)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đưa đất nước ta tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1976 là năm mở đầu của thời kỳ xây dựng đất nước trong điều kiện hoà bình, thống nhất. Chi bộ và nhân dân xã Tân Quang cùng nhân dân cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), đồng thời chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 25 tháng 5 năm 1976 cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VI - Quốc Hội nước Việt Nam thống nhất. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội  khóa VI đã quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội.
Tháng 8 năm 1976, Đại hội Chi bộ lần thứ VIII được tổ chức, có 49 đảng viên tham dự. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ (1973 - 1976) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới là: Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội, các hợp tác xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiếp tục thực hiện đường lối xây dựng kinh tế tập thể, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 100% diện tích, sản xuất theo hướng thâm canh, lấy cây lúa, cây ngô làm cây lương thực chủ yếu; kết hợp phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển mạnh trồng mía. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các hợp tác xã và gia đình. Tích cực phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác lưu thông, phân phối, cải thiện đời sống nhân dân, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của Nhà nước giao. Tăng cường công tác giáo dục chính trị cho đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 05 quần chúng ưu tú vào Đảng.
Đại hội đã bầu ra 03 đồng chí trong Ban chi ủy chi bộ. Đồng chí Đào Minh Châu được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã và một đồng chí  ủy viên Ban chi ủy của chi bộ.
Cuối năm 1976, Chi bộ xã đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn lại các hợp tác xã, nhằm bầu ra những người có đủ năng lực, trình độ để điều hành hoạt động của các hợp tác xã. Toàn xã đã củng cố được 14 hợp tác xã nông nghiệp, sau khi được kiện toàn, các hợp tác xã đã tổ chức cho xã viên triển khai công tác khai hoang, phục hóa để mở rộng diện tích gieo trồng hàng năm. Từ năm 1976 - 1979, toàn xã đã khai hoang được 20 ha, huy động xã viên tham gia 870 ngày công xây dựng, tu sửa 03 phai đập thủy lợi, 2000 m mương đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng. Do đó, năng suất lúa bình quân đạt 11 tạ/ha, sản lượng lương thực gia tăng hàng năm, (năm 1979 đạt 125 tấn, tăng 35% so với năm 1976). Song song với việc mở rộng diện tích canh tác, việc thâm canh tăng vụ, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cũng được các hợp tác xã chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện hiệu quả. Ngoài diện tích cây lúa, diện tích cây màu như ngô, khoai, sắn cũng phát triển mạnh. Vấn đề lương thực cho nhân dân đã cơ bản được giải quyết, không còn tình trạng thiếu ăn, nhiều hộ gia đình đã có tích lũy và bán lương thực cho nhà nước. Cây mía trong giai đoạn này được quan tâm phát triển, chi bộ đã tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc diện tích mía hiện có và phát triển trồng mới; tổng diện tích mía toàn xã đạt 42 ha. Sản lượng mía đường tăng nhanh, qua từng năm (năm 1976 đạt 20 tấn, năm 1977 đạt 29 tấn, năm 1978 đạt 40 tấn) đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Chăn nuôi trên địa bàn xã được phát triển. Đàn gia súc, gia cầm trong nhân dân tăng. Năm 1979 đàn trâu, bò của xã có 290 con (đạt 103% so với kế hoạch), đàn lợn 860 con (đạt 105% so với kế hoạch), gia cầm các loại có trên 2.000 con (tăng 120% so với kế hoạch). Hoàn thành 100% kế hoạch giao nộp cho nhà nước, trong năm 1979 đã đóng góp 3.257 kg thực phẩm các loại cho Nhà nước. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh chưa được thực hiện tốt, vẫn còn dịch bệnh phát sinh chưa được ngăn chặn kịp thời đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn xã.
 Sản xuất lâm nghiệp được phát triển, tuy diện tích trồng chưa được mở mang nhưng công tác khai thác tài nguyên rừng đã có những chuyển biến. Chi bộ đã chỉ đạo chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể nhân dân không phát rừng làm nương rẫy, thực hiện tốt công tác quản lý, tu bổ, bảo vệ rừng. Mặt khác tổ chức cho nhân dân học tập luật bảo vệ rừng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ rừng; đồng thời hoàn thành 100% kế hoạch khai thác nguyên liệu cấp trên giao.
Công tác giáo dục có những chuyển biến rõ nét, tỷ lệ trẻ em đi học cao hơn các năm trước. Cơ sở vật chất tại các trường lớp được củng cố, con em trong độ tuổi được khuyến khích động viên đến trường học đông đủ. Nhiều học sinh các xã lân cận chuyển đến các trường của xã theo học. Năm học 1979 - 1980, toàn xã có trên 400 học sinh các cấp. Cơ sở vật chất của các trường được đầu tư, sửa chữa hàng năm đáp ứng được nhu cầu giáo dục của địa phương.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Việc khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm. Nhân dân đã tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng chuồng trại xa nhà ở, chuồng gia súc, gia cầm được bố trí xa khu vực nhà ở và làm nhà vệ sinh hai ngăn, đạt trên 90% số hộ trong toàn xã. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong nhân dân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhân dân đã có ý thức khi ốm đau đến trạm xá xã để khám và điều trị, đã giảm tình trạng ốm đau cúng bái theo tập quán cũ. Cuộc vận động "thực hiện nếp sống văn minh" và "gia đình văn hóa" được toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hủ tục lạc hậu, cưới xin, ma chay, ăn uống nhiều ngày giảm dần.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao được đẩy mạnh. Các thôn xóm đều chọn lựa những người có khả năng văn nghệ, thể thao để luyện tập và biểu diễn phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, tết, sơ kết, tổng kết hàng năm. Trong thời gian này, đơn vị bộ đội sư đoàn 327 đóng quân trên địa bàn. Hàng năm vào các dịp lễ, tết, chi bộ, chính quyền, các đoàn thể xã hội phối hợp với sư đoàn 327 tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao từ đó tạo nên không khí đoàn kết thắm tình quân dân, động viên nhân dân tăng gia sản xuất, bộ đội nêu cao tinh thần luyện tập sẵn sàng chiến đấu.
Từ năm 1977 đến năm 1978, tình hình biên giới phía bắc Việt Nam - Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Chúng kích động chia rẽ tình đoàn kết giữa hai nước, dụ dỗ, lôi kéo, kích động nhiều gia đình người Hoa di cư sang Trung Quốc. Đối với xã Tân Quang là một trong những địa phương có số lượng người Hoa sinh sống nhiều nhất của huyện. Nhiều gia đình đã nghe theo lời dụ dỗ bán đất, bán nhà, đưa cả gia đình sang bên kia biên giới, gây mất ổn định tại địa phương. Trước tình hình trên, chi bộ đã nắm tình hình báo cáo với Huyện ủy Bắc Quang xin ý kiến chỉ đạo để triển khai thực hiện, đồng thời chi bộ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tư tưởng, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không mắc âm mưu chia rẽ dân tộc giữa hai nước.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy Bắc Quang, chi bộ đã tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được duy trì thường xuyên theo đúng kế hoạch. Thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước ngày 5 tháng 3 năm 1979, toàn xã đã có hơn 100 thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra lực lượng dân công hỏa tuyến của xã với gần 100 người đã tham gia tích cực vào những chiến dịch phục vụ chiến đấu như: đào giao thông hào tại xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), làm đường giao thông tại xã Du Già (huyện Bắc Mê), xã Khuôn Lùng - Nà Trì (huyện Xín Mần).
Công tác xây dựng Đảng luôn được Chi bộ xã chú trọng. Chi bộ thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho Đảng. Cán bộ, đảng viên trong toàn xã được học tập, nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, cán bộ, đảng viên được cử đi học các lớp tập huấn để nâng cao năng lực và trình độ. Tăng cường công tác củng cố và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên phụ trách và phối hợp với chính quyền, hợp tác xã và các đoàn thể xã hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai và uốn nắn những thiếu sót trong quá trình thực hiện, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, đảng viên trong toàn xã luôn chấp hành tốt mọi Chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 05 đảng viên (đạt 100% chỉ tiêu đã đề ra). Tuy nhiên, do điều kiện gia đình, trong nhiệm kỳ (1976 - 1979) chi bộ đã có 14 đồng chí chuyển sinh hoạt đi địa phương khác, nên số đảng viên trong chi bộ giảm xuống còn 40 người.
Công tác xây dựng chính quyền được tập trung củng cố, kiện toàn. Chi bộ đã tập trung lãnh đạo thực hiện cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã tháng 4 năm 1977 thành công. Chính quyền đã có những chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng và trình độ cán bộ từng bước được nâng cao đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn thể xã hội hoạt động ngày càng hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thi đua phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, địa phương, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, bảo đảm trật tự - trị an trong toàn xã.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Ban Bí thư Trung ương Đảng mở cuộc vận động tăng cường cán bộ cho các huyện biên giới phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Huyện ủy, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc đồng thời tiếp tục tổ chức tốt sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, Chi bộ xã thành lập một trung đội dân quân cơ động được trang bị vũ trang, mỗi thôn thành lập một tiểu đội dân quân chiến đấu và bộ phận làm nhiệm vụ hậu cần sơ tán khi cần thiết, đồng thời duy trì sản xuất tại chỗ bảo đảm các nhu cầu phục vụ đời sống, an ninh trật tự - xã hội và sẵn sàng chiến đấu.
Trong quá trình chuyển hướng nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng chiến đấu, Chi bộ xã luôn quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, động viên kịp thời nhân dân đoàn kết, tích cực ủng hộ sức người, sức của phục vụ tiền tuyến giữ vững biên cương của Tổ quốc. Đồng thời, công tác hậu phương được thực hiện tốt, kịp thời động viên, hỗ trợ những gia đình bộ đội, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Ngày 8 tháng 9 năm 1979, Chi bộ xã tổ chức Đại hội lần IX (nhiệm kỳ 1979 - 1981) với sự tham gia của 40 đảng viên. Đại hội đã khẳng định trong nhiệm kỳ qua chi bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh, đó là nhân tố thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Song bên cạnh đó còn một số hạn chế cần khắc phục là: Kinh tế có sự chuyển dịch nhưng chưa rõ nét, các ngành nghề phụ trong nhân dân chưa được phát triển; các tổ chức đoàn thể hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa năng động, sáng tạo, chưa thực sự lôi cuốn hội viên tham gia hoạt động tổ chức; công tác tài chính, tín dụng của một số hợp tác xã chưa minh bạch....
 Đại hội đã xác định và đề ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 1979 - 1981: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp, chính sách pháp luật của Nhà nước, địa phương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển; vận động nhân dân đóng góp tiền, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức của người dân, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên; củng cố chính quyền và các đoàn thể vững mạnh. Tăng cường công tác quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại hội đã bầu ra Ban chi ủy gồm 03 đồng chí. Đồng chí Đào Minh Châu được tín nhiệm tái cử giữ chức Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Đồng chí Trần Văn Cán ủy viên Ban chi ủy kiêm Trưởng công an xã.
Ngay sau Đại hội, chi bộ đã tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội chi bộ xã lần thứ IX và các văn bản chỉ đạo của cấp trên tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội xây dựng chương trình hành động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, tạo sự chuyển biến lớn về tư tưởng và nhận thức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các hợp tác xã nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội chi bộ đã đề ra.
Trong 04 năm (1976 - 1980) Chi bộ xã đã lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội, các hợp tác xã và nhân dân thực hiện đạt một số mục tiêu trọng tâm như: Nền kinh tế được khôi phục và phát triển, quan hệ sản xuất tập thể ngày càng được đẩy mạnh. Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội đã có những chuyển biến mới và được phát triển mạnh. Quốc phòng an ninh luôn được đảm bảo. Nhận thức tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng cao. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn được chăm lo củng cố vững chắc. Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng có những khó khăn như sản xuất phát triển còn chậm, kinh tế tập thể về cuối giai đoạn có biểu hiện chững lại, các biểu hiện tiêu cực đang có dấu hiệu phát sinh. Công tác phát triển đảng viên trong giai đoạn này chưa được chú trọng, một số đảng viên chuyển đi nơi khác công tác và sinh hoạt Đảng, nên số lượng đảng viên trong chi bộ giảm còn 28 người. Đó là những khó khăn mới, đòi hỏi chi bộ và nhân dân trong xã cần phải có những biện pháp tích cực, cụ thể trong giai đoạn cách mạng mới để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra.

II. Chi bộ xã Tân Quang lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1980 - 1985)

Ngày 21 tháng 10 năm 1980, Ban Bí thư Trung ương ra Thông báo số 22, cho phép các địa phương làm thử khoán sản phẩm đối với cây lúa. Sau đó, khoán sản phẩm cho xã viên được triển khai rộng rãi trong cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Hà Tuyên, huyện Bắc Quang và xã Tân Quang nói riêng.
Ngày 5 tháng 11 năm 1980, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà - Tuyên lần thứ II được tổ chức. Đại hội đã đánh giá những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ I, đồng thời chỉ ra những yếu kém, tồn tại cần khắc phục. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo là: Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống. Phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng có sẵn của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.
Ngày 13 tháng 01 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị 100/CT-TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động" của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (gọi tắt là khoán 100). Đây là một chủ trương đúng đắn kịp thời, tạo ra động lực mới cho phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của xã viên. Nội dung khoán 100 có nhiều ưu điểm hơn cách khoán trước đây. Đó là khôi phục lại quyền làm chủ trong sử dụng ruộng đất và lao động của xã viên, kích thích lao động đầu tư thâm canh để tăng thu nhập. Bước vào thực hiện khoán 100, nhiều biểu hiện tiêu cực trong sản xuất, quản lý và phân phối, tình trạng dong công phóng điểm, tham ô công quỹ... tồn tại lâu nay dần dần được khắc phục.
Sau Hội nghị tập huấn tháng 9 năm 1981 của Huyện ủy tổ chức về thực hiện Chỉ thị 100, chi bộ đã tổ chức Hội nghị đảng viên để quán triệt, học tập và thảo luận xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu giao khoán cho các đội. Tham gia Hội nghị có 28 đảng viên trong toàn xã. Hội nghị đã ra Nghị quyết thực hiện Chỉ thị 100 (giai đoạn 1):
Một là, Thành lập Hội đồng khoán, xác định chức năng nhiệm vụ của Hội đồng khoán.
Hai là, Triển khai ra xã viên học tập cơ chế khoán mới, để cho xã viên có nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc và công việc khoán theo tinh thần Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ba là, Mở hội nghị dân chính Đảng, Đoàn để tổng kết học tập về Chỉ thị 100 và tiến hành thực hiện giao khoán cho các đội và các nhóm, người lao động.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết đã đề ra, chi bộ đã phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất tới toàn thể cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, hội viên và nhân dân trong toàn xã. Nhân dân trong xã đồng tình, hưởng ứng với tinh thần phấn khởi, nhiệt tình, quyết tâm cao độ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đã tạo động lực mới, môi trường mới trong lao động sản xuất, đem lại kết quả rõ rệt về các mặt: diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng, bảo đảm kết hợp hài hòa ba lợi ích (nhà nước, tập thể, người lao động); khuyến khích được mọi người, mọi nhà tích cực tận dụng tiềm năng sẵn có của gia đình để phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội.
Ngày 20 tháng 5 năm 1981, Đại hội chi bộ xã lần thứ X được tiến hành, với sự tham gia của 40 đảng viên. Đại hội đã đánh giá công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết khóa IX (nhiệm kỳ 1979 - 1981), đồng thời thống nhất Nghị quyết công tác khóa X (nhiệm kỳ 1981 - 1984), với một số chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm quán triệt nâng cao hơn nữa nhận thức về các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương. Thực hiện tốt công tác “Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”, phấn đấu tổng sản lượng quy ra thóc trong toàn xã đạt 138 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 240 kg/người/năm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Quan tâm phát triển công tác giáo dục - y tế, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tăng cường củng cố hoạt động của chính quyền và các đoàn thể xã hội. Chú trọng công tác Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội. Nâng cao trình độ kiến thức, năng lực của các cán bộ chủ chốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, phát triển đoàn viên, hội viên. Tăng cường công tác giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng để bồi dưỡng kết nạp, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp từ 5 đến 7 đảng viên, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Đảng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội đã bầu Ban chi ủy gồm 03 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Đồng chí Lưu Thị Xuân, Ủy viên thường trực phụ trách công tác Đảng.
Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, ngay sau Đại hội chi bộ đã xây dựng chương trình hành động và tổ chức học tập quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, đồng thời phát động các phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết chi bộ đề ra.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương được chi bộ chỉ đạo tiến hành hai giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện vào giữa năm 1982 tiến hành khoán sản phẩm sản xuất lúa đến người lao động. Hầu hết diện tích trồng lúa nước được khoán đến hộ gia đình, trên cơ sở khoán theo số lao động của từng hộ. Từ đây đã tạo ra một động lực mới cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sử dụng đất, người sản xuất có trách nhiệm với diện tích đã được giao khoán, phát huy được sự sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nhân dân đã tích cực ứng dụng các giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp canh tác, kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, trồng xen sử dụng các loại phân hóa học, kết hợp các loại phân chuồng, làm phân xanh bón ruộng. Do vậy, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng lên rõ rệt. Năm 1982, toàn xã cấy được 72 ha lúa nước, 20 ha rau, đậu các loại. Năng suất bình quân đạt 16 tạ/ha/vụ. Đến năm 1984, toàn xã cấy được 80 ha lúa nước, 25 ha rau, đậu, lạc, xả. Năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha/vụ. Khoán 10 đã đem lại kết quả rõ rệt cho sản xuất, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của người nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo, đói giảm hẳn, mức sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt.
Công tác phân phối và lưu thông hàng hóa có sự chuyển biến đáng kể. Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền chủ động sản xuất gắn với phân phối lưu thông, các mặt hàng do huyện phân phối được tiếp nhận và phân phối cho các hợp tác xã và nhân dân, đồng thời tổ chức thu mua các loại nông - lâm sản, thực phẩm trong dân. Công tác thu ngân sách xã tăng hơn so với những năm trước.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đạt được kết quả khả quan. Việc huy động nhân dân tham gia đóng góp ngày công nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân trong xã. Năm 1983 đã huy động được trên 300 ngày công lao động, cùng với sự giúp đỡ của huyện, Tân Quang đã xây dựng được trụ sở làm việc mới của UBND xã rộng 5 gian, với 03 phòng làm việc.
Sự nghiệp giáo dục của xã cũng có những tiến bộ đáng kể. Về cơ sở vật chất tuy còn nhiều khó khăn song vẫn đảm bảo đầy đủ chỗ ở cho giáo viên và học sinh. Hệ thống giáo dục phổ thông cấp I và cấp II được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện. Con em các dân tộc trong xã sau khi học xong cấp II, cấp III tiếp tục theo học các trường chuyên nghiệp từ sơ cấp đến đại học ngày càng tăng. Hệ thống mẫu giáo đã được hình thành tại các thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bà mẹ yên tâm lao động sản xuất và công tác được tốt hơn. Đa số trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, các em có ý thức tốt trong học tập và rèn luyện.
Công tác văn hóa, văn nghệ được duy trì thường xuyên và hoạt động sôi nổi. Đội văn nghệ của Đoàn thanh niên trở thành lực lượng xung kích trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã. Đoàn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ phục vụ nhân dân, trong các buổi sinh hoạt chi đoàn cũng luôn rộn ràng tiếng hát, tiếng đàn, tạo nên một phong trào sôi nổi, lôi cuốn đông đảo đoàn viên thanh niên và nhân dân.
Công tác y tế vẫn được duy trì và phát triển, được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường chỉ đạo thường xuyên. Chi bộ đã chỉ đạo các tổ Đảng tổ chức sinh hoạt theo đúng quy định của điều lệ Đảng. Thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tính kỷ luật, tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phê bình và tự phê bình theo phương châm “Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều”. Chi bộ cũng thường xuyên quan tâm tới công tác phát triển đảng viên, trong những năm 1981 - 1884 đã kết nạp được 10 đảng viên (đạt 102% Nghị quyết đã đề ra) nâng tổng số đảng viên trong toàn xã lên 50 đồng chí.
Ngày 16 tháng 6 năm 1984, Đại hội chi bộ lần thứ XI (nhiệm kỳ 1984 - 1986) được tổ chức, dự Đại hội có 50 đảng viên. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết lần thứ X (nhiệm kỳ 1981 - 1984) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ (1984 - 1986). Đại hội đã bầu ra Ban chi ủy gồm 3 đồng chí. Đồng chí Đào Minh Châu được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Đồng chí Đinh Xuân Bắc, Phó Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Đồng chí Lưu Thị Xuân, Ủy viên phụ trách công tác Đảng.
Đại hội đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung mọi lực lượng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về Chỉ thị, Nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa. 
Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khoá IV, của Tỉnh ủy Hà – Tuyên, Huyện ủy Bắc Quang, Nghị quyết của Đại hội Chi bộ. Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đề ra.
Ngày 16 tháng 01 năm 1984, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân xã khoá 14 đã đưa ra phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất năm 1984. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ năm 1984 với mục tiêu sản xuất: Tăng diện tích gieo cấy, nâng cao năng suất cây trồng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đưa các giống lúa mới vào sản xuất; phấn đấu đảm bảo tổng sản lượng lương thực đạt 165 tấn, bình quân lương thực đạt 250 kg/người/năm; Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chú trọng việc đào tạo, phát triển lực lượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh việc chế biến đường mật, sản xuất gạch, ngói, đảm bảo chỉ tiêu đạt 60 tấn đường/năm.
Lúc này, toàn xã có 411 hộ với 1.967 khẩu, trong đó có 826 người trong độ tuổi lao động. Phong trào thi đua lao động sản xuất đã được các hợp tác xã và xã viên hưởng ứng sôi nổi. Diện tích gieo trồng lúa đã được tăng lên 80 ha vào cuối năm 1984 (trong đó diện tích lúa vụ chiêm xuân chiếm 25 ha, vụ mùa chiếm 55 ha). Năng suất lúa bình quân đạt 20,7 tạ/ha. Ngoài trồng lúa, nhân dân còn trồng đa dạng các loại cây trồng: 15 ha sắn, 15 ha khoai, 12 ha lạc, 05 ha dong riềng, 15 ha rau, 30 ha sả. Tổng sản lượng lương thực tăng từ 142 tấn (năm 1983) lên 165 tấn (năm 1984).
Chăn nuôi cũng được chú trọng phát triển, toàn xã năm 1984 có 290 con trâu cung cấp sức kéo và phân bón cho sản xuất, 660 con lợn cung cấp thực phẩm cho nhà nước và phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Việc phát triển các ngành nghề dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp cũng được chú trọng và phát triển. Thực hiện Chỉ thị số 03, ngày 14 tháng 12 năm 1983 của Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang về đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và các loại hình phát triển công nghiệp trên địa bàn. Xã đã chỉ đạo bổ xung lao động vào các hợp tác xã sản xuất nghề, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân. Trong đó, hợp tác xã Nghĩa Tân luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, riêng trong năm 1984 đã sản xuất được 40 tấn đường, 50 vạn viên gạch, hợp tác xã Vinh Quang (gồm 02 thôn Vinh Quang, Vinh Ngọc hiện nay) cũng đẩy mạnh việc sản xuất đường, đạt sản lượng 20 tấn. Trước nhu cầu của thị trường về hàng tiêu dùng, đặc biệt là bánh kẹo, nước chấm. Năm 1984 xã chỉ đạo thành lập tổ sản xuất bánh kẹo và nước chấm tại khu phố Vinh Quang với 20 lao động làm việc thường xuyên. Việc đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã với đa dạng các ngành nghề đã thu được những kết quả khả quan: Trong năm 1984, sản xuất được 50 vạn viên gạch, 20 vạn viên ngói, 50 nghìn sản phẩm sành sứ các loại, 1.000 cái búa, 4.600 liềm hái...
Các hợp tác xã luôn được củng cố và xây dựng. Toàn xã có 14 hợp tác xã (hợp tác xã : Nghĩa Tân, Xuân Hoà, Vinh Quang, Mộc Lạn, Mỹ Tân, Kinh Tế Mới, Tiền Phong, HTX 1 - 5, Đoàn Kết, Bốc Xếp, Đồng Tiến, Thống Nhất, Khu Phố, Nhân Dân). Các hợp tác xã duy trì hoạt động tốt, tiêu biểu là hợp tác xã Xuân Hoà, Vinh Quang, Tiền Phong, Thống Nhất, Đồng Tiến. Hợp tác xã Đoàn Kết tuy mới được thành lập nhưng cũng đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội được tăng cường chỉ đạo thường xuyên. Bộ máy chính quyền được củng cố, năng lực lãnh đạo, điều hành và quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo được nâng cao. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Công tác kiểm tra, giám sát và cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp được chi bộ xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Công tác phát triển Đảng cũng được chú trọng. Trong nhiệm kỳ, chi bộ đã kết nạp được 10 đảng viên, tiếp nhận mới 06 đảng viên, nâng số đảng viên trong toàn chi bộ lên 65 đồng chí, sinh hoạt tại 08 tổ Đảng, các tổ Đảng luôn thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên.
Các đoàn thể quần chúng trong giai đoạn 1984 - 1986 đã không ngừng được củng cố, tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá mới do huyện phát động, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Chi bộ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức Đại hội theo nhiệm kỳ để củng cố và kiện toàn tổ chức, đồng thời phát động các phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, động viên kịp thời các hội viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đoàn Thanh niên phát động phong trào "Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo, tiết kiệm, vượt mức kế hoạch" "Tổ quốc gọi, thanh niên sẵn sàng". Hội Phụ nữ phát động phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Hội Nông dân vận động nhân dân thực hiện tốt việc khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào "Toàn dân một ý chí, quân với dân một ý chí". Thông qua các phong trào, các đoàn thể đã vận động nhân dân giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội, ủng hộ bộ đội lương thực, thực phẩm đạt 4.115 kg. Chính sách hậu phương quân đội được thực hiện tốt. Trong thời gian này, sư đoàn 314 đóng quân trên địa bàn xã. Nhân dân trong xã đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, ủng hộ bộ đội về chỗ ở, thực phẩm. Bộ đội cũng giúp đỡ nhân dân trong phát triển kinh tế, thu hoạch mùa vụ, tình quân dân luôn được gắn kết chặt chẽ.
Tóm lại, trong gần 10 năm trải qua 06 nhiệm kỳ Đại hội (1976 - 1985), chi bộ và nhân dân xã Tân Quang vừa thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hà Giang và Huyện ủy Bắc Quang, đồng thời vừa tìm tòi, sáng tạo và rút kinh nghiệm các biện pháp thực hiện cho phù hợp với tình hình địa phương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song chi bộ xã luôn thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, hoàn thiện hệ thống chính quyền, các đoàn thể và các hợp tác xã. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Tân Quang đã được tập trung khai thác tốt hơn để phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được hình thành trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua các phong trào cách mạng sôi nổi tại địa phương, nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ở xã Tân Quang đã trưởng thành và nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ văn hóa và năng lực công tác. Tinh thần chủ động sáng tạo trong sản xuất, trong xây dựng cuộc sống mới ngày càng được phát huy. Đó là những nhân tố mới tạo điều kiện thuận lợi cho Chi bộ Đảng, chính quyền và  nhân dân các dân tộc xã Tân Quang bước vào thời kỳ đổi mới thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn, năng động hơn.    
                   
 

CHƯƠNG V

 Đảng bộ xã Tân Quang được thành lập lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2015)

 

I. Đảng bộ xã Tân Quang được thành lập, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2000)

Sau mười một năm (1975 - 1986), cả nước tiến hành thực hiện công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Song nước ta vẫn còn không ít những khó khăn, thử thách, tình trạng khủng hoảng kinh tế -  xã hội diễn ra ngày càng trầm trọng, tăng trưởng nền kinh tế thấp, lạm phát tăng nhanh, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, đất nước ta thường xuyên đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.
Là một xã vùng thấp của tỉnh Hà Giang, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các xã khác trong huyện, tuy kinh tế của xã có phát triển hơn, song cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế của xã chủ yếu là thuần nông nghiệp, mang nặng tính tự cấp, tự túc, các ngành nghề khác có phát triển song sản xuất thủ công nên năng xuất không cao; bộ máy quản lý kinh tế nhất là kinh tế hợp tác xã còn nhiều hạn chế trong chỉ đạo và quản lý sản xuất, hiệu quả thấp. Mặt khác cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp của đất nước bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, bình quân lương thực trên đầu người còn thấp. Tỷ lệ hộ đói nghèo cao.
Năm 1986 là năm đánh dấu bước phát triển mới của Chi bộ xã Tân Quang. Tính đến tháng 01 năm 1986 toàn chi bộ có 65 đảng viên sinh hoạt trong 08 tổ Đảng. Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Huyện ủy Bắc Quang đã ra quyết định thành lập Đảng bộ xã Tân Quang.
Ngày 19 tháng 5 năm 1986, Huyện ủy Bắc Quang long trọng tổ chức công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Tân Quang và chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ gồm 09 đồng chí, Ban Thường vụ Đảng ủy xã 03 đồng chí. Đồng thời chỉ định các chức danh chủ chốt lâm thời trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã: Đồng chí Đào Minh Châu được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng bộ; đồng chí Đinh Xuân Bắc được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng chí Lưu Thị Xuân - ủy viên Ban Thường vụ phụ trách công tác Đảng. Khi thành lập Đảng bộ xã có 65 đảng viên, sinh hoạt tại 08 chi bộ Đảng. Sự thành lập Đảng bộ xã Tân Quang là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành của Chi bộ Đảng trong suốt 37 năm qua (1949 - 1986). Kể từ đây xã Tân Quang, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội và nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất.
Ngày 20 tháng 7 năm 1986, Đại hội Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ nhất được triệu tập với 65 đảng viên. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ xã gồm 09 đồng chí, Ban thường vụ Đảng ủy gồm 03 đồng chí: đồng chí Đào Minh Châu được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Đinh Xuân Bắc được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đồng chí Lưu Thị Xuân - ủy viên Ban thường vụ phụ trách công tác Đảng.
Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển các mặt kinh tế - xã hội trong thời gian tới: Tận dụng những điều kiện thuận lợi, khắc phục những khó khăn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trọng tâm; thúc đẩy sự nghiệp văn hóa, giáo dục, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đồng thời xây dựng và củng cố Đảng, chính quyền vững chắc. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 1987, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 165 tấn, bình quân lương thực đạt 250kg/người/năm. Tăng diện tích gieo trồng năm 1987 lên 85 ha, (trong đó, vụ chiêm xuân chiếm 20 ha, màu chiếm 65 ha). Thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực vận động con em trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Tăng cường công tác văn hóa xã hội, thể dục thể thao. Thực hiện tốt công tác y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, tổ chức các chiến dịch tiêm phòng, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được tham gia tiêm phòng theo quy định. Hoàn thành 100% thuế và các khoản đóng góp cho Nhà nước, địa phương. Tăng cường củng cố, phát triển các chi bộ, chính quyền và các đoàn thể xã hội. Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức Đại hội theo đúng nhiệm kỳ, phát triển đoàn viên và hội viên, xây dựng và củng cố các chi đoàn, chi hội tại các thôn, xóm. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp từ 5 đến 7 quần chúng ưu tú vào Đảng.
Ngày 17 tháng 9 năm 1986, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ XIV được tiến hành. Đại hội đã đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của huyện, nghiêm túc kiểm điểm về sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ trong những năm trước. Đồng thời Đại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong nhiệm kỳ tới là: Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đúng hướng, lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tập trung sức khai thác có hiệu quả kinh tế nông, lâm, nghiệp, giải quyết vững chắc những vấn đề lương thực và phát triển vốn rừng, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp; phát triển và nâng cao hoạt động văn hoá xã hội; xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh nhằm từng bước ổn định và phát triển sản xuất, dần dần ổn định và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới. Trong đó, đề ra chủ trương xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đại hội nhấn mạnh sự tồn tại khách quan của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Đại hội đã đề ra 03 chương trình kinh tế lớn về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên lần thứ IV, Nghị quyết Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ XIV, Đảng bộ xã Tân Quang đã tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã. Đồng thời Đảng bộ cũng xây dựng chương trình hành động, tập trung vào sản xuất cây lương thực, thực phẩm và phát triển cây lâm nghiệp.
Trong 02 năm (1986 - 1987), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã,  phong trào thi đua sản xuất được đẩy mạnh. Đảng bộ xã đã chỉ đạo các hợp tác xã, các hộ xã viên tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển nông nghiệp lên hàng đầu, chỉ đạo nhân dân đưa các giống lúa mới vào sản xuất thay các giống lúa thuần, chỉ đạo các hợp tác xã, các đội sản xuất tập trung cấy đạt 100% diện tích, đồng thời trồng cây hoa màu (đậu tương, lạc) và các loại cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn. Mặt khác, đẩy mạnh khai hoang mở rộng diện tích gieo trồng. Một số diện tích đất hoang hóa đã được các hộ gia đình nhận khoán. Nhờ đó, diện tích cây lương thực của xã đã được tăng lên 120 ha (đạt 141% so với Nghị quyết đề ra). Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng phân bón và phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng lương thực tăng, đạt 175 tấn. Bình quân lương thực đạt 250kg/người/năm. Ngoài sản xuất cây lương thực, nhân dân còn tích cực trồng các loại rau màu như: rau xanh, đậu và một số cây nông sản khác góp phần tăng thêm thu nhập và ổn định đời sống.
Song song với đẩy mạnh trồng trọt, Đảng bộ xã còn khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò để lấy sức kéo phục vụ sản xuất và làm phân bón cho đồng ruộng, kết hợp với chăn nuôi gia cầm để cải thiện cuộc sống. Công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc được chỉ đạo thường xuyên. Công tác tuyên truyền trong nhân dân việc di chuyển gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, đặc biệt là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên 100% các hộ dân trong xã đã làm chuồng trại riêng cho gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở, đảm bảo vệ sinh.
Công tác giao đất giao rừng cũng đạt được những kết quả bước đầu. Nhiều hộ xã viên đã nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng mới trên những diện tích đất trống đồi núi trọc đã hạn chế được nạn phá rừng trên địa bàn. Công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng cũng được chú trọng thực hiện, đã tổ chức được 12 buổi tuyên truyền, thu hút trên 1.500 lượt người tham gia.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 1986 - 1987, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã chưa tương xứng với nguồn lực tự nhiên cũng như công lao động bỏ ra. Nền kinh tế vẫn mang tính tự cấp, tự túc, sản xuất nông nghiệp chưa phá bỏ được thế độc canh cây lúa, cơ cấu mùa vụ chưa hợp lý. Công tác quản lý kinh tế, nhất là kinh tế tập thể còn bộc lộ nhiều mặt yếu kém. Nghành nghề không phát triển, lao động hầu hết tập trung vào sản xuất nông nghiệp nên lúc nông nhàn, lao động thường thiếu việc làm, một số hộ nông dân còn khó khăn, thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt. Giai đoạn 2 của Chỉ thị 100 đã được thực hiện, diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho người sản xuất nhưng mới chỉ là bước đầu, đàn trâu của hợp tác xã bị thanh lý, tổng đàn gia súc hầu như không tăng, các hình thức chăn nuôi tư nhân phát triển chậm, đàn gia súc gia cầm phát triển cầm chừng chủ yếu là giải quyết sinh hoạt của đời sống hàng ngày.
 Hoạt động thương mại - dịch vụ trong thời kỳ này phát triển manh mún không bền vững chạy theo xu hướng bến bãi, mùa vụ, chủ yếu phục vụ các nhu cầu trong địa bàn nên thu nhập người dân không ổn định. Do vậy, chưa có tác động lớn đến việc tăng thu nhập cho nền kinh tế chung.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể luôn được quan tâm. Đảng bộ tuy mới thành lập, nhưng số lượng Đảng viên khá đông, với 65 đảng viên. Năm 1987, Đảng bộ đã kết nạp thêm được 05 đồng chí đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 70 đồng chí. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng tập trung xây dựng các phong trào như: Phong trào xung kích trên mặt trận sản xuất, phong trào xây dựng phụ nữ mới, vận động sinh đẻ có kế hoạch, phong trào mua công trái chính phủ, ...
Công tác văn hoá, y tế thường xuyên được củng cố. Việc xây dựng đời sống văn hoá ở thôn bản luôn được chú trọng. Các đội văn nghệ, đặc biệt là đội văn nghệ của Đoàn Thanh niên xã phát triển mạnh. Xã thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi trong các dịp lễ, tết.
Phát huy những thành quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân xã hăng hái thi đua trong lao động, sản xuất, không ngừng đổi mới để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tháng 7 năm 1987, Đại hội Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ II được tổ chức, có 70 đảng viên tham dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 09 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Minh Toàn được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Đinh Xuân Bắc được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đồng chí Lưu Thị Xuân - ủy viên Ban Thường vụ phụ trách công tác Đảng.
Đại hội đã kiểm điểm kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần I, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ (1987 - 1989) là: Ra sức củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, không ngừng nêu cao vai trò triển khai thực hiện của chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội; củng cố phong trào hợp tác, tích cực vận động nhân dân tăng gia sản xuất, ổn định đời sống; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục mở rộng và phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đại hội đã đề ra một số mục tiêu quan trọng nhiệm kỳ tới là: Phấn đấu bình quân lương thực đầu người đạt 275kg/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 250 tấn; diện tích gieo cấy lúa vụ mùa 45 ha, vụ chiêm 20 ha; Diện tích khai hoang tăng 20 ha; trồng mới 15 ha chè, 10 ha cam. Chú trọng phát triển chăn nuôi, phấn đấu đàn trâu toàn xã tăng lên 350 con, đàn lợn 450 con. Thực hiện tốt công tác giáo dục, tích cực vận động con em đi học đúng độ tuổi đạt 100%, hạn chế học sinh bỏ học. Tăng cường công tác văn hóa xã hội, thể dục thể thao, y tế bảo đảm chế độ khám, chữa bệnh cho người dân được thuận tiện. Hoàn thành 100% thuế và các khoản đóng góp cho Nhà nước, địa phương. Tăng cường củng cố các chi bộ, chính quyền, đoàn thể và các hợp tác xã. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 05 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đảm bảo công tác huấn luyện dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, an ninh quốc phòng, cương quyết đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, qua thực tiễn đúc rút kinh nghiệm, ngày 5 tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10/NQ-TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết đánh dấu sự phát triển của Đảng trong quá trình tìm tòi phương thức quản lý mới nền nông nghiệp nước ta, lấy hộ gia đình xã viên làm đơn vị kinh tế tự chủ. Người nông dân được giao đất, có nghĩa vụ nộp thuế và đóng góp các loại quỹ của hợp tác xã. Đây là giải pháp quan trọng, tạo ra động lực mới cho người nông dân phấn khởi sản xuất.
Để triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ xã Tân Quang đã tổ chức triển khai học tập Nghị quyết 10/NQ-TW tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời đề ra chủ trương vận dụng cụ thể vào điều kiện địa phương, đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho hộ nông dân và tiến hành đổi mới công tác tổ chức, thống nhất quy chế hoạt động của các hợp tác xã.
Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ đã chỉ đạo các hợp tác xã và xã viên mở rộng diện tích đi đôi với thâm canh.
Trong sản xuất lâm nghiệp cũng đạt được những thành tích nhất định. Công tác giao đất, giao rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng đã được nhân dân thực hiện hiệu quả. Việc tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng đã thu được những kết quả khả quan. Toàn xã không có hiện tượng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, đã trồng mới được 12 ha rừng.
Chăn nuôi cũng có bước phát triển mới. Đàn trâu toàn xã 400 con (đạt 114% kế hoạch. Đàn lợn 650 con (đạt 144% kế hoạch). Công tác tiêm phòng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đạt được những thành quả nhất định. Đảng bộ xã đã huy động nhân dân tham gia đóng góp được trên 800 ngày công và nhiều nguyên vật liệu khác như: lá cọ, tre, gỗ để xây dựng, sửa chữa trường học, nhà trạm xá, các công trình thủy lợi, đường giao thông liên thôn.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong những năm 1987 - 988, 35 lượt cán bộ từ xã tới các thôn đã được cử bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lý luận tại tỉnh, huyện. Qua đó, giúp cán bộ nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Các trường mẫu giáo, cấp I, II và cấp III tổ chức học tập theo đúng kế hoạch. Tỷ lệ học sinh đến trường đảm bảo, không còn học sinh bỏ học. Tỷ lệ chuyển cấp, chuyển lớp đều đạt trên 88%. Cơ sở vật chất các trường luôn được sửa chữa kịp thời, đảm bảo điều kiện cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Công tác củng cố các chi bộ được quan tâm. Việc học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương được thực hiện tốt. Qua đó, đã nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương. Từ đó triển khai thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ đã giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp được 05 quần chúng ưu tú vào Đảng. Nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 75 đồng chí.
Ngày 17 đến ngày 18 tháng 11 năm 1988, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III đã diễn ra, có 75 đảng viên tham gia. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết lần thứ II của Đảng bộ. Đại hội đã bầu ra 09 đồng chí Ban chấp hành khóa mới, 03 đồng chí Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Ngọc Nhật được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Quý được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã; đồng chí Nguyễn Văn Diệp - ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Đảng.
Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là:  Năm 1989, diện tích lúa cả năm phấn đấu đạt 85 ha (Trong đó, lúa vụ chiêm xuân 27 ha, lúa vụ mùa 58 ha). Tổng sản lượng lúa đạt 217,300 tấn.  Năm 1990, diện tích lúa 90 ha (tăng thêm 05 ha so với năm 1989), năng suất đạt 20 tạ/ha. Tổng sản lượng lúa đạt 257,8 tấn. Diện tích ngô, khoai, sắn đạt 38 ha. Chăn nuôi phấn đấu đàn trâu, bò 466 con, đàn lợn 752 con, đàn gia cầm 3000 con. Phát triển thủy sản, tăng diện tích ao nuôi cá. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng phủ xanh diện tích đất trống bằng các loại cây như quế, mỡ, bạch đàn... Huy động trên 1000 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, củng cố kiện toàn xã, tổ, đội an ninh nhân dân và tổ hòa giải tại các thôn, xây dựng lực lượng dân quân, công an xã vững mạnh. Vận động 100% con em trong độ tuổi đến trường. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vận động toàn dân hưởng ứng các chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình quốc gia về y tế đạt 100%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,1% xuống 2%. Duy trì và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội theo phương châm “Nói đi đôi với làm; nói ít làm nhiều”, nâng cao tinh thần tự giác, sáng tạo, ý thức kỷ luật. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về các Chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 05 đảng viên mới.
Ngay sau Đại hội, Đảng bộ xã đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội vận động, tuyên truyền cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III (nhiệm kỳ 1988 - 1991) đã đề ra.
Năm 1989, diện tích cấy lúa trên địa bàn xã đã tăng lên, đạt 129 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 251 tấn, bình quân lương thực đạt 275kg/người/năm (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được điều chỉnh theo hướng tăng nhanh. Các cây ăn quả và cây công nghiệp đã được chú trọng phát triển và đều vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Một số loại cây trồng mang tính hàng hoá cũng được phát triển như đậu tương, mía, rau xanh. Diện tích soi, bãi được nhân dân khai phá, tận dụng gieo trồng. Toàn xã đã khai phá được 20 ha đất gieo cấy.
Về sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung lao động sản xuất, khai hoang phục hóa, tận dụng diện tích đất để trồng lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày. Đã khai hoang được 20 ha để đưa vào canh tác (trong đó, Vinh Quang 10 ha, Vinh Ngọc 02 ha, Tân Tiến 03 ha, Nghĩa Tân 01 ha, Xuân Hòa 02 ha, Mục Lạn 02 ha). Diện tích trồng lúa đạt 128,5 ha (trong đó, lúa vụ chiêm xuân 30 ha, lúa vụ mùa 88,5 ha, lúa nương 10 ha), đạt 151% so với mục tiêu Đại hội. Năng suất lúa chiêm đạt 20 tạ/ha, lúa mùa đạt 27 tạ/ha, đều đạt và vượt so với chỉ tiêu. Tổng sản lượng lúa đạt 304,950 tấn (trong đó, đông xuân đạt 60 tấn, mùa đạt 238 tấn, lúa cạn đạt 06 tấn). Riêng diện tích trồng mía giảm so với chỉ tiêu đề ra, do cơ chế thị trường thay đổi, giá mía hạ hiệu quả kinh tế không cao. Đảng ủy và chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng lúa, lạc, đậu, ngô thay cho diện tích trồng mía. Các thôn thực hiện việc chuyển đổi tốt nhất là thôn Vinh Ngọc và  thôn Mỹ Tân.
Chăn nuôi được phát triển. Tổng đàn gia súc tăng, trong đó số lượng trâu, bò là 680 con (đạt 146% chỉ tiêu Nghị quyết), đàn lợn 1500 con (đạt 199% so với Nghị quyết Đại hội). Đặc biệt, có những gia đình đã áp dụng mô hình nuôi lợn nái để cung ứng nguồn giống cho nhân dân trong và ngoài xã. Phong trào đào ao thả cá được phát triển mạnh vào năm 1988, nhưng do một số diện tích ao cá thuộc khu vực địa hình thấp, thường xuyên bị ngập lụt nên năng suất giảm.
Về sản xuất lâm nghiệp, thực hiện giao đất, giao rừng cho nhân dân tự  trồng, tu bổ, bảo vệ và khai thác, dưới sự quản lý của Nhà nước. Đảng bộ xã đã chỉ đạo nhân dân trồng mới được 03 ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng quế, chiếm hơn 01 ha, còn lại là diện tích trồng keo.
Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ cũng được phát triển với tốc độ nhanh, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi. Toàn xã có 04 lò gạch chuyên sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân trong và ngoài xã. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ như sửa chữa nông cụ, sửa chữa xe đạp, xe máy cũng đã bắt đầu phát triển. Các loại máy say sát, chế biến lương thực được nhiều hộ đầu tư phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, làm cho bộ mặt của xã dần thay đổi theo vận hành của cơ chế thị trường.
Việc thu ngân sách được triển khai theo hình thức khoán thu, khoán chi. Xã đã thành lập tổ chống thất thu để tổ chức thu các nguồn thu trên địa bàn. Năm 1990 đã thu vào ngân sách được 24.446.168 đồng.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực. Toàn xã có hai trường, cấp I, cấp II và 04 phân trường. Số học sinh tham gia học tập tăng lên hàng năm. Năm học 1989 - 1990, cấp I có 21 lớp với 484 học sinh, cấp II có 06 lớp với 137 học sinh. Năm học 1991 - 1992, cấp I có 25 lớp, với 552 học sinh; cấp II có 07 lớp với 158 học sinh. Ngoài hệ học phổ thông, xã còn mở 01 lớp bổ túc với 18 học viên; 01 lớp xóa mù với 18 học viên. Số lượng, chất lượng giáo viên cũng được nâng lên, đã có 02 giáo viên trình độ đại học, 05 giáo viên trình độ Cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp. Đội ngũ giáo viên đạt giáo viên tiên tiến cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh tăng lên hàng năm. Trường cấp II Tân Quang 3 năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.
Công tác văn hóa - xã hội, thể dục - thể thao được duy trì và phát triển. Các rạp video được mở rộng để phục vụ nhân dân trong xã. Toàn xã có 06 đầu máy video, tổ chức chiếu phim hàng tuần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đội văn nghệ của xã được duy trì, xã thành lập 02 đội bóng chuyền, 01 đội văn nghệ, các đội thường xuyên tập luyện và tham gia giao lưu, thi đấu trong và ngoài xã, đạt được nhiều giải cao. Nhân ngày chia tách hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang (ngày 01 tháng 10 năm 1990), đội văn nghệ của xã được huyện chọn cử lên tham gia biểu diễn tại tỉnh và được đánh giá cao.
Công tác y tế được đầu tư, quan tâm chỉ đạo. Trạm xá xã được biên chế 06 cán bộ (trong đó có 01 bác sĩ, 02 y sĩ, 03 y tá), thuốc và các dụng cụ y tế được cung cấp đầy đủ. Hàng năm, xã đầu tư 2.000.000 đồng để sửa chữa trạm xá nhằm phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài xã. Bình quân hàng tháng có từ 60 đến 70 lượt người tới khám và điều trị tại trạm xá xã. Ngoài ra, cán bộ y tế xã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân hưởng ứng phong trào tiêm chủng, thực hiện các chương trình quốc gia về y tế; thực hiện các hoạt động tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân và sinh đẻ có kế hoạch. Qua đó, số cặp vợ, chồng tham gia các biện pháp tránh thai tăng lên, trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ mang thai được tiêm phòng đủ các loại vắc xin theo quy định của Bộ y tế như: bại liệt, ho gà, uốn ván, đậu mùa...
Các chính sách, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Hàng năm, xã tổ chức gặp mặt, tặng quà các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết và trợ cấp cho 30 gia đình chính sách với tổng số tiền là 1.106.000đ. Ngoài ra, Đảng bộ xã lãnh đạo việc giải quyết cho các hộ gia đình chính sách vay thóc hàng năm.
An ninh chính trị của xã luôn được giữ vững. Với đặc thù của xã gồm nhiều dân tộc, tôn giáo, tiềm ẩn nhiều vấn để phức tạp, mặt khác, trong những năm 1989 - 1990, nhiều lao động ở các địa phương khác đến Tân Quang làm ăn phát triển kinh tế, các tiểu thương chủ yếu đến thu mua cam, quýt, song mây, chè, trâu, vàng…, cá biệt có những trường hợp người nước ngoài đến Tân Quang, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ban công an, các đoàn thể xã hội tổ chức tốt công tác tuyên truyền để nhân dân không nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu, tập trung sản xuất phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Phong trào tố giác trong quần chúng được phát động và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, toàn xã đã phát hiện 69 người trong xã trốn đi nước ngoài, đã hoàn hương 10 người, 04 trường hợp người nước ngoài trốn vào Việt Nam, phát hiện 28 vụ hình sự, xử lý giải quyết được 26 vụ, tịch thu và trao trả cho người bị hại 03 con trâu, 01 con ngựa, 01 con lợn và nhiều tài sản có giá trị khác. Ngoài những mặt đã đạt được, công tác an ninh chính trị vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa các ban ngành chưa thường xuyên, việc tuyên truyền các Nghị định, Chỉ thị, Luật còn chậm, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chưa được triển khai đồng bộ và liên tục.
Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ then chốt. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên luôn được Đảng bộ chú trọng. Việc sinh hoạt Đảng tại các chi bộ được duy trì đều đặn đúng quy định của Điều lệ Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng kế hoạch. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, trong năm 1990, hợp tác xã mua bán giải thể, Đảng bộ chỉ đạo sát nhập Chi bộ hợp tác xã mua bán vào Chi bộ Vinh Quang. Từ đây, số chi bộ trong Đảng bộ giảm còn 07 chi bộ. Trong 3 năm (1989 - 1991) đã kết nạp được 05 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 80 đồng chí. Kết quả phân loại đảng viên hàng năm đạt 92% đảng viên loại I, 8,8% đảng viên đạt loại II, 0,2% đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng (trong đó khai trừ 01, cảnh cáo toàn Đảng bộ 01 đồng chí).
 Ngày 17 tháng 12 năm 1989, kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân xã Tân Quang khoá XVII, nhiệm kỳ 1989 - 1994 đã họp để bầu cử Ủy ban nhân dân khóa mới, có 33 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Văn Diệp được bầu giữ chức Chủ tịch ủy ban, đồng chí Vương Đức Kháng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban. Các đồng chí Đỗ Xuân Hùng, Nguyễn Đình Đông, Trần Văn Bản, Mai Văn Mạnh, Nguyễn Đình Nguyên được bầu làm ủy viên. Hội đồng nhân dân xã nhìn chung đã phát huy được chức năng, quyền hạn là cơ quan giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các quy định của địa phương trên địa bàn. Qua đó đã hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên khi thực hiện các chính sách.
Các tổ chức đoàn thể xã hội có sự đổi mới phương thức hoạt động từ việc kết nạp hội viên, sinh hoạt, phát động các phong trào thi đua, hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất, xây dựng mô hình nâng cao đời sống, tăng thu nhập, xây dựng các câu lạc bộ... Tuy nhiên các hoạt động của các đoàn thể xã hội chưa được thường xuyên, ảnh hưởng đến phong trào thi đua của toàn xã.
Bước sang năm 1991, sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tình hình nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Cuộc sống của nhân dân xã Tân Quang cùng nhân dân cả nước ngày một thay đổi.
Từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 10 năm 1991, Đảng bộ xã đã tiến hành Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1991 - 1994), dự Đại hội có 80 đảng viên tham gia. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 13 đồng chí, Ban Thường vụ 03 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Diệp được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy; đồng chí Đỗ Xuân Tưởng được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phí Thành Chung được bầu ủy viên Ban Thường vụ - thường trực Đảng ủy.
Đại hội đã nghiêm túc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III (nhiệm kỳ 1989 - 1991) và đề ra phương hướng nhiệm kỳ IV (nhiệm kỳ 1991 - 1994) với những nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung toàn bộ trí tuệ của cán bộ, đảng viên vào công cuộc đổi mới. Phát huy những thế mạnh của địa phương trên tất cả các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, con người… Đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện thâm canh tăng vụ, tận dụng diện tích đất để trồng các loại rau phục vụ nhu cầu tại địa phương. Phấn đấu đưa sản lượng lúa đạt 500 tấn, sản lượng ngô, khoai đạt 140 tấn, cây ăn quả 300 tấn. Đưa đàn trâu lên 550 con, lợn thịt lên 1500 con, tăng diện tích ao thả cá lên 05 ha...
 Giữ gìn tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố vững vàng lực lượng dân quân, công an. Phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tăng cường và tận dụng các nguồn thu, thực hiện chi đúng, chi đủ tiết kiệm, chống lãng phí để tập trung nguồn ngân sách vào xây dựng cơ sở vật chất cho địa phương; Xây dựng tập thể Đảng bộ vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương đến nhân dân trong xã. Qua đó, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng và đạt được những kết quả nhất định.
 Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã lãnh đạo các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân tận dụng diện tích đất đai, áp dụng các biện pháp thâm canh, phá thế độc canh cây lúa, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chú trọng các khâu giống năng suất cao - phân bón - chăm sóc vào sản xuất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, kết hợp đưa ngô, lạc xuống ruộng. Duy trì hoạt động của hai hợp tác xã nông nghiệp Xuân Hòa và Mục Lạn. Đối với chăn nuôi, chú trọng các khâu giống tốt - thức ăn - chuồng trại - phòng trừ dịch bệnh. Các vùng kinh tế mới được thực hiện đúng theo chế độ khoán 10 của Bộ chính trị. Mặt khác, Đảng ủy tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo ra không khí phấn khởi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, uốn nắn những mặt còn tồn tại, hạn chế. Chính vị vậy sản lượng lương thực hàng năm đều tăng. Năm 1992 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 395,650 tấn và năm 1993 sản lượng lương thực đạt 429,500 tấn. Bình quân đầu người năm 1992 đạt 87kg, đến năm 1993 đạt 93kg/người/năm. Đến năm 1994, sản lượng lương thực đạt 666 tấn, tăng 167 tấn (đạt 133,4% so với kế hoạch). Nhân dân đã tận dụng diện tích đất hoang hoá, đất ven sông, các gò bãi để trồng các loại mầu như ngô, khoai, sắn, đậu tương. Do chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất hiệu quả cao, nên năm 1994 sản lượng lương thực trên diện tích đất soi, bãi đạt được 150 tấn (vượt chỉ tiêu đề ra trên 33 tấn). Bình quân lương thực cho một người đạt 107kg thóc/người/năm. Ngoài sản xuất lúa và hoa màu, nhân dân còn trồng các loại cây ăn quả, cây trồng lâu năm với diện tích khá lớn, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Diện tích trồng dâu là 12 ha, cho thu hoạch đạt 28 tấn/năm, chè là 12 ha. Xác định cây cam là cây trồng lâu năm, thu nhập cao và có tính chiến lược, Ðảng ủy đã chỉ đạo các thôn hướng dẫn nhân dân chăm sóc số cam hiện có để duy trì tuổi thọ của cây và vận động nhân dân trồng theo mô hình trang trại. Toàn xã đã trồng được 25 ha cam, cho thu hoạch 500 tấn, vượt 100 tấn so với kế hoạch đề ra.
Trong chăn nuôi phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Khuyến khích các hộ gia đình chăn nuôi theo mô hình đại gia súc, chăn nuôi trang trại. Trong đó, đàn trâu phát triển từ 450 con năm 1992 lên 500 con năm 1993; Đàn lợn từ 1.500 con năm 1992 lên 1.700 con năm 1993, duy trì đàn lợn nái 27 con. Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc nên không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Đảng bộ đã xác định sản xuất lâm nghiệp phải được quán triệt trên quan điểm sử dụng, khai thác có hiệu quả và phải chú ý bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Quy hoạch và tổ chức việc giao đất, giao rừng quản lý và bảo vệ rừng cho các hộ gia đình. Tính đến tháng 12 năm 1993, toàn xã có 643 ha đất rừng, đất trống đồi núi trọc đã có chủ do các hộ gia đình nhận khoán và quản lý. Nhân dân đã trồng phủ xanh được 12 ha đất trống. Các loại cây được trồng phổ biến là mỡ, bạch đàn, keo, quế. Công tác giao đất giao rừng được triển khai, đã hoàn thành xong 4/7 thôn trong xã.
Các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được chú trọng và đẩy mạnh phát triển. Toàn xã có 06 lò gạch, 02 lò vôi. Hàng năm, cung cấp trên 2 triệu viên gạch, gần 100 tấn vôi phục vụ nhân dân. Các loại hình dịch vụ cũng được phát triển mạnh, cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài xã.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đạt được những thành tựu đáng kể. Trường học, trạm xá, đường giao thông nông thôn được xây dựng và củng cố. Hệ thống thủy lợi, mương máng tưới tiêu được xây dựng, sửa chữa đảm bảo việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Hệ thống đường giao thông liên thôn được nâng cấp và xây dựng mới 6,3 km trên tuyến đường thôn Mục Lạn - Mỹ Tân.
Về công tác giáo dục, thực hiện chủ trương của huyện về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học, Đảng bộ đã chỉ đạo chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân vận động các em trong độ tuổi đi học và duy trì số lượng học sinh. Các thôn ký cam kết với xã về số lượng học sinh trong độ tuổi đi học bảo đảm 100%. Nhà trường ký cam kết về chất lượng giáo dục. Mặt khác, Đảng ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã trích nguồn ngân sách, ngân sách của nhà nước và huy động nhân dân đóng góp để đầu tư và tập trung xây dựng, sửa chữa được 11 phòng học, xây dựng 250m đường bê tông vào trường, đổ 5.000m2 sân chơi, sân thể thao và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học dạy và học, nơi ở cho giáo viên và học tập của học sinh. Ngoài ra, hai phân trường Nghĩa Tân và Vinh Ngọc cũng được sửa chữa nâng cấp. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đề ra.
Công tác quốc phòng, an ninh luôn được củng cố và tăng cường. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của xã được đảm bảo. Khối nội chính và chính quyền luôn củng cố và duy trì tốt lực lượng an ninh từ xã đến khu. Xã có 07 thôn với 07 tổ an ninh gồm 21 người hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Chi bộ và Ban quản lý thôn. Các tổ hoà giải của các thôn cũng được hình thành gồm các thành viên là trưởng ban công tác mặt trận và trưởng các đoàn thể của thôn, lực lượng an ninh thường xuyên nắm bắt tình hình, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và các tai, tệ nạn xảy ra trên địa bàn. Công tác tuyển quân trong các năm luôn đảm bảo chỉ tiêu.
Công tác văn hóa được Đảng bộ chỉ đạo và có bước tiến mới. Mạng lưới thông tin của xã được xây dựng với 07 cụm loa truyền thanh tại 07 thôn. Huyện đã xây dựng tại xã một trạm Viba và một tổng đài điện thoại tự động. Hệ thống thông tin liên lạc của xã phát triển, giúp cho thông tin liên lạc được thuận tiện hơn rất nhiều. Các rạp chiếu Video được mở và duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân. Các đội văn nghệ của xã hàng năm đã tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã và tổ chức giao lưu với các xã khác trong khu vực. Các hiện tượng mê tín dị đoan đã giảm, hoạt động tổ chức ma chay, cưới xin đã theo quy ước.
Công tác y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình cũng được tuyên truyền mạnh mẽ đối với nhân dân về phòng chống dịch bệnh, sinh đẻ có kế hoạch… Nhân dân từng bước được nâng cao ý thức công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng bệnh và chữa bệnh. Nhân dân ốm đau đã đến trạm y tế khám và điều trị. Phụ nữ có thai đi khám thai định kỳ và tiêm phòng đầy đủ. Các cặp vợ chồng đã biết áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch. Trạm xá xã cũng được đầu tư xây dựng 01 nhà khám và điều trị 4 gian mái bằng để phục vụ nhân dân đếm khám và điều trị tại trạm.
Hàng năm, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được thực hiện. Trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ 14,5 triệu đồng cho các gia đình chính sách gặp khó khăn đột xuất. Việc ủng hộ đồng bào biên giới, ủng hộ nhân dân Cuba, ủng hộ làm nhà tình nghĩa cho gia đình anh hùng Lộc Viễn Tài được tích cực triển khai.
 Công tác xây dựng Đảng được tăng cường. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân được Đảng bộ thường xuyên duy trì. Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy đẩy mạnh công tác tham gia góp ý đảng viên, nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đảng bộ thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên. Công tác phát triển đảng viên mới được thực hiện nghiêm túc, trong nhiệm kỳ đã giới thiệu, bồi dưỡng và kết nạp 05 đảng viên mới vào Đảng. Nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 85 đảng viên.
Hoạt động của chính quyền đi vào nề nếp. Đội ngũ cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc và tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Trong nhiệm kỳ đã có 45 cán bộ từ xã đến thôn tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác. Hội đồng nhân dân hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và đôn đốc, giám sát việc giải quyết theo quy định của luật. Ủy ban nhân dân xã thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân, đồng thời làm tốt công tác quản lý cán bộ, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò chủ động trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh làm tốt công tác phát triển hội viên, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Vận động hội viên thực hiện nếp sống mới, thi đua lao động sản xuất làm kinh tế giỏi. Đoàn thanh niên được củng cố, kiện toàn và từng bước tổ chức hoạt động có hiệu quả. Công tác vận động, tập hợp thanh niên tham gia các tổ chức Đoàn, xây dựng các chương trình hoạt động sát thực được thực hiện tốt. Việc thành lập các đội xung kích, phát động các phong trào thi đua sản xuất, các phong trào thể thao, văn nghệ... được đẩy mạnh triển khai.
Từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 3 năm 1994, Đảng bộ xã Tân Quang đã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ V (nhiệm kỳ 1994 - 1996) với 85 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham gia. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khoá mới gồm 13 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Diệp được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Đỗ Xuân Tưởng được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Phí Thành Chung, ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Đảng. Đại hội đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Khoá IV (nhiệm kỳ 1991 - 1994) và đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp (nhiệm kỳ 1994 - 1996): Tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết trung ương III, IV, và V về công tác chỉnh đốn đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và chung tay xây dựng Nông thôn mới, quyết tâm xoá đói giảm nghèo. Phấn đấu đưa sản lượng lương thực đạt 970 tấn; sản lượng cam quýt 840 tấn, trồng mới 92 ha rừng; nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đến năm 1995 tỉ lệ hộ giàu chiếm 30%, hộ khá chiếm 24%, hộ nghèo chiếm 25%, không còn hộ đói. Trong nhiệm kỳ phấn đấu kết nạp từ 5 đến 7 đảng viên mới.
Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Đảng bộ xã đã triển khai quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời xây dựng chương trình hành động, phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sự thành công của Đại hội và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Phong trào thi đua đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện.
Về sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã chỉ đạo phá thế độc canh cây lúa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách phát triển cây lúa với cây hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, kết hợp thâm canh, luân canh. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân đưa các giống lúa có năng suất cao vào sản xuất và khuyến khích nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại và theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhờ có chính sách đúng đắn, tinh thần cần cù, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân, do đó trồng trọt và chăn nuôi đã có những bước phát triển khá. Tổng sản lượng lương thực năm 1995 đạt 1.194 tấn. Toàn xã có 545 con trâu, 2.048 con lợn. Các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cây dâu tằm cũng được tiếp tục phát triển. Toàn xã có 18 ha dâu tằm, nuôi được 607 kg kén, thu 15.175.000 đồng, cây chè diện tích 35 ha, trồng mới được 23,28 ha cà phê. Cây cam được coi là cây chủ đạo trong sự phát triển cây ăn quả. Đảng ủy đã chỉ đạo nhân dân chăm bón, tích cực phòng chống sâu bệnh cho cam. Năm 1995, toàn xã đạt 365 tấn cam, thu được 1.080.000.000 đồng.
Cùng với việc đẩy mạnh trồng trọt và chăn nuôi, xã còn chú ý phát triển ngành lâm nghiệp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, nhân dân đã tích cực thực hiện việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Ðảng uỷ đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo cấm phá rừng làm nương rẫy đồng thời phát động trồng rừng hộ gia đình theo kế hoạch hướng dẫn của lâm trường huyện. Dự án 327 của tỉnh hỗ trợ vốn, giống cho các hộ trồng rừng được Đảng ủy vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đến tháng 12 năm 1995, toàn xã trồng được 643 ha rừng, chủ yếu là giống cây keo, mỡ, và bồ đề.
Thương nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được chú trọng. Các ngành nghề sản xuất gạch, ngói tiếp tục được duy trì. Năm 1995, sản xuất được 54 vạn viên gạch, 12.000 viên ngói. Các loại phương tiện phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân cũng phát triển. Năm 1995, toàn xã có 04 ô tô vận tải, 05 xe công nông và 03 xuồng máy.
Công tác giao đất, giao rừng được chú trọng. Toàn xã có trên 12.000 ha đất tự nhiên. Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, hoàn thiện hồ sơ bàn giao đất rừng cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng. Trên địa bàn xã, 4/7 thôn đã hoàn thiện việc giao đất rừng cho các hộ dân.
Công tác văn hóa - xã hội của xã có bước phát triển. Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng. Đội văn nghệ của xã tiếp tục được phát triển tại tất cả các thôn với 18 thành viên, tích cực phục vụ nhân dân. Trong năm 1995, đội văn nghệ của xã tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng do phòng Văn hóa - Thể thao -  Du lịch huyện tổ chức và đạt giải nhất toàn huyện. Đảng bộ chỉ đạo quần chúng tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới theo quy ước, lối sống cần kiệm, văn minh gắn với việc phát động quần chúng bài trừ mê tín dị đoan, chống lại các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy và xây dựng gia đình văn hoá mới.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Các tuyến đường giao thông liên thôn được nhân dân tu sửa thường xuyên, đảm bảo giao thông thông suốt. Xã đã đầu tư xây dựng được 04 phòng học tại thôn Mục Lạn, Nghĩa Tân.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình được chỉ đạo sát sao. Các đoàn thể quần chúng, các ban, ngành đều tham gia vào hoạt động dân số - kế hoạch hoá gia đình. Các hoạt động tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, áp dụng các biện pháp tránh thai được đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch của nhân dân được nâng lên. Năm 1995, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã giảm xuống còn 1,47%.
Giáo dục được phát triển, chất lượng dạy và học được nâng lên. Phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" tại các trường học được thực hiện tốt, đảm bảo 100% tỷ lệ học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt 90 - 95% trở lên. Số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp III, tiếp tục theo học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học đạt trên 80%. Số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tăng lên hàng năm. Hệ thống trường, lớp được xây dựng khang trang, sạch sẽ, bàn ghế đảm bảo đầy đủ. Xã có hệ thống trường cấp I, II với hai điểm trường chính và 3 phân trường, lớp học mầm non được tổ chức tại tất cả các thôn, tạo điều kiện cho trẻ em trong độ tuổi được tham gia học tập đầy đủ. Năm học 1994 - 1995 số học sinh tốt nghiệp đạt 98,5%, học sinh chuyển lớp đạt 86%, học sinh khá giỏi chiếm 30,1%, học sinh đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ chiếm 78,3%. Chất lượng giáo viên cũng được nâng cao, có 01 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 09 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và trường. Xã đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Ngày 14 tháng 6 năm 1994, xã đã long trọng tổ chức lễ công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, đây là một vinh dự lớn trong công tác giáo dục mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã đạt được trong suốt thời gian qua.
 Công tác an ninh, quốc phòng được quan tâm củng cố. Lực lượng dân quân được xây dựng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tập trung học tập chính trị, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu theo kế hoạch A2, nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng chiến sĩ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Quản lý, tổ chức các tiểu đội, trung đội quân dự bị động viên theo đơn vị. Tình hình trật tự xã hội trong thời kỳ này có những diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng, do các đối tượng đã nghiện từ những nơi đãi vàng trở về địa phương sinh sống, trong khi chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đã kéo theo nhiều đối tượng mới tham gia, chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi lao động của địa phương; các tụ điểm buôn bán, hút thuốc phiện có dấu hiệu phát sinh, kéo theo các tệ nạn đánh bạc, rượu chè bê tha gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình trên, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo và được sự giúp đỡ của Công an huyện Bắc Quang, công tác lập lại trật tự xã hội được nâng cao, các tổ an ninh, tự quản tại các thôn được củng cố. Lực lượng công an xã đã được bổ xung, tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét và xử lý các đối tượng, các tụ điểm. Do vậy, tệ nạn nghiện hút đã có chiều hướng giảm dần.
Công tác xây dựng Đảng đã có sự đổi mới. Đảng bộ thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên. Đảng bộ xã đã triển khai quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Đảng ủy cấp trên, xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đảng bộ luôn chỉ đạo các chi bộ thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, đẩy mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê và phê bình trong sinh hoạt, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ trong quần chúng và các tổ chức ở thôn, xóm. Chính vì vậy, kết quả phân loại hàng năm được Đảng bộ huyện Bắc Quang công nhận 03 chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, 04 chi bộ đạt loại khá. Đảng bộ xã được đánh giá xếp loại khá. Trong nhiệm kỳ đã lựa chọn và cử 17 quần chúng ưu tú tham gia học lớp tìm hiểu cảm tình Đảng đồng thời bồi dưỡng, kết nạp được 12 đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ có 06 đồng chí chuyển đi nơi khác, 01 đồng chí mất. Năm 1996, tổng số đảng viên trong toàn xã là 90 đồng chí, sinh hoạt tại 07 chi bộ. Hàng năm Đảng ủy đều cử cán bộ, đảng viên dự các lớp học lý luận, văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn; nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng còn bộc lộ một số hạn chế; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu, công tác đổi mới, tư duy lãnh đạo kinh tế của một số cán bộ còn hạn chế. Một số đảng viên còn có tư tưởng ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu, bảo thủ, vi phạm Điều lệ Đảng (trong nhiệm kỳ có 03 đồng chí đảng viên vi phạm điều lệ Đảng bị khai trừ Đảng). Ðây là một hạn chế lớn, đòi hỏi Đảng bộ phải khắc phục trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có những tiến bộ rõ rệt, đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để điều hành hoạt động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp đã đề ra. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát kịp thời, động viên phát huy được những thành tựu, khắc phục tồn tại nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu được tăng cường.
Thực hiện Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về tăng cường sự lãnh đạo đối với các đoàn thể, Đảng ủy đã đi sâu chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của xã hoạt động và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từng bước được củng cố về tổ chức, bộ máy cán bộ và nội dung hoạt động. Do vậy, đã kịp thời  động viên hội viên, nhân dân các dân tộc phát huy nội lực, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh chính trị. Các tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội được phát huy. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội trong công tác lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đề ra ngày càng vững chắc.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định song những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đã đạt được trong 5 năm (1991 - 1995) là to lớn. Sản xuất nông lâm nghiệp phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, hệ thống điện, đường, trường, trạm được nâng cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống nhân dân. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, hệ thống chính trị đã phát huy được vai trò chức năng của từng ngành, từng cấp, nêu cao chất lượng hoạt động trên mọi lĩnh vực. Những thành tựu trong 5 năm (1991 - 1995) đã trở thành động lực quan trọng giúp Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang vững bước tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Bước sang năm 1996, tình hình chính trị nước ta tiếp tục ổn định, kinh tế, xã hội ngày càng được phát triển, an ninh - quốc phòng được đảm bảo vững chắc. Những thành tựu đạt được qua 10 năm đổi mới (1986 - 1996) của xã là hết sức to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đồng thời khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng ta đề ra.
Trong hai ngày, từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 1 năm 1996, Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000 đã được tổ chức, dự Đại hội có 90 đảng viên. Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ (1994 - 1996) và đề ra phương hướng nhiệm vụ, nhiệm kỳ (1996 - 2000), bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã khoá VI gồm 09 đồng chí, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hàng Đảng bộ xã nhiệm kỳ (1996 - 2000), đồng chí Phí Thành Chung được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đồng chí Triệu Quốc Vinh, ủy viên Ban Thường vụ - Thường trực Đảng ủy xã.
Đại hội đã nhận định, bên cạnh những thuận lợi cơ bản là kế thừa những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ trước, nhiệm vụ của những năm tiếp theo cũng còn nhiều khó khăn, thử thách như: đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng ở các thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sản phẩm từ hàng hóa nông nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong xã cần nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, kiên trì, chủ động sáng tạo trong mọi lĩnh vực và hoạt động. Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã tiếp tục phấn đấu phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, vững chắc. Đồng thời phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần làm chuyển biến quá trình đổi mới tư duy kinh tế, từng bước xây dựng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất trong nhân dân.
Đại hội xác định một số mục tiêu cụ thể đến năm 2000: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 15%, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc 1.500 tấn, bình quân lương thực đầu người hàng năm đạt 350kg/người/năm. Chăn nuôi, đàn trâu 700 con, đàn lợn trên 4.500 con; đàn gia cầm trên 8.000 con. Chăm sóc tốt diện tích 35 ha chè hiện có, trồng mới 06 ha dâu tằm, 09 ha cây cà phê, 02 ha cây quế. Khai thác lâm nghiệp, phát triển trồng rừng tăng độ che phủ của rừng; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Mở rộng các tuyến đường nông thôn đảm bảo cho mọi người và các phương tiện tham gia thuận tiện; thực hiện tốt công tác kiên cố hóa kênh mương, tu sửa xây dựng mới các lớp học, trụ sở thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực hiện tốt công tác giáo dục, y tế, giảm tỷ lệ sinh tự nhiên còn 1.2%. Tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp nâng cao trình độ (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp), bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao trình độ chính trị; 100% các chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Hàng năm mỗi chi bộ kết nạp từ 02 đảng viên, toàn Đảng bộ kết nạp từ 14 - 16 đảng viên trở lên.
Giữ vững ổn định chính trị, tập trung phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đảm bảo hiệu quả cao. Củng cố và xây dựng lực lượng an ninh, quốc phòng, chống mọi âm mưu phá hoại của các đối tượng thù địch, góp phần bảo vệ quê hương, đất nước. 
Để Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ xã đi vào cuộc sống. Đảng bộ đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng bộ xã và Nghị quyết của cấp trên tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể xã hội xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào thi đua trong sản xuất, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
 Sản xuất và phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, luân canh, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống lúa, ngô mới có năng suất cao, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Toàn xã đã chuyển đổi và đưa giống mới vào sản xuất đạt 86%. Sản xuất lương thực của xã liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, năng suất và sản lượng lương thực có hạt đều tăng. Tổng sản lượng lương thực năm 1996 là 631 tấn, bình quân đầu người là 240kg/người/năm; năm 1997 tổng sản lượng lương thực là 680 tấn, bình quân đầu nguời là 286kg/người/năm; năm 1998 tổng sản lượng lương thực là 690 tấn, bình quân đầu nguời là 300g/người/năm; Năm 1999 tổng sản lượng lương thực là 712 tấn, bình quân đầu người là 320kg/người/năm. Với thành tích trên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Số hộ đói, nghèo trong xã giảm từ 99 hộ (năm 1996) xuống còn 33 hộ (năm 1999). Song một số cây trồng có chiều hướng giảm như: diện tích trồng cam giảm từ 114 ha (năm 1996) xuống còn 33,7 ha (1999), cà phê từ 28 ha xuống còn 3,2 ha; nguyên nhân chủ yếu do bệnh vàng lá của cây cam không có thuốc đặc trị và cây cà phê không phù hợp với thổ nhưỡng. Để khắc phục tình trạng trên, Đảng bộ đã kịp thời chỉ đạo nhân dân đưa cây chè và các loại cây ăn quả khác thay thế diện tích cây cam và cây cà phê, đồng thời chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cho phù hợp với điều kiện địa phương;  xây dựng mô hình  trang trại, mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Nhờ có chủ trương đúng đắn và sự cần cù, chịu khó của nhân dân, những diện tích cam, cà phê đã dần được thay thế bằng cây chè, nhãn, vải, quế và các loại cây ăn quả khác đem lại thu nhập cho nhân dân ổn định cuộc sống.
Công tác giáo dục tiếp tục được củng cố và phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98%. Việc thi chuyển lớp, chuyển cấp đều đạt kết quả cao từ 98% trở lên. Số lượng học sinh tham gia học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp ngày một tăng. Đây là kết quả của sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy và cũng là cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương trong việc vận động nhân dân cho con em đến trường. Đảng bộ đã chỉ đạo và tiến hành tốt việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc tách trường cấp I + II, thành trường cấp I và trường cấp II. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền xin chủ trương thành lập trường cấp III.  Công tác xã hội hóa giáo dục đã đi vào cuộc sống. Do vậy, sức huy động đóng góp trong nhân dân được nâng lên. Từ đó, cơ sở vật chất không ngừng được củng cố đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Công tác văn hóa được thực hiện tốt. Công tác truyền thanh trong xã được duy trì. Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động vui chơi, thể thao lành mạnh thường xuyên tổ chức. Các thôn đều tổ chức đăng ký xây dựng và thực hiện quy ước nếp sống văn minh, xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa, đến năm 1999, có 152 gia đình đạt tiêu chí gia đình văn hóa. Năm 2000, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, các phương tiện nghe, nhìn đạt 67%, các phương tiện xe máy đạt 54%. Phong trào thể dục thể thao được phát triển mạnh. Đặc biệt là phong trào bóng đá, cầu lông đã tham gia nhiều giải do huyện tổ chức đạt kết quả cao.
Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày càng được quan tâm tốt hơn, đảm bảo tốt việc khám, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các chương trình tiêm chủng mở rộng được quan tâm, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm chủng đủ 6 mũi vacxin phòng bệnh. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thực hiện có hiệu quả. Ban dân số của xã hoạt động tích cực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hoá gia đình cho nhân dân. Các dịch vụ sinh sản được cấp phát đầy đủ kịp thời cho những người trong độ tuổi sinh đẻ, đã góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã từ 2,8% (năm 1996) xuống còn 0,9 % (năm 1999).
Công tác chính sách xã hội ngày càng được thực hiện tốt. Đảng bộ đã phát động toàn dân tham gia xây dựng quỹ tình thương nhằm hỗ trợ hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống và vận động nhân dân tích cực tham gia các khoản đóng góp do huyện phát động như: Ủng hộ Cu Ba, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, ủng hộ trẻ em tàn tật... Nhân dân đã đồng tình hưởng ứng tham gia với số tiền thu được hàng năm trên 5.000.000 đồng. Công tác thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách được tổ chức thường xuyên. Đảng bộ đã giao hai chi bộ trường học tổ chức đỡ đầu 04 gia đình chính sách và chỉ đạo học sinh tham gia chăm sóc, lao động vệ sinh hai nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn xã.
Công tác quốc phòng an ninh luôn được giữ vững. Công tác quân sự được chú trọng quan tâm. Các phương án A1, phòng chống "Diễn biến hòa bình" và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch luôn được tập trung huấn luyện và nâng cao. Công tác sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện pḥòng chống thiên tai được đẩy mạnh đáp ứng tốt nhiệm vụ quân sự được giao. Lực lượng quân sự địa phương được củng cố, đảm bảo tính cơ động sẵn sàng chiến đấu. Công tác tuyển quân hàng năm luôn đảm bảo 100% số lượng và chất lượng. Việc tổ chức huấn luyện dân quân, lực lượng dự bị động viên được thực hiện đúng theo kế hoạch của huyện, kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu. Việc thực hiện kế hoạch tấn công, truy quét tội phạm xã hội của cấp trên được Đảng bộ chỉ đạo chặt chẽ chính quyền và các nghành chức năng. Công tác kiểm tra, xử lý, giải quyết các tệ nạn xã hội được quan tâm. Năm 1996 đã giải quyết 65 vụ vi phạm, với 87 đối tượng gây mất trật tự công cộng. Đến năm 1999 giảm còn 37 vụ, với 42 đối tượng. Công tác cai nghiện được triển khai. Các đối tượng nghiện được đưa đi cai tập trung tại các trung tâm cai nghiện của tỉnh. Do vậy, nạn nghiện hút giảm rõ rệt, từ 23 đối tượng (năm 1996) xuống còn 4 đối tượng (năm 2000). Mặt khác, Đảng ủy và chính quyền xã đã chỉ đạo việc củng cố và duy trì tốt các tổ hoà giải, tổ tự quản an ninh trật tự đi vào hoạt động có hiệu quả. Nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm trong nhân dân. Qua đó, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn xã ổn định, người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã xây dựng quy chế làm việc theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Huyện ủy và thực hiện tốt công tác tuyên truyền quán triệt, học tập Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên và địa phương tới 100% đảng viên, trên 80% lượt quần chúng. Công tác kết nạp đảng viên mới được chú trọng. Đảng bộ xã đã kết nạp được 22 quần chúng ưu tú vào Đảng (đạt 157% kế hoạch). Đảng bộ xã đã đăng cai tổ chức 01 lớp tìm hiểu về Đảng cho 105 quần chúng ưu tú. Trong nhiệm kỳ đã tiến hành tách Chi bộ Tân Tiến thành 02 chi bộ (Tân Lâm và Tân Tiến). Đảng ủy đã phân công Đảng ủy viên phụ trách các Chi bộ thôn và gắn trách nhiệm cấp ủy viên với việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị tại địa bàn thôn phụ trách. Công tác xây dựng, củng cố các Chi bộ Đảng luôn được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Các chi bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên, nội dung sinh hoạt sát thực, cụ thể, trong sinh hoạt dân chủ, có ý thức phê và tự phê. Hàng năm, Đảng bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ kiểm điểm, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên theo hướng dẫn của Huyện ủy gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay". Qua đó, nhằm đánh giá những ưu điểm, tồn tại của từng đảng viên trước chi bộ, từ đó đề ra phương hướng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, chất lượng đảng viên hàng năm luôn được nâng cao; kết quả phân loại qua các năm đạt 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trên 40% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn lại là đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, không có đảng viên yếu, kém. Hàng năm, Đảng bộ đều đạt trong sạch vững mạnh.
Tóm lại, trong giai đoạn 1986 - 2000 Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phát triển liên tục, ổn định và tăng trưởng cao. Văn hóa xã hội có những khởi sắc, quốc phòng được tăng cường và củng cố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Đó là những động lực quan trọng giúp Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang tiếp tục thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong các năm tiếp theo.

II. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo (2000 - 2015)

Trong hai ngày, từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 8 năm 2000, Đại hội Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 đã được tổ chức, dự Đại hội có 110/112 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khoá mới gồm 11 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa VII, đồng chí Đỗ Xuân Tưởng, được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phí Thành Chung, được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Đại hội đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tình hình, khẳng định những thành tích đã đạt được, chỉ rõ những yếu kém, tồn tại cần khắc phục sửa chữa, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những hạn chế, từ đó xây dựng mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (2000 - 2005): Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, lãnh đạo kinh tế phát triển trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, huy động mọi nguồn lực vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền, phát huy ý thức dân chủ của nhân dân; củng cố công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Với các chỉ tiêu phấn đấu, tổng sản phẩm xã hội năm 2005 tăng 2,5 lần so với năm 1999; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14%; tổng sản lượng lương thực có hạt 1.500 tấn; lương thực bình quân đầu người 300kg/người/năm; tỷ trọng kinh tế đến năm 2005, nông - lâm nghiệp chiếm 25%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 20%; thương mại, dịch vụ chiếm 55%.
Nhằm thực hiện những định hướng cơ bản mà Đại hội Đảng bộ xã khoá VII đã đề ra, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã vượt qua những khó khăn thử thách để đạt được nhiều thành tích trên mọi mặt. Từ chỗ xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, giữ một vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong xã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, vì vậy sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc. Nhân dân đã tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, do đó sản lượng lương thực gia tăng theo từng năm. Đến năm 2005, tổng giá trị sản phẩm sản xuất đạt  21,105 tỷ đồng, vượt hơn 06 tỷ đồng so với Nghị quyết Đại hội VII đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17,27%. Sản lượng lương thực có hạt tăng hàng năm. Năm 2000, sản lượng thóc là 612 tấn, sản lượng ngô 203 tấn. Năm 2005 sản lượng thóc đạt 678 tấn, sản lượng ngô 225 tấn, năm 2005 đạt 225 tấn. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2000 đạt 815 tấn, năm 2005 đạt 903 tấn.
Chăn nuôi cũng có sự thay đổi rõ rệt. Sau đợt dịch bệnh (năm 1998 – 1999), đàn trâu của xã bị giảm số lượng lớn (từ 455 con năm 1995 xuống còn 350 con năm 1999). Trước tình trạng đó, Đảng ủy, chính quyền và các ban, nghành, đoàn thể đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân không giết mổ, vận chuyển gia súc đã bị nhiễm bệnh, những con trâu bị bệnh đều cách ly để điều trị. Số gia súc bị chết đã được tiêu huỷ đúng quy trình để tránh dịch bệnh lây lan. Xã đã cử các cán bộ phối hợp với lực lượng thú y thường xuyên bám sát, nắm bắt địa bàn từng thôn, khi phát hiện có gia súc bị bệnh kịp cách ly, điều trị và xử lý. Nhờ có các biện pháp kịp thời nên dịch bệnh đã nhanh chóng dập tắt. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với nhân dân. Để giúp những hộ gia đình có gia súc bị chết do dịch bệnh, xã đã phối hợp với ngân hàng cho các hộ vay vốn để tiếp tục chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tiếp tục phát triển. Năm 2005, tổng đàn trâu, bò toàn xã có 575 con, đàn lợn 2.330 con, đàn gia cầm trên 3.700 con.
Các cây chè, cam tiếp tục được chăm sóc và cho thu hoạch. Diện tích cam với 40 ha, đã cho thu hoạch 12 ha đạt 96 tấn. Diện tích chè với 55 ha cho thu hoạch 192 tấn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
 Lâm nghiệp của xã được phát triển. Công tác tuyên truyền về Luật bảo vệ rừng, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và chăm sóc rừng được triển khai rộng rãi tới toàn thể nhân dân trong xã. Diện tích rừng của xã là 548,9 ha, trong đó rừng trồng là 51,5 ha, độ che phủ của rừng tăng lên từ 48% năm 2000 lên 53,5% năm 2005. Người dân đã có ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được giao khoán và thu hoạch những sản phẩm từ rừng để tăng thêm thu nhập và phục vụ cuộc sống.
Thương mại dịch vụ có những bước tiến mới. Các cửa hàng buôn bán, kinh doanh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: ăn uống, các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh đồ điện tử, xe đạp, xe máy... Tổng giá trị dịch vụ thương mại trên địa bàn đạt 11, 698 tỷ đồng/năm.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển mạnh với sự đầu tư của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân. Trong 5 năm, Đảng bộ luôn nhận thức cao việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong khi tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Ngày 19 tháng 5 năm 2005, cầu Tân Quang bắc qua sông Lô - con cầu mơ ước bao đời của người dân Tân Quang sinh sống tại hai thôn Mỹ Tân, Mục Lạn được khánh thành, với chiều dài 177,35 m, chiều rộng 6 m. Từ đây, giao thông và lưu thông hàng hóa từ trung tâm của xã đi các xã Đồng Tâm, Đồng Tiến được nối liền tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trong xã cũng như các xã trong khu vực.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được Đảng ủy chỉ đạo từ xã đến thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm xã đã xây dựng được 01 nhà văn hoá thôn; tổ chức nhân dân sửa chữa, nạo vét các kênh mương sẵn có, đồng thời tiến hành xây dựng được 07 đập thủy lợi nhỏ và 3,4 km kênh mương mới, phục vụ đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng; làm được 15 km đường bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng.
Công tác giáo dục tiếp tục được củng cố và phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 98%. Năm 2000, xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Năm 2004 đạt chuẩn phổ cập quốc gia giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trường học được nâng cấp với 100% phòng học được xây dựng từ nhà cấp 4 trở lên, đáp ứng nhu cầu cho việc dạy, học tập của giáo viên và các cháu trong xã và các xã lân cận.
Công tác văn hoá đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Phong trào xây dựng làng văn hoá diễn ra sôi nổi trong toàn xã, đã có 02 trong tổng số 08 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh, 679 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp tỉnh và huyện. Bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả, thường xuyên cung cấp báo chí cho các cơ quan và các chi bộ để nắm bắt kịp thời các tin tức thời sự trong, ngoài nước. Thông tin liên lạc được thông suốt, toàn xã có trên 10% hộ có ti vi nghe nhìn, nhiều gia đình có máy điện thoại để trao đổi thông tin, liên lạc. Có thể khẳng định rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế gia đình, phong trào văn hóa thể thao, thông tin đại chúng cũng phát triển nhanh chóng, tạo động lực phấn khởi trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được thực hiện tốt. Việc khám và chữa bệnh được duy trì thường xuyên, Trạm y tế xã đã có nhiều biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng khám và điều trị cho nhân dân như: trồng vườn cây thuốc nam, phối hợp việc chữa bệnh theo y học hiện đại kết hợp với các bài thuốc dân gian. Công tác truyền thông chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình được thực hiện thường xuyên, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn dưới 1%, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 0,7%.  Ngoài ra, y học cổ truyền của xã được củng cố và tiếp tục đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo. Công tác quân sự địa phương luôn đảm bảo, duy trì tốt chế độ huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên, hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân hàng năm. Công tác huấn luyện phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được tổ chức hàng năm, từ đó nâng cao sức chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Thực hiện Nghị định 40/CP lực lượng Công an viên được tổ chức biên chế theo quy định và được hưởng chế độ của Nhà nước, do vậy tinh thần và trách nhiệm được nâng cao. Công tác đấu tranh chống các tệ nạn xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Các đội tự quản về an ninh trật tự tại các thôn đã phát huy tốt vai trò của mình, do vậy trật tự an ninh trật tự luôn được đảm bảo, giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Đảng bộ đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, xác định đây là nhiệm vụ then chốt. Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp và các chính sách của Nhà nước, địa phương được Đảng bộ tổ chức học tập, quán triệt tới 100% cán bộ, đảng viên. Đồng thời, xây dựng các chương trình hành động cụ thể hóa sát với tình hình của địa phương, do vậy đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Công tác đào tạo cán bộ được Đảng bộ chú trọng, trong 5 năm đã cử 05 đồng chí đi học đại học, 32 đồng chí đi học chuyên môn và lý luận chính trị, 63 đồng chí được học lý luận chính trị phổ thông. Ngoài ra, các đồng chí được bầu vào Ban chi ủy của các chi bộ đều được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trình độ lãnh đạo tại cơ sở, đồng thời thực hiện phương châm gắn trách nhiệm cá nhân với nhiệm vụ lãnh đạo. Do đó, trong nhiệm kỳ các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đảng bộ đặc biệt quan tâm, chú trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi bộ cơ sở. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ luôn thực hiện tốt công tác kiểm tra Đảng theo Điều 30 và Điều 32, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam. Công tác phát triển Đảng được đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm (2000 - 2005), Đảng bộ đã kết nạp được 35 đảng viên. Nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ từ 112 (năm 2000) lên 147 đảng viên (năm 2005).
Để bảo đảm hoạt động của các chi bộ được thường xuyên, tạo điều kiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo được tốt, dưới sự hướng dẫn của Huyện ủy, Đảng bộ đã tách Chi bộ trường Tiểu học và trường Mầm non thành 02 chi bộ mới là Chi bộ trường Tiểu học và Chi bộ trường Mầm non. Nâng tổng số chi bộ trong Đảng bộ lên 10 chi bộ.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc đã có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, củng cố chính quyền, các đoàn thể xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động các thành viên và nhân dân học tập chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của các cấp được thực hiện tốt. Các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, kêu gọi quyên góp ủng hộ các gia đình gặp thiên tai, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được đẩy mạnh triển khai.
Các đoàn thể quần chúng tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Với nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, các đoàn thể đã phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh, phát triển đoàn viên, hội viên. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế gắn với phát động các phong trào thi đua thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng bộ xã đã đề ra.
Trong hai ngày, từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 7 năm 2005, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 được triệu tập, có 140/147 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Với chủ đề "Đoàn kết - đổi mới - kỷ cương - phát triển", Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã bầu Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí. Đông chí Nguyễn Viết Thắng được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phí Thành Chung, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đồng chí Nguyễn Văn Diễm, ủy viên Ban Thường vụ,Thường trực Đảng ủy.
Đại hội đã đánh giá những kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá VII, nhiệm kỳ (2000 - 2005), đồng thời nghiêm túc kiểm điểm những mặt hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, Đại hội đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2005 - 2010 là: Tập trung khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của xã, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, của huyện để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế phấn đấu tổng giá trị sản phẩm đạt 46,26 tỷ đồng, sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 1.148 tấn, bình quân lương thực đạt 431kg/người/năm; tỷ trọng cơ cấu kinh tế đến năm 2010 nông nghiệp chiếm 30% (trong đó ngành trồng trọt chiếm 65%, chăn nuôi chiếm 35%), dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp chiếm 70%; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn 1,7%;  thu nhập đầu người đạt 10,13 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 912 triệu đồng; huy động 100% lao động công ích tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, 8/8 thôn có đường bê tông; 8/8 thôn có nhà văn hóa thôn; giảm tỷ lệ sinh tự nhiên còn dưới 1%; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia;  tỷ lệ sử dụng máy điện thoại đạt 1/50 người dân; huy động 99,7% học sinh trong độ tuổi đến trường. Phấn đấu xã đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Trung học phổ thông; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ xã, phấn đấu 43% cán bộ có trình độ Đại học, còn lại trình độ Cao đẳng, trung cấp chuyên môn hoặc trung cấp lý luận chính trị; 100% Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, kết nạp thêm 30 đảng viên; Đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010), với quyết tâm cao, Đảng bộ xã Tân Quang đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết, đồng thời tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết các cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung thâm canh sản xuất theo hướng hàng hoá. Trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập từ phát triển kinh tế hộ. Toàn xã đã thực hiện chuyển đổi được 13 ha đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống lúa mới vào sản xuất đạt 70% diện tích, cây ngô mới đạt trên 80% diện tích; năng suất lúa tăng bình quân 10 tạ/ha, năng suất ngô tăng 9 tạ/ha so với năm 2005. Tổng sản lượng cây có hạt (lúa, ngô) năm 2009 đạt 1.727 tấn, tăng 627 tấn so với năm 2005. Bình quân lương thực đầu người trong năm 2009 đạt 360 kg, tăng 117 kg so với năm 2005.
Về phát triển lâm nghiệp, hàng năm xã đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân ở các thôn về việc chấp hành luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên diện tích rừng của xã luôn được đảm bảo. Toàn xã có 431,43 ha rừng, trong đó có 164,76 ha rừng tự nhiên, 145,2 ha rừng trồng, 121,5 ha rừng trồng theo dự án 661. Diện tích rừng và đất rừng đều giao khoán cho nhân dân quản lý, độ che phủ của rừng năm 2009 đạt 75% (tăng 15% so với năm 2005). Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên rừng được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tái tạo rừng.
Về chăn nuôi, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay phát triển đàn trâu bò, hàng hoá và chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo. Công tác phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, chính vì vậy đàn gia súc, gia cầm của xã tăng trưởng khá. Năm 2009, tổng đàn trâu, bò có 305 con, đàn lợn có 2.740 con, đàn gia cầm có 22.500 con. Sản phẩm thu được đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng là lĩnh vực được quan tâm, Đảng bộ đã chỉ đạo, khuyến khích nhân dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích ao của các hộ gia đình để nuôi trồng các loại giống cá có năng xuất cao, Triển khai, việc nuôi thí điểm cá lồng trên sông Lô cho 05 hộ tại thôn Mục Lạn được tích cực triển khai.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được quan tâm và có bước phát triển. Toàn xã có 05 cơ sở chế biến gỗ đóng nội thất và sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu cần thiết trong nhân dân trong và ngoài xã. Các nghề truyền thống như: sản xuất bánh gai, giò chả, nhuộm vải được duy trì và phát triển.
Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được Đảng bộ quan tâm và đầu tư đúng mức. Trong những năm 2005 - 2010, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, các công trình trường học, trạm y tế, trụ sở xã đều được đầu tư xây dựng, sửa chữa đáp ứng được nhu cầu vật chất phục vụ cho việc học tập, chữa bệnh và làm việc. Đến nay, hệ thống trường học của xã đã có 07 nhà xây 2 tầng với 42 phòng học, có 13 nhà xây cấp 4 với 26 phòng học, trạm xá xã xây 2 tầng, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã xây 2 hai tầng, 1 nhà cấp 4 và 1 nhà văn hoá xã, đảm bảo đủ phòng làm việc cho cán bộ. Ngoài ra, hàng năm xã đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác thực hiện  nhiệm vụ của cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Qua thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong những năm 2005 - 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn xã đã làm được 1.420 m đường bê tông, nâng cấp được 01 tuyến đường, mở 01 tuyến đường mới, làm mới được 1.260m kênh mương.
 Về công tác tài chính - tín dụng, hàng năm công tác thu, chi ngân sách được triển khai đúng luật và đảm bảo thu đúng, thu đủ. Trong năm 2009, tổng thu ngân sách toàn xã đạt 630 triệu đồng (tăng 129 triệu đồng so với năm 2005). Việc quản lý thu, chi ngân sách được thực hiện đúng luật kế toán thống kê, luật ngân sách và thực hiện nghiêm túc pháp lệnh thực hành tiết kiệm  chống lãng phí.
Mạng lưới hoạt động dịch vụ, thương mại không ngừng được mở rộng. Toàn xã có 118 hộ kinh doanh dịch vụ và 48 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động thương mại - dịch vụ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa trong và ngoài địa phương.
Công tác giáo dục được củng cố và phát triển, có bước chuyển biến rõ nét cả về quy mô trường lớp, chất lượng và hiệu quả. Đến năm 2010,  toàn xã có 03 đơn vị trường học với 63 lớp và 1.488 học sinh, chất lượng giáo dục được nâng cao. Công tác khuyến học được quan tâm đúng mức, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 100%. Tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 95%. Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm, giữ vững trường chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi.
Lĩnh vực văn hoá thông tin, thể dục thể thao chuyển biến tích cực, hệ thống truyền thanh FM được đầu tư và tu sửa đã góp phần trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân. Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá được triển khai đồng bộ. Đến năm 2010, toàn xã được 997/1.167 hộ đạt gia đình văn hoá và 7/8 thôn đạt thôn văn hóa, xã đã được công nhận là xã văn hoá. Phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển trên các thôn góp phần khơi dậy, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc. Phong trào thể dục thể thao phát triển từ xã đến thôn. Toàn xã có 08 đội bóng đá, bóng chuyền, hoạt động với nhiều nội dung phong phú, tổ chức thi đấu giao lưu trong và ngoài xã trong các dịp lễ tết, có 20 gia đình được công nhận gia đình thể dục thể thao.
Công tác y tế đã có những chuyển biến tích cực. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Chương trình y tế quốc gia được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh được tăng cường đầu tư. Trạm y tế đã chú trọng phương pháp chữa bệnh theo đông tây y kết hợp. Việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc theo quyết định 139/CP của chính phủ được thực hiện tốt. Trong năm 2008 đã vận động nhân dân trong xã tham gia mua sổ theo dõi sức khoẻ cho hộ gia đình đạt 100% số hộ. Công tác truyền thông dân số – gia đình - trẻ em và lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, hạn chế việc sinh con thứ 3 được đẩy mạnh. Trong 5 năm 2005 - 2010 có 09 trường hợp sinh con thứ 3, vì các gia đình có con bị khuyết tật bẩm sinh. Toàn xã duy trì mức sinh tự nhiên hàng năm là 1%. Đồng thời công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 19,3% năm 2005 xuống còn 14,56% năm 2009. Tỷ lệ trẻ tiêm đủ 6 loại vắc xin phòng bệnh đạt 100%. Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt.
Công tác chăm lo đến đời sống các gia đình chính sách và người có công với cách mạng được Đảng bộ quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng của huyện đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với các trường hợp còn tồn đọng như: chế độ chính sách đối với thương bệnh binh, cán bộ tiền khởi nghĩa, người bị nhiễm chất độc da cam. Tổ chức vận động nhân dân, những người hảo tâm quyên góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa để tặng quà cho các gia đình chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo nhân ngày thương binh liệt sĩ, ngày lễ, dịp tết nguyên đán.
Ngoài ra, Đảng bộ còn chỉ đạo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay thông qua các dự án, các tổ chức đoàn thể để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân đồng thời từng bước đẩy mạnh xã hội hoá công tác xoá đói, giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ xoá đói giảm nghèo. Qua đó, tỷ lệ hộ giàu từ 17% năm 2005 tăng lên 31,1% năm 2009, xoá xong hộ nghèo vào tháng 2 năm 2008. Để có thành tích trên là sự phấn đấu, nỗ lực, thành công lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân trong suốt thời gian qua.
 An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững và ổn định, các tệ nạn xã hội giảm đáng kể. Nhiệm vụ xây dựng và củng cố lực lượng an ninh trên địa bàn luôn được Đảng bộ xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao 8/8 thôn xây dựng được quy ước bảo vệ an ninh trật tự, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động của 22 tổ dân cư tự quản về an ninh trật tự và 08 tổ hoà giải trên địa bàn các thôn. Công tác quân sự quốc phòng được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Việc củng cố, huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm đạt 100% kế hoạch và đảm bảo chất lượng cao, quản lý tốt quân dự bị động viên. Công tác tuyển quân hàng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, duy trì nghiêm túc chế độ trực, chủ động xây dựng tốt phương án A1, A2 bảo vệ cơ sở sát với tình hình thực tế của địa phương.
Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Các chủ trương, đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước được tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Số đảng viên tham gia học tập bình quân hàng năm đạt 98%, nhân dân tham gia học tập đạt 75%. Qua các đợt học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có chuyển biến tích cực, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng, củng cố các chi bộ được Đảng bộ quan tâm và xác định là nhiệm vụ then chốt. Trong những năm 2005 - 2010, Đảng bộ đã thành lập 01 chi bộ (chi bộ cơ quan xã), tập chung chỉ đạo, củng cố để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức chi bộ Đảng. Số chi bộ Đảng đạt trong sạch, vững mạnh năm 2008 là 10 chi bộ, tăng 2 chi bộ so với năm 2005, không có chi bộ yếu kém. Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng cho cán bộ từ xã đến thôn được chú trọng và quan tâm. Trong những năm qua đã cử 04 đồng chí tham gia học lớp trung cấp lý luận chính trị, 52 đồng chí tham gia học lớp sơ cấp lý luận chính trị và 32 đồng chí tham gia học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và công tác Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được quan tâm và tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nề nếp, trọng tâm là kiểm tra việc triển khai tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp Đảng các cấp, công tác sinh hoạt Đảng, công tác thu, chi đảng phí, công tác kết nạp đảng viên... đối với các chi bộ. Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát theo điều 30 được 9 cuộc và theo điều 32 được 23 cuộc đối với 11 chi bộ và 33 đảng viên. Công tác kiểm tra được thực hiện tốt đã góp phần giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống đồng thời có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phát triển Đảng được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, thực hiện đúng quy định của Trung ương, của tỉnh và huyện, trong những năm qua, Đảng bộ xã đã kết nạp được 23 đồng chí đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ 170 đồng chí.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW, ngày 7/11/2006 của Bộ chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Ban thường vụ Đảng ủy đã xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương. Từ năm 2007 đến năm 2010, Ðảng bộ xã đã tổ chức quán triệt, học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân 7 chuyên đề[9] với trên 4.500 lượt người tham gia, đạt trên 90% dân số. Cuộc vận động đã được toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, tạo ra một phong trào có sức lan tỏa lớn, có tác dụng làm thay đổi nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua các năm thực hiện, xã đã có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tôn vinh hàng năm và được các cấp khen thưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 Hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân xã dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đi vào nề nếp và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Các chủ trương, chính sách của Đảng đã được Hội đồng nhân dân xã cụ thể hoá bằng những Nghị quyết sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao, đã khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực trong tầng lớp nhân dân, đồng thời tranh thủ có hiệu quả sự quan tâm đầu tư của Nhà nước tổ chức xây dựng các chương trình dự án, phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết những khó khăn trong nhân dân được tăng cường, từng bước đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hiệu quả của công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ.
Hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội không ngừng được củng cố về tổ chức, đổi mới về phương thức hoạt động. Công tác tuyên truyền vận động, tập hợp hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua; phối hợp với các ban ngành tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các cuộc vận động lớn như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phong trào “Thi đua yêu nước”; phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Thanh niên lập nghiệp – tuổi trẻ giữ nước”, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Các phong trào trên đã thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của toàn xã phát triển mạnh.  
 Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, ngày 11 tháng 5 năm 2007 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba trong việc "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2002 đến năm 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đây là một thành quả của sự cố gắng, nỗ lực hết mình của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã, đồng thời là động lực quan trọng giúp Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, ra sức phấn đấu vượt mọi khó khăn trong công cuộc phát triển kinh tế -  xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Trong hai ngày, từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 3 năm 2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã được tiến hành. Dự  Đại hội có 120 trong tổng số 170 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Đại hội đã tổng kết, đánh giá, thảo luận và chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2005 - 2010); đề ra phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.
 Với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Kỷ cương - Phát triển bền vững”. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Ðảng bộ khoá IX gồm 15 đồng chí. Hội nghị Ban chấp hành Đảng ủy lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ 05 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Triệu Thị Đính, Phó Bí thư thường trực; Đồng chí Phạm Hồng Quang, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Đồng chí Triệu Giàu Lìn, Ủy viên Ban thường vụ kiêm Trưởng công an; Đồng chí Trịnh Minh Khương, Ủy viên Ban thường vụ kiêm chỉ huy Trưởng ban chỉ huy quân sự xã. Đại hội cũng bầu 04 đồng chí tham dự Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang lần thứ XXI.
 Đại hội đã thống nhất những nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ (2010 - 2015) là: Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, lao động để phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; vận dụng một cách sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thực tế của địa phương. Tiếp tục phát huy nội lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh phong trào xã hội hoá giáo dục, y tế, văn hoá - thông tin, xoá đói - giảm nghèo; giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố, đổi mới phương thức điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
Đồng thời xác định mục tiêu chủ yếu trong 5 năm (2010 – 2015): Tổng sản phẩm xã hội 152 tỷ đồng, trong đó giá trị thương mại – dịch vụ 103,3 tỷ, giá trị công nghiệp xây dựng 33,3 tỷ, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp 15,2 tỷ; tốc độ tăng trưởng bình quân 17%; tỷ trọng cơ cấu kinh tế thương mại – dịch vụ 68 %, công nghiệp xây dựng 22%, sản xuất nông – lâm nghiệp 10%;  thu nhập  bình quân đầu người 29,5 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực quy thóc 2.202 tấn; lương thực bình quân đầu người/ năm đạt 426 kg; giá trị bình quân trên đơn vị canh tác 50 triệu đồng/ha; tổng thu thuế và phí 1.500 triệu; thu xây dựng kết cấu hạ tầng 1.300 triệu; phấn đấu 85% tỷ lệ hộ giàu, xoá nghèo bền vững; tỷ lệ hộ dùng điện lưới 95%; tỷ lệ hộ dùng điện thoại 90%; tỷ lệ hộ có ô tô 15%; tỷ lệ hộ có xe máy 85%; phấn đấu 87%  hộ gia đình văn hoá; huy động trẻ trong độ tuổi (6 – 14 tuổi) đến trường đạt 100%, tỷ lệ trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo đạt 85%,  tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%;  tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,5%; độ che phủ của rừng đạt 75%; phấn đấu xã trở thành thị trấn trong nhiệm kỳ 2010 - 2015; kết nạp đảng viên mới 50 đảng viên; 11/11 chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh hàng năm. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Đảng bộ đã thống nhất các giải pháp thực hiện.
Sản xuất nông, lâm nghiệp: Chỉ đạo nhân dân đưa 100% các loại giống mới vào sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Chú trọng công tác chăn nuôi, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo hàng năm đàn gia súc tăng từ 5% trở lên. Tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại. Làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Chú trọng việc chỉnh trang đô thị, quy hoạch tổng thể, phấn đấu đưa xã Tân Quang trở thành đô thị loại V. Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai, công tác thu ngân sách trên địa bàn.
Chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, tiếp tục mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân, phát huy phương pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền gắn với Y học hiện đại.
 Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới". Phấn đấu có trên 85% số hộ đạt gia đình văn hóa, xã được công nhận xã văn hóa.
 Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.
Đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng Đảng, chú trọng công tác phát triển đảng viên mới, ưu tiên phát triển Đảng trong lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên và người dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 80% cán bộ công chức xã có trình độ chuyên môn Đại học và 70% có trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên. Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tháng 12 năm 2013, thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ của Ban thường vụ Huyện ủy Bắc Quang, đồng chí Nguyễn Viết Thắng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân được luân chuyển nhận công tác khác. Đồng chí Trần Ngọc Hùng Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành được luân chuyển về tham gia Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ và chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.
Trong những năm 2010 - 2015, Đảng bộ xã Tân Quang đã lãnh đạo nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa IX trong bối cảnh hết sức khó khăn. Sự đầu tư của Nhà nước hạn chế bởi chính sách cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, lạm phát nền kinh tế những năm đầu nhiệm kỳ đã đẩy giá cả các mặt hàng tăng cao, tình hình trật tự xã hội và an ninh tôn giáo phức tạp; thời tiết khí hậu khắc nhiệt, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa IX đề ra được thực hiện tốt.
 Kinh tế trên địa bàn xã tiếp tục được tăng trưởng với tộc độ khá cao. Cơ cấu kinh tế có những bước chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ ước tính đạt 93,1 tỷ đồng, chiếm 69% cơ cấu nền kinh tế. Toàn xã có 250 hộ buôn bán kinh doanh dịch vụ (tăng 93 hộ so với nhiệm kỳ trước). Các loại hình kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, nhà nghỉ khách sạn, vận tải. Xã đã phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện tốt việc quản lý thị trường, thu thuế kinh doanh theo quy định, kêu gọi xã hội hóa trên 300 triệu đồng để chỉnh trang, tu sửa, nâng cấp chợ trung tâm. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 29,7 tỷ đồng, chiếm 22% cơ cấu kinh tế. Số lượng, chất lượng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được nâng lên. Hàng năm, các cơ sở sản xuất trên địa bàn chế biến trên 2.100 tấn chè búp tươi, 2.160 tấn lá giang, sản xuất khoảng 825 ngàn viên gạch bê tông, sản xuất gỗ bóc 3.600 m3, khai thác trên 13m3 cát sỏi, sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm đồ sắt, đồ thủ công mỹ nghệ. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho 22.464 lượt lao động.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến lâm, thủy lợi được coi trọng. Toàn xã mở 54 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Vận động nhân dân áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Toàn xã có 161 ha đất lúa, 170 ha đất trồng ngô. Năng suất bình quân đạt 58,8 tạ/ha đối với cây lúa (tăng 3,7 tạ so năm 2010), cây ngô đạt 38,5 tạ/ha (tăng 7,5 tạ so với năm 2010). Giá trị sản xuất bình quân/1ha đất canh tác đạt 48,2 triệu đồng/năm. Tổng sản lượng cây có hạt đạt 1.506 tấn, tăng 295,5 tấn so với năm 2010 và 56,3 tấn so với Nghị quyết. Trồng mới 07 ha chè trên diện tích đất rừng kém hiệu quả, vận động nhân dân đầu tư, chăm sóc để nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập từ cây chè, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt 1.776 tấn. Xã đã đưa vào khảo nghiệm 05 mô hình, trong đó có 04 mô hình trồng trọt: trồng rau an toàn trong nhà lưới, trồng cà chua, trồng nấm rơm và trồng cam vinh.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm có sự chuyển dịch từ mục tiêu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh được nhân dân quan tâm. Tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc đạt 72% đến 99%. Tốc độ phát triển đàn gia súc, gia cầm ổn định. Năm 2015, tổng đàn trâu, bò có 320 con, đàn lợn có 3.240 con, đàn dê có 45 con, gia cầm, thủy cầm có 29.500 con. Xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi trâu hàng hóa gồm 12 hộ tham gia, vận động 32 hộ nuôi lợn sinh sản theo hình thức tập trung, quy mô mỗi hộ nuôi từ 2 đến 4 lợn nái. Từ việc nuôi lợn sinh sản, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về con giống cho nhân dân.
Công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm thực hiện hiệu quả, không để xảy ra tình trạng cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc tốt diện tích rừng trồng, bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khai thác rừng trồng đúng quy trình, trồng mới 22 ha rừng sau khi khai thác, không để đất trống đồi núi trọc. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị đã huy động được 13.645 công lao động của nhân dân để tham gia mở mới trên 07 km đường đất, đổ bê tông 700 mét đường giao thông, xã hội hóa được 170 triệu đồng xây dựng cầu Lùng Thàm. Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" làm điểm tại thôn Mỹ Tân được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn xã đã đạt 15/19 tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, Đảng bộ xã vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị, xã hội hóa để nâng cấp chợ, trang trí đèn hoa, làm cột cờ hộ gia đình, cắt tỉa cây xanh, sắp xếp biển quảng cáo và chỉ đạo thành lập các nhóm hộ dân cư, các chi đoàn, chi hội tự quản về chỉnh trang hè phố, hình thành nếp sống đô thị.
Việc thực hiện các chương trình, đề án của cấp trên về hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn sử dụng hòm thư điện tử M.office vào công tác văn phòng. Vận động nhân dân mua sắm máy móc, thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã được nhân dân quan tâm; điển hình là thôn Mỹ Tân đã dùng điện thắp sáng ban đêm để điều chỉnh quá trình phát triển và thời vụ cho một số cây trồng. Toàn xã đã được phủ sóng truyền hình và sóng thông tin. Tỷ lệ nhân dân lắp đặt Internet là 40%, tăng 22% so năm 2010; tỷ lệ hộ dùng điện thoại đạt 93%, tăng 28% so với năm 2010; tỷ lệ hộ dùng máy vi tính đạt 20%, tăng 15% so với năm 2010.
Xã đã hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030. Các vụ việc tranh chấp đất đai được giải quyết kịp thời, không để khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh để hoàn thành việc xây dựng Đề án quy hoạch đô thị loại V. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đảm bảo vệ sinh môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm về môi trường; phối hợp với Công ty dịch vụ vệ sinh môi trường công cộng để làm tốt công tác vệ sinh môi trường; chủ động đối phó với tình hình bão lũ, giảm nhẹ thiên tai.  
Sự nghiệp giáo dục của xã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất tại các trường thường xuyên được sửa chữa. Hàng năm huy động trẻ đến trường đạt 90% - 100%, tỷ lệ học sinh thi chuyển lớp đạt 97,7%, học sinh thi chuyển cấp đạt 100%, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 36,8%, khá 29,3%; giáo viên giỏi cấp trường 28 đồng chí, giáo viên giỏi cấp huyện 07 đồng chí, giáo viên giỏi cấp tỉnh có 02 đồng chí. Công tác khuyến học, khuyến tài và hoạt động của Hội phụ huynh học sinh ngày càng có hiệu quả. Xã đã đạt phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì phổ cập Tiểu học và Trung học cơ sở đúng độ tuổi. Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Sở giáo dục tỉnh Hà Giang, trường cấp II - III Tân Quang đã tách thành hai trường, trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông xã Tân Quang.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của xã được quan tâm. Qua đó, trình độ chuyên môn, chính trị của đội ngũ cán bộ được nâng cao hơn so với những năm trước. Xã đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện thực hiện tốt công tác bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ xã, cán bộ thôn được 95 lượt người.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Toàn xã có 1.056 hộ được công nhận đạt gia đình văn hóa, đạt 83%. 100% các thôn và cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn xã đều được công nhận thôn và cơ quan văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được thực hiện tốt. Phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao được phát triển cả số lượng và chất lượng. Xã đã lắp đặt 06 cụm truyền thanh, 90% số hộ dân được nghe tuyên truyền hằng ngày. Trong những năm 2010 - 2015 xã đã tổ chức tuyên truyền được 318 các tin, bài và duy trì tốt việc tiếp sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam vào buổi sáng, buổi chiều tại xã.
Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em có những chuyển biến mới. Các trang thiết bị được đầu tư đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trạm y tế xã đã phối hợp với Hội đông y thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân với phương pháp tổng hợp. Toàn xã có 04 cơ sở bán thuốc tân dược và 01 phòng khám đa khoa được cấp phép hoạt động đúng quy định pháp luật. Công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh suy dinh dưỡng trẻ em thực hiện tốt, đã vận động 71,42% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ trẻ em tiêm chủng và uống Vitamin hàng năm đạt 92% trở lên; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 9,73% (giảm 3,92% so với năm 2010). 100% số trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo đều được hưởng bảo hiểm y tế. Duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã ở mức 1%. Năm 2012, xã được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Công tác xã hội đã trở thành phong trào toàn dân. Phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" đã trở thành ý thức trong toàn xã hội. Hàng năm, xã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách và gia đình có công với cách mạng nhân dịp các ngày lễ, tết, xóa 08 nhà tạm cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh, số hộ khá giàu đạt trên 60%. Công tác quyên góp ủng hộ các cuộc vận động được đẩy mạnh và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thực hiện.
Công tác thu, chi ngân sách được thực hiện công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tổng thu ngân sách hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao. Tăng cường tiết kiệm chi, chống tham nhũng, lãng phí. Xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát triển Nông Thôn cho 982 lượt hộ, với số vốn là 44,907 tỷ đồng, số dư nợ quá hạn là 450,2 triệu đồng, chiếm 1% tổng số dư nợ. Qua đó, đã cơ bản đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.    
Công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm lãnh đạo. Hàng năm ngoài việc thực hiện các Kế hoạch, Chỉ thị của cấp trên, Đảng bộ đã tập trung xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác quân sự - quốc phòng, an ninh, làm tốt công tác củng cố và xây dựng lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên. Công tác giáo dục kiến thức quốc phòng được nâng cao chất lượng, đảm bảo đầy đủ về vật chất, phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho huấn luyện, diễn tập hàng năm. Công tác tuyển quân được thực hiện tốt, đã khám chọn 13 thanh niên lên đường nhập ngũ bảo đảm 100% chỉ tiêu huyện giao; chuẩn bị phương tiện và biên chế 119 người, sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Phòng chống có hiệu quả âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội; tăng cường sự phối hợp giữa công an, quân sự theo Nghị định số 74 và 77 của Chính phủ. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, tuy nhiên vẫn còn có hạn chế như sử dụng pháo nổ trong dịp tết và tai nạn giao thông. Ban công an xã đã chủ động triển khai các đợt cao điểm trong việc phòng ngừa, tấn công, trấn át tội phạm; chỉ đạo kiện toàn và duy trì hoạt động các tổ hòa giải, tổ tự quản về an ninh trật tự; tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và quản lý các đối tượng, thực hiện tốt việc trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Tình hình hoạt động của các tôn giáo luôn được giữ vững. Hàng năm Giáo xứ Tân Quang, Hội đoàn Phật tử và Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Trần đều đăng ký chương trình hoạt động theo quy định. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo - tín ngưỡng được thực hiện hiệu quả; động viên nhân dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, không bị tác động bởi kẻ xấu tuyên truyền, kích động; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện do cấp ủy phát động.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo, quán triệt theo Kế hoạch số 53-KH/HU, ngày 11-11-2011 của Huyện ủy Bắc Quang về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên giai đoạn 2011-2015. Đảng bộ xây dựng Quy chế làm việc, nâng cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lấy sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu làm tiêu chí để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức xã theo hướng gần dân. Đảng bộ xã đã giao cho từng cấp ủy viên phụ trách chi bộ, cán bộ, công chức xã phụ trách Ban quản lý thôn, nâng cao chất lượng, phát huy tinh thần dân chủ trong các cuộc họp. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Đề án 145 của Tỉnh ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của các Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn tỉnh Hà Giang", Đảng ủy đã phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách công tác giáo dục chính trị, tư tưởng từng chi bộ; nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của nhân dân để định hướng dư luận xã hội. Tổ chức quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt 98%, nhân dân tham gia học tập đạt 87%, đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, tăng cường sự thống nhất giữa ý chí và hành động trong toàn xã hội.
Đảng ủy đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân quán triệt, học tập các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hướng dẫn các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, bản đăng ký cam kết về thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống gắn với nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo chi bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên sửa chữa khuyết điểm. Trong những năm 2010 - 2015, cấp ủy đã quyết định kỷ luật cảnh cáo 01 đảng viên; phê bình 01 đồng chí do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương, làm gương của đội ngũ cán bộ xã, thôn. Thông qua việc rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo được quan tâm, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân được xác định rõ ràng. Trong những năm qua, cấp ủy đã khen thưởng 71 cá nhân, 32 tập thể và đề nghị Huyện ủy khen 07 cá nhân, 02 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác đánh giá, phân tích chất lượng chi bộ, đảng viên hàng năm được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Năm 2011, 10/12 chi bộ trong sạch vững mạnh; năm 2013 có 12/12 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh; năm 2014 có 10/12 chi bộ trong sạch vững mạnh. Đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 70 đến 75%. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, trong những năm 2010 - 2015 đã cử 66 quần chúng ưu tú tham gia học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, đề nghị kết nạp 38 đảng viên mới, nâng số đảng viên lên 208 đồng chí. Năm 2015, Đảng bộ xã thành lập 01 chi bộ mới, nâng tổng số chi bộ lên 13 chi bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức, nội dung và chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát ngày càng được nâng lên, đã kiểm tra, giám sát được 22 cuộc. Sau kiểm tra, giám sát đã có kết luận, chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế để chi bộ, đảng viên khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng còn tồn tại những hạn chế như: công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ chưa kịp thời, việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên chưa đủ mạnh. Sự nêu gương của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa có chiều sâu, kết quả khắc phục, sửa chữa khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chưa thực sự hiệu quả.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đã thực hiện tốt vai trò chức năng nhiệm vụ như nghiêm túc tổ chức thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn". Chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Các kỳ họp được tổ chức theo đúng quy định của Luật. Hoạt động kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri được đẩy mạnh, có chất lượng. Trong những năm qua, đã tổ chức 10 kỳ họp, triển khai 18 cuộc giám sát, 62 cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp thu 386 ý kiến kiến nghị của cử tri để chuyển cho các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Ủy ban nhân dân xã đã cụ thể hóa Nghị quyết của Ðảng bộ, Hội đồng nhân dân các cấp bằng các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy năng lực, sở trường của từng đồng chí cán bộ, công chức trong quá trình giao nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các thôn; duy trì lịch tiếp dân, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để khiếu kiện tập thể, kéo dài. Kịp thời chỉnh sửa Quy chế làm việc phù hợp với đặc điểm, tình hình công tác. Chỉ đạo niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính cấp xã tại phòng "Một cửa" để nhân dân biết và thực hiện. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phân công cán bộ, công chức xã giải quyết các công việc hành chính theo đúng chức năng, thẩm quyền; mở sổ theo dõi việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày. Cải tạo, nâng cấp phòng giao dịch hành chính "Một cửa" đi vào hoạt động hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý các loại văn bản hành chính tạo điều kiện cho nhân dân, các doanh nghiệp đến giao dịch thuận lợi. Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên hoạt động điều hành của chính quyền xã chưa có bước "đột phá" trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, địa phương và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh, phát động các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới, phát triển hội viên, xây dựng quỹ hội, thành lập tổ vay vốn phát triển sản xuất, nêu cao vai trò giám sát và phản biện xã hội... Qua đó, đã góp phần quan trọng trong chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân. Đến năm 2015 Hội Nông dân có 356 hội viên, sinh hoạt tại 08 chi hội. Hội Phụ nữ có 417 hội viên, Hội Cựu chiến binh có 190 hội viên, Đoàn Thanh niên có 145 đoàn viên. Toàn xã có 74 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân từ 200 - 400 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung toàn xã. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chậm đổi mới; các phong trào thi đua yêu nước thiếu chiều sâu, hiệu quả thi đua hạn chế. Chất lượng sinh hoạt chi hội, chi đoàn chưa thực sự đạt hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy Hà Giang và Huyện ủy Bắc Quang về tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Trong 02 ngày, ngày 18 đến ngày 19 tháng 5 năm 2015 Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Tân Quang lần thứ X được triệu tập, có 120 đại biểu đại diện cho 208 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương - Tư duy sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Phát triển toàn diện", Đại hội đã đánh giá thành tựu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ (2010 - 2015), thống nhất những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ khóa X gồm 17 đồng chí, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ lần thứ nhất đã bầu Ban thường vụ gồm 05 đồng chí. Đồng chí Trần Ngọc Hùng được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phạm Thị Hà được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy. Đồng chí Phạm Hồng Quang được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đồng chí Vương Ngọc Tuyên, Ủy viên Ban thường vụ kiêm trưởng công an xã. Đồng chí Nguyễn Hoàng, Ủy viên Ban thường vụ kiêm xã đội trưởng.
Đại hội xác định mục tiêu tổng quát: "Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị; đề cao sự sáng tạo, cách làm mới, cách làm hiệu quả của mỗi tổ chức, cá nhân. Mở rộng dân chủ đi đôi với chấp hành kỷ cương. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, hiệu quả điều hành của Ủy ban nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Phát huy mọi nguồn lực để tập trung xây dựng đô thị; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai và tôn giáo, tín ngưỡng; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố công tác quân sự quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 Tân Quang đạt tiêu chí đô thị loại V" 3 khâu đột phá đó là: Đột phá trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đột phá trong xây dựng đô thị; Đột phá trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung.
Với các chỉ tiêu chủ yếu: Giá trị sản xuất ngành dịch vụ, thương mại đạt 109 tỷ đồng; ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 34,8 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 14,2 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lúa, ngô đạt 1.794 tấn; giá trị sản xuất/01 ha đất canh tác đạt 51 triệu đồng; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 7,5%; duy trì xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ từ 0 - 2 tuổi đi nhà trẻ 60%; tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98%; tỷ lệ trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường 100%; phấn đấu Trường Mầm non, Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 65%; phấn đấu xã cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí hiện nay); tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 85% trở lên; 100% các thôn và cơ quan trực thuộc giữ vững danh hiệu văn hóa; Cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; phấn đấu trên 50% số thôn được công nhận thôn tự chủ tự quản. Hàng năm, phấn đấu có ít nhất 11 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, kết nạp từ 05 đảng viên mới trở lên. Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Đảng bộ thống nhất các giải pháp tổ chức thực hiện: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu "Đột phá" trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác khuyến nông, khuyến lâm, thủy lợi, thú y và dịch vụ vật tư nông nghiệp. Chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu và bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường áp dụng cơ giới hóa, dịch vụ hóa vào quá trình sản xuất nông nghiệp theo phương án "5 cùng". Tổ chức thành lập các Tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi; tạo sự liên doanh, liên kết giữa khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Quy hoạch khu trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại thôn Mỹ Tân, gắn với thực hiện tiêu chí "Nhà sạch, vườn đẹp". Mở rộng quy mô nuôi trâu hàng hóa, nuôi lợn không mùi. Tập trung thực hiện "điểm" để triển khai đề án thôn tự chủ, tự quản tại thôn Mỹ Tân, Nghĩa Tân; phấn đấu đến năm 2020 ít nhất có 06 thôn đạt tiêu chí thôn Tự chủ, tự quản. Kịp thời trồng rặm, trồng bổ sung diện tích rừng sau khi khai thác kết hợp công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Về phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, tạo cơ chế thông thoáng trong quá trình giải quyết vốn vay cho sản xuất, kinh doanh. Tham mưu cho UBND huyện thu hồi đất khu hội trường thôn Vinh Quang, mở rộng diện tích chợ trung tâm, dần hình thành chợ đầu mối để cung cấp nguồn hàng cho huyện Su Phì, Xín Mần và các xã lân cận. Khuyến khích mở mới các siêu thị gia đình, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ phục vụ cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; nâng cao chất lượng phục vụ của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn xã. Khôi phục làng nghề làm bánh gai, lấy lại uy tín trên thị trường.
Vận động nhân dân đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết để nâng cao hiệu quả, chất lượng sao sấy chè, sao sấy lá giang, gỗ bóc, sản xuất gạch. Thành lập các tổ thợ xây dựng để đưa vào quản lý, thu thuế xây dựng cơ bản theo quy định pháp luật. Quản lý tốt các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
 Tăng cường công tác vận động nhân dân để người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo thực hiện tốt tiêu chí về đường giao thông, về hình thức sản xuất, về môi trường và về xây dựng hệ thống chính trị; phấn đấu đến năm 2020 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo bước "Đột phá" trong phát triển đô thị: Tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước, chủ động phát huy nội lực để mở mới, tu sửa, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xóm, nhà văn hóa thôn, hệ thống đường điện, công trình kênh mương, dịch vụ cấp nước sạch... Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch chi tiết trong xây dựng đô thị. Tập trung chỉ đạo đặt tên đường phố, cắt tỉa cây xanh, sắp xếp biển quảng cáo theo đúng quy định; thực hiện mô hình tự quản về chỉnh trang hè phố. Phấn đấu đến năm 2020 xã Tân Quang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.
 Tiếp tục phát triển thương mại - dịch vụ để tạo nguồn thu, tăng cường công khai các hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước và các khoản đóng góp của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc dự toán thu, chi ngân sách theo kế hoạch huyện giao; ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ theo hình thức khoán chi, tạo ý thức tự giác của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phối hợp với các Ngân hàng để thực hiện có hiệu quả các hoạt động tín dụng, đáp ứng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh cho nhân dân phát triển kinh tế xã hội.
 Đẩy mạnh quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản; công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để người dân tự giác chấp hành. Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý đất đai; thường xuyên kiểm tra và ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép; vận động các chủ cơ sở khai thác cát sỏi trên địa bàn làm thủ tục xin cấp phép theo quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất có chất thải, nước thải, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm để bảo vệ môi trường.
 Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, phấn đấu đưa trường Mầm non, Tiểu học từ đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tiến hành thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia đối với trường Trung học cơ sở. Khuyến khích đội ngũ giáo viên phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy; nâng cao chất lượng bán trú dân nuôi, vai trò hoạt động của Hội phụ huynh học sinh, phong trào khuyến học, khuyến tài... Quan tâm đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phấn đấu đến năm 2020 đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn về trình độ; mở lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân, giúp người dân có điều kiện tiếp cận với kiến thức mới trong trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tăng cường các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ thầy thuốc đông y, tây y, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Tăng cường công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Thực hiện có chiều sâu cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, động viên và nhân rộng những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua. Duy trì hiệu quả các phong trào văn nghệ, thể thao.
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", nhân đạo từ thiện. Vận động các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động hộ nghèo; phấn đấu đến năm 2020 xã cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí hiện nay.
 Đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường khả năng phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh giữa lực lượng công an, quân sự xã với lực lượng kiểm lâm theo các Nghị định của Chính phủ. Nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập của Ban chỉ huy quân sự; sẵn sàng ứng cứu có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn; phòng chống "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy vai trò hoạt động các đội tự quản về an ninh trật tự, các tổ hòa giải, ngăn chặn kịp thời những vụ việc vi phạm pháp luật; quản lý tạm trú, tạm vắng và các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Tổ chức các đợt cao điểm để tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, cờ bạc, số đề, sử dụng pháo nổ, tín dụng đen. Vận động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động đúng với chương trình đăng ký hàng năm; tạo sự bình đẳng, đoàn kết để nhân dân lương, giáo sống tốt đời, đẹp đạo; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng, tập trung thực hiện tốt khâu "Đột phá" trong công tác cán bộ, trước mắt thực hiện tốt công tác tổ chức và đào tạo, quy hoạch cán bộ; tiếp tục cử cán bộ, công chức xã tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị; phấn đấu đến năm 2020 cán bộ, công chức xã đạt chuẩn về trình độ. Đưa vào diện quy hoạch những chức danh chủ chốt đối với những cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín và có nhiều sáng kiến trong công tác. Khuyến khích đảng viên trẻ có trình độ chuyên môn tham gia giữ các chức vụ chủ chốt ở thôn, làm nguồn cho cán bộ xã. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đẩy mạnh việc "làm theo" tấm gương đạo đức Bác Hồ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi hội, chi đoàn. Phát triển đảng viên theo hướng chất lượng, không chạy theo thành tích. Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo điều 30, điều 32 Điều lệ Đảng; coi trọng tái kiểm tra và giám sát việc khắc phục khuyết điểm sau kiểm tra. Chú trọng công tác tổ chức, tuyên giáo, dân vận của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Thực hiệt tốt quy định về Bí thư cấp ủy đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Xây dựng chính quyền, Hội đồng nhân dân xã nâng cao chất lượng các kỳ họp, kết hợp công tác kiểm tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri. Nêu cao vai trò, trách nhiệm từng đại biểu tại các kỳ họp trong việc thảo luận, chất vấn và quyết nghị những vấn đề quan trọng của địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương pháp điều hành của Ủy ban nhân dân xã trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ban hành hệ thống kế hoạch để triển khai từng mục tiêu Nghị quyết Đại hội sát thực tiễn; định kỳ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn để cấp ủy xem xét, quyết định. Cải tiến phương pháp giao nhiệm vụ theo hướng trung thực, trách nhiệm, gần gũi nhân dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của Ban quản lý thôn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa" với phương châm - nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do tổ chức hội cấp trên phát động, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015 - 2020 để các chi hội, chi đoàn thực hiện. Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu "đột phá" Nghị quyết Đại hội đề ra. Hưởng ứng và phát động các phong trào thi đua trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới, an ninh xã hội, tạo động lực để toàn dân tham gia các phong trào thi đua do các cấp phát động; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X đề ra là rất nặng nề. Ban chấp hành Đảng bộ cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thật khoa học cho từng nội dung và nhiệm vụ cụ thể, phân công và gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên với nội dung công việc. Để tạo bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển dịch tư duy kinh tế, xã hội và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở từng lĩnh vực công tác phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng học tập và rèn luyện trình độ chuyên môn, lý luận đáp ứng với yêu cầu là những hạt nhân tiêu biểu để tuyên truyền, động viên, tập hợp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt xã Tân Quang ngày càng phát triển, trở thành đô thị loại V trong năm 2020.
Tóm lại, trong giai đoạn 2000 - 2015, cùng với sự đoàn kết, thống nhất và ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phát triển liên tục, ổn định và tăng trưởng cao. Văn hóa xã hội có những khởi sắc, quốc phòng được tăng cường và củng cố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Với những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân qua các thời kỳ cũng đã vinh dự nhận được rất nhiều Bằng khen, huân, huy chương, các loại của các cấp. Những thành tựu đạt được trong suốt những năm qua phản ánh tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH ngày càng phát triển. Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song phía trước vẫn còn rất nhiều những gian khó, thử thách đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân, lớp lãnh đạo trẻ của xã cần phải chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, tiến lên trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
 

KẾT LUẬN

70 năm trôi qua, kể từ khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cả nước thực hiện theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn - đi lên chủ nghĩa xã hội. Xã Tân Quang đã không ngừng có sự đổi thay và phát triển vượt bậc. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã đạt được bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hà Giang, Huyện ủy Bắc Quang đồng thời cũng là sự kết tinh của sức mạnh đoàn kết, chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã.
70 năm, một chặng đường vừa xây dựng, vừa trưởng thành và phát triển với biết bao khó khăn, gian khổ. Trên mỗi bước đường phấn đấu đầy gian khổ ấy, bằng tất cả trí tuệ, công sức và cả máu, xương của nhiều thế hệ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đã giành được những thắng lợi to lớn trên nhiều lĩnh vực, tạo ra những đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất Tân Quang. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cùng với nhân dân cả nước, người dân xã Tân Quang thoát khỏi kiếp nô lệ, được làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống, ước mơ bao đời "người cày có ruộng" đã trở thành hiện thực.
Sự ra đời của Chi bộ Tân Quang năm 1948 là dấu mốc lịch sử quan trọng của địa phương. Từ đây dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, nhân dân trong xã đã vượt qua nhiều hy sinh gian khổ, tích cực lao động sản xuất, đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi hoà bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền, nhân dân xã Tân Quang luôn đoàn kết một lòng, bền bỉ kiên cường thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng là xây dựng hậu phương vững chắc và tiếp tục chi viện cho tiền tuyến miền Nam; nhân dân vừa tích cực thi đua lao động sản xuất cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam, tiến tới thng nhất Tổ quốc mùa xuân 1975.
Bước vào thời kỳ cùng cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực thi đua sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. Từ gieo trồng độc canh cây lúa là chủ yếu, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, năng suất thấp; tình trạng thiếu đói vào dịp giáp hạt xảy ra thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, sản xuất đa dạng hóa, nhiều giống lúa mới được đưa vào thay thế các giống lúa cũ kém năng suất, diện tích gieo cấy được mở rộng; nhiều công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố, đảm bảo tốt tưới tiêu cho đồng ruộng. Nhân dân đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và thâm canh, luân canh trên đồng ruộng, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn nhiều những năm trước đây. Diện tích và sản lượng các loại hoa màu như: Ngô, khoai, rau đậu, nhất là hoa và cây cảnh phát triển mạnh, đây cũng là nguồn bổ sung lớn cho thu nhập của hộ gia đình. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng phát triển; các ngành nghề thủ công nghiệp, dịch vụ buôn bán ngày càng đa dạng và phát triển đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của nhân dân và nhu cầu xã hội. Đời sống vật chất của người dân thực sự được nâng lên, từ chỗ thiếu đói đến nay đã đủ ăn và có tích lũy ...
Đời sống văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc, trước cách mạng tháng Tám, đa số nhân dân lao động sống cảnh lầm than cực khổ. Người dân ốm đau bệnh tật, không có nơi khám và chữa bệnh; hơn 95% dân số mù chữ vì không được học hành. Đến nay, mọi mặt đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên; khi ốm đau có nơi khám và chữa bệnh kịp thời. Hệ thống trường học từ Mầm non tới Trung học phổ thông được hoàn thiện; 100% các cháu được đến trường học tập theo đúng độ tuổi; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; nhiều cháu thi đỗ vào các trường Cao đẳng và Đại học, nhiều cán bộ tham gia các chương trình đào tạo sau Đại học, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.
Công tác xoá đói giảm nghèo ngày càng được thực hiện tốt hơn, số hộ sản xuất kinh doanh khá, giàu tăng, hộ đói nghèo giảm. Hoạt động văn hoá - xã hội được đẩy mạnh, mô hình xây dựng gia đình văn hoá, xóm làng văn hoá mới được hình thành; phong tục tập quán, bản sắc dân tộc được bảo lưu và phát huy; các đối tượng chính sách xã hội, người có công với nước, gia đình thương binh, liệt sĩ được quan tâm đúng mức.
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ Chi bộ Đảng với 04 đảng viên ban đầu đã phát triển xây dựng thành lập Đảng bộ xã; đến hết 2015 Đảng bộ có 13 chi bộ với 243 đảng viên, trong đó có 08 Chi bộ thôn, 05 Chi bộ quan và trường học; trong những năm gần đây, các chi bộ, đảng viên luôn phấn đấu đạt danh hiệu từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, Đảng bộ nhiều năm liền được Huyện ủy công nhận đạt danh hiệu "Trong sạch, vững mạnh".
Từ việc lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong quá trình xây dựng quê hương. Đảng bộ đã đúc rút được những kinh nghiệm và bài học:
 Một là, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi đó là vấn đề cốt yếu tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất trong hành động của Đảng, có như vậy Đảng bộ mới đảm bảo lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng địa phương.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng đặt ra, đồng thời luôn tự rèn luyện để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; chú trọng công tác củng cố tổ chức, xây dựng Đảng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, đảm bảo nguồn cán bộ kế cận có đủ trình độ và năng lực lãnh đạo; thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, tăng cường công tác kiểm tra Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm minh những đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng vi phạm Điều lệ và nguyên tắc Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Ba là, luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, thể hiện đúng vai trò: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; chú trọng hoạt động xây dựng các tổ chức quần chúng lớn mạnh, tăng cường khối đoàn kết, nhằm thực hiện mọi nhiệm vụ, chủ trương đường lối của Đảng, chăm lo đến đời sống của nhân dân, tạo niềm tin của quần chúng vào Đảng, thực sự “lấy dân làm gốc”, có như vậy mới tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó chính là nguồn sức mạnh tổng hợp giúp Đảng bộ xã Tân Quang trưởng thành lớn mạnh và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng của địa phương.
Với tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương - Tư duy sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Phát triển toàn diện", dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang sẽ khẩn trương bắt tay triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

PHỤ LỤC
Danh sách Ban thường vụ Đảng ủy xã Tân Quang qua các kỳ Đại hội Đảng bộ, từ năm 1986 đến năm 2015.

* Ngày thành lập chi bộ 19 tháng 09 năm 1949.
* Ngày thành lập Đảng bộ 19 tháng 05 năm 1986; Ban Thường vụ lâm thời gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Đào Minh Châu - Bí thư.
2. Đồng chí Đinh Xuân Bắc - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Lưu Thị Xuân - Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 5 tháng 7 năm 1987, Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 1987 – 1988, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Nguyễn Minh Toàn - Bí thư Đảng ủy
2. Đồng chí Nguyễn Xuân Qúy - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Lưu Thị Xuân - Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 17 đến ngày 18 tháng 11 năm 1988, Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 1988 - 1991, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Phạm Ngọc Nhật - Bí thư.
2. Đồng chí Nguyễn Xuân Quý Phó - Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Lưu Thị Xuân -  Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 22 đến ngày 23 tháng 10 năm 1991, Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 1991 - 1994, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí.
1. Đồng chí Nguyễn Văn Diệp - Bí thư.
2. Đồng chí Đỗ Xuân Tưởng - Phó bí thư kiêm chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Phí Thành Chung- Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 8 tháng 3 năm 1994, Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 1994 - 1996, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Nguyễn Văn Diệp - Bí thư.
2. Đồng chí Đỗ Xuân Tưởng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Phí Thành Chung - Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 30 đến ngày 31 tháng 01 năm 1996, Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 1996 - 2000, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Phí Thành Chung - Bí thư.
2. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Triệu Quốc Vinh - Ủy viên BTV phụ trách công tác Đảng.
* Ngày 25 đến ngày tháng 8 năm 2000, Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2000 - 2005, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Đỗ Xuân Tưởng- Bí thư.
2. Đồng chí Phí Thành Chung- Phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND xã.
3. Nguyễn Viết Thắng - Ủy viên BTV kiêm Chủ tịch UBND xã.
*Ngày 13 đến ngày 14 tháng 7 năm 2005. Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2005 - 2010, Ban thường vụ gồm 03 đồng chí:
1. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng - Bí thư.
2. Đồng chí Phí Thành Chung - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
3. Đồng chí Nguyễn Văn Diễm - Thường trực Đảng ủy.
* Từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 3 năm 2010, Đại lần thứ VIII nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban thường vụ gồm 05 đồng chí:
1. Đồng chí Nguyễn Viết Thắng - Bí thư.
2. Đồng chí Triệu Thị Đính - Phó Bí thư thường trực.
3. Đồng chí Phạm Hồng Quang - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
4. Đồng chí Triệu Giàu Lìn - Ủy viên BTV - Trưởng Công an xã.
5. Trịnh Minh Khương - Ủy viên BTV - Xã đội trưởng.
* Từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 5 năm 2015 Đại hội IX nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban thường vụ gồm 05 đồng chí:
1. Đồng chí Trần Ngọc Hùng - Bí thư.
2. Đồng chí Phạm Thị Hà - Phó Bí thư thường trực.
3. Đồng chí Phạm Hồng Quang - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã.
4. Đồng chí Vương Ngọc Tuyên - Ủy viên BTV - Trưởng Công an xã.
5. Nguyễn Hoàng - Ủy viên BTV - Xã đội trưởng.


DANH SÁCH BÍ THƯ CHI, ĐẢNG BỘ XÃ QUA CÁC THỜI KỲ
 
TT Họ và tên Thời gian Bí thư Ghi chú
1 Bùi Đình Trọng 9/1949-8/1950 Chi bộ  
2 Cao Văn Hậu 8/1950-9/1958 Chi bộ  
3 Lộc Sằn Hìn 9/1958-5/1969 Chi bộ  
4 Trần Văn Sắn 5/1969-5/1973 Chi bộ  
5 Nguyễn Mạnh Lân 5/1973-8/1976 Chi bộ  
6 Đào Minh Châu 8/1976-5/1981 Chi bộ  
7 Nguyễn Mạnh Lân 5/1981-5/1986 Chi bộ  
8 Đào Minh Châu 5/1986-7/1987 Đảng ủy  
9 Nguyễn Minh Toàn 7/1987-11/1988 Đảng ủy  
10 Phạm Ngọc Nhật 11/1988-10/1991 Đảng ủy  
11 Nguyễn Văn Diệp 10/1991-1/1996 Đảng ủy  
12 Phí Thành Chung 1/1996-8/2000 Đảng ủy  
13 Đỗ Xuân Tưởng 8/2000-7/2005 Đảng ủy  
14 Nguyễn Viết Thắng 7/2005-12/2014 Đảng ủy  
15 Trần Ngọc Hùng 1/2014-5/2015 Đảng ủy  

TỔ  QUỐC GHI CÔNG CÁC LIỆT SĨ
 
TT Họ và tên Năm sinh Năm nhập ngũ Năm hi sinh Nơi hi sinh Quê quán
1 Nguyễn Văn Phú 1927   1948   Thạch Thất - Hà Nội
2 Nguyễn Xuân Bồng     1949   Nam Trực - Nam Định
3 Trần Hồng Kỳ 1926   1950 Ninh Thành  - Gia Khánh - Ninh Bình Nam Trực - Nam Định
4 Trần Đăng Ly 1935   1950 Vụ Bản - Nam Trực - Nam Định Nam Trực - Nam Định
5 Phạm Văn Kính     1951 Hoàng Su Phì - Hà Giang Phú Xuyên - Hà Nội
6 Cao Văn Luyện 1930   1955 Hoàng Su Phì -Hà Giang Nam Trực - Nam Định
7 Lù Diu Lìn     1956 Bản Máy -  Hoàng Su Phì -Hà Giang Hoàng Su Phì - Hà Giang
8 Vũ Đình Phúc 1942   1969 Mặt trận phía Nam Yên Khánh - Ninh Bình
9 Nguyễn Văn Tân 1947   1969 Mặt trận phía Nam Bắc Quang  - Hà Giang
10 Nguyễn Quang May 1942   1970 Xa Mứn - Điện Biên - Lai Châu Bình Lục - Hà Nam
11 Nguyễn Minh Toàn 1950   1970 Mặt trận phía Nam Nam Trực - Nam Định
12 Phạm Văn Thành 1948   1972 Mặt trận phía Nam Bắc Quang  - Hà Giang
13 Nguyễn Ngọc Sơn 1943   1972 Trạc Tre - Đông Hà - Quảng Trị Nam Trực - Nam Định
14 Nguyễn Như Xuân 1950   1972 Quảng Bình Vũ Thư - Thái Bình
15 Lê Duyên Hải 1947   1972 Mặt trận phía Nam Bắc Quang  - Hà Giang
16 Nguyễn Thành Long 1959   1973 Mặt trận phía Nam Yên Mỗ - Ninh Bình
17 Trần Mạnh Hùng 1951   1973    
18 Trần Văn Quang     1976   Ý Yên - Nam Định
19 Lộc Dìn Lâm 1958   1978 Xã Bình Khánh - Châu Phú - An Giang Bắc Quang  - Hà Giang
20 Hoàng Văn Sơn 1960   1978 Hòa Diên - Hà Tiên - Kiên Giang Nam Trực - Nam Định
21 Nguyễn Văn Thành 1960   1981 Lao Chải - Vị Xuyên - Hà Giang Bắc Quang  - Hà Giang
22 Trần Trung Bộ 1956   1983 Hoàng Liên Sơn Nam Trực - Nam Định
23 Trần Đăng Đông 1990   2011 Hà Giang Bắc Quang  - Hà Giang

DANH SÁCH THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, NGƯỜI NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO CHIẾN TRANH
 
TT Họ và tên Năm sinh Địa chỉ nơi ở Ghi chú
I. Thương binh
1 Phạm Văn Nghĩa 1961 Thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang  
2 Nguyễn Xuân Quý 1946 Thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang  
3 Nguyên Đức Thắng 1950 Thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang  
4 Bùi Nguyên Hảo 1932 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
5 Vàng Séo Chẳng 1925 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
6 Phạm Hồng Quang 1960 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
7 Bế Hoàng Thạch 1943 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
8 Phí Thành Chung 1963 Thôn Tân Tiến, xã Tân Quang  
9 Nguyễn Văn Chuyển 1948 Thôn Tân Lâm, xã Tân Quang  
10 Đinh Văn Thử 1948 Thôn Tân Lâm, xã Tân Quang  
11 Phạm Thành Công 1948 Thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang  
12 Lê Cao Chiến 1948 Thôn Tân Lâm, xã Tân Quang  
II. Bệnh binh
1 Trần Đình Cần 1948 Thôn Nghĩa Tân, xã Tân Quang  
2 Nguyễn Mạnh Hà 1958 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
3 Phạm Văn Lợi 1959 Thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang  
4 Nguyễn Ngọc Thư 1956 Thôn Tân Lâm, xã Tân Quang  
5 Nguyễn Thanh Thùy 1955 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
6 Mai Trọng Toán 1960 Thôn Nghĩa Tân, xã Tân Quang  
7 Nguyễn Bá Điểm 1956 Thôn Tân Lâm, xã Tân Quang  
8 Đỗ Xuân Tưởng 1960 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
9 Đỗ Mạnh Hùng 1955 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
III. Nhiễm chất độc hóa học  
1 Vũ Xuân Bền 1952 Thôn Nghĩa Tân, xã Tân Quang  
2 Phan Mạnh Hoạch 1956 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
3 Vũ Đức Thu 1942 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
4 Nguyễn Quang Vinh 1956 Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
5 Hoàng Đình Phắn 1950 Thôn Mục Lạn, xã Tân Quang  
6 Nguyễn Xuân Cang   Thôn Vinh Quang, xã Tân Quang  
7 Lê Đức Hải   Thôn Tân Tiến, xã Tân Quang  



TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Biên niên các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà xuất bản  từ điển Bách Khoa.
- Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển (1981 - 2001), Tỉnh ủy Hà Giang xuất bản năm 2001.
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang tập III (1975 - 2005), xuất bản năm 2009.
- Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Hà Giang (1945 - 2005), xuất bản năm 2008.
- Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Quang tập I (1939 - 1975), nhà xuất bản Chính trị quốc gia, xuất bản năm 1996.
- Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Quang tập II, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, xuất bản năm 2007.
- Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang khóa XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), khóa XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
- Có sự tham gia ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ và nhân dân xã Tân Quang.


MỤC LỤC

     Trang
Lời giới thiệu 3
CHƯƠNG I
Tân Quang - Điều kiện tự nhiên, xã hội                     và con người
 
7

CHƯƠNG II

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc  xã Tân Quang thực hiện cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

15

CHƯƠNG III

 Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân các dân tộc xã Tân Quang đẩy mạnh tăng gia sản xuất góp phần chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước  (1955 - 1975)

37
CHƯƠNG IV

Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Tân Quang                    trong thời kỳ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1985)

84

CHƯƠNG V

 Đảng bộ xã Tân Quang được thành lập lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2015)

108

KẾT LUẬN

203
 
PHỤ LỤC
Danh sách Ban thường vụ Đảng ủy xã Tân Quang qua các kỳ Đại hội Đảng bộ, từ năm 1986 đến năm 2015.
 
209
   
   
   
   
   
   
   

Chịu trách nhiệm xuất bản :
BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY XÃ TÂN QUANG

Chỉ đạo biên soạn:
TRẦN NGỌC HÙNG
Ủy viên BCH Huyện ủy khóa XXI, nhiệm kỳ                      2015 – 2020
Bí thư Đảng bộ xã Tân Quang khóa X
NGUYỄN VIẾT THẮNG
Nguyên Bí thư Đảng bộ xã Tân Quang khóa IX,
nhiệm kỳ 2010 - 2015

BIÊN SOẠN
QUỐC THỊ THANH THẢO
Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Quang
BÙI NHẬT ĐẠI
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Quang

BIÊN TẬP VÀ CHỈNH SỬA
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

         GPXB số:....../GP-STTTT, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang cấp ngày ...../....../2018.
        In ...... cuốn, tại Công ty CP In Hà Giang.
 
[1] Khu Lao - Hà -Yên gồm 3 tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Hà Giang. 02/9/1959 giải thể, Hà Giang sáp nhập vào khu tự trị Việt Bắc
[2] Gió đại phong: là tên của hợp tác xã nông nghiệp ở xã Phong Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua cải tiến hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất từ năm 1960 trong nông nghiệp.
 
[3] Sóng Duyên Hải: là tên nhà máy cơ khí ở Hải Phòng, lá cờ đầu trong phong trào thi đua hợp nhất hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật từ năm 1961 trong ngành công nghiệp.
 
[4] Cờ Ba Nhất: đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất, đó là phong trào thi đua của quân đội nhân dân và dân quân tự vệ từ năm 1959 đến năm 1961.
 
[5] Tiếng trống Bắc Lý: Trường phổ thông cấp II huyện Lý Nhân (Hà Nam) lá cờ đầu của phong trào thi đua học thật tốt, dạy thật tốt từ năm 1961 của ngành giáo dục.
 
[6] Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến.
[7] Đảm đang sản xuất; đảm đang gánh vác công việc gia đình; đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
[8] Tích cực ủng hộ bộ đội; tích cực động viên con cháu nhập ngũ; tích cực trồng cây, tu bổ rừng
[9] "Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong giai đoạn hiện nay; tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"; "Di chúc" của Bác Hồ; "Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"; tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"; "Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" gắn với kiểm điểm 40 năm thực hiện "Di chúc" của Bác Hồ; Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch - vững mạnh "là đạo đức, là văn minh"
Thống kê
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay6,264
  • Tháng hiện tại117,472
  • Tổng lượt truy cập1,838,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây