NHỚ MÙA HOA XOAN

Thứ tư - 27/03/2024 03:43
NHỚ MÙA HOA XOAN (Tản văn)
        Vào khoảng cuối xuân, khi hoa đào đang dần tàn thì hoa xoan lại bắt đầu nở. Trong cái tiết trời còn hơi âm u, nắng mới còn ngập ngừng bẽn lẽn chưa ra khỏi những vạt mây, thì hoa xoan đã bung nở từng chùm tim tím, cánh hoa nhỏ li ti rơi đầy lối đi, thảm cỏ. Cái mùi hoa xoan không nồng nàn như hoa sữa, nó chỉ thơm dịu nhẹ, hơi hăng hắc, thoang thoảng một mùi hương rất lạ và riêng biệt thật khó tả. Đi dưới tiết trời hưng hửng nắng, dưới những hàng xoan trổ hoa, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, là ta như được tắm mình trong làn mưa hoa vậy. Những cánh hoa xoan tim tím, nồng nàn vương trên tóc, trên vai áo gợi biết bao kỉ niệm …
         Trên con đường làng tôi ngày trước, hai bên đường trồng rất nhiều cây xoan, cây nào thân cũng thẳng, gốc to, cành vươn dài, giao nhau che bóng nắng mát rượi. Hàng xoan ấy là do các cụ trong tổ bô lão cùng các cháu thiếu nhi trong thôn, cùng nhau trồng trong dịp tết trồng cây mà Bác Hồ kính yêu đã khởi xướng. Tổ bô lão của các cụ ngày ấy có hẳn một vườn ươm cây xoan giống, chúng tôi được phân công giúp các cụ tưới nước cho cây, rồi chặt nứa đan rào bảo vệ, ngăn không cho trâu bò phá hại. Hàng xoan ấy chóng lớn lắm. Mỗi khi đi học về hay dắt trâu ra đồng chúng tôi thường đi qua dưới hàng xoan ấy. Hè về ve sầu kêu lanh lảnh suốt ngàỳ đêm. Trên những cây xoan to đã trồng từ trước, có những chùm quả to như hạt lạc ví như viên ngọc xanh treo thành từng chùm trên các chạc nhánh của cành. Những chú chim chào mào, chèo bẻo, chim ri cũng hay làm tổ trên các chạc cây ấy, nhiều tổ chim trên cao cách mặt đất mấy chục mét, bọn trẻ chúng tôi thèm được săn lùng, nhưng cũng chỉ dám đứng nghển cổ lên mà nhìn. Vì cây xoan to, gốc dài thẳng đuột hàng chục mét, không có cành để bám víu, khó mà ôm trèo lên được, tổ chim lại làm ở tít đầu cành chẳng thể leo ra với tay mà bắt lấy được.

       Cây xoan dễ trồng, mau lớn, chóng được thu hoạch. Khi mùa đông đến lá xoan chuyển mầu vàng rồi trút hết lá để ngủ đông, vì vậy cũng có nơi gọi cây xoan là cây “sầu đông, lúc bấy giờ quả xoan cũng đã già và rụng xuống đất. Người ta đem những quả giống đó đi ươm thành cây để sang xuân ấm áp là có cây non để trồng. Cây xoan mới đầu nẩy mầm chỉ bé tí xíu như cây rau mùi. Nhưng chúng lớn nhanh lắm, chỉ một năm là có thể cao hơn một mét, thậm chí có cây cao tới hai mét. Lúc cây còn nhỏ dễ bị gió làm đổ nghiêng ngả hoặc bị cây dây leo bám vào làm nghẹt cây, chậm lớn. Cây sau này không thẳng, vì thế năm đầu cần luôn chăm sóc, phát cỏ và buộc cây chống để cây không bị nghiêng đổ, dẫn đến cây bị cong queo. Những năm tiếp theo, ta chỉ tỉa cành hoặc đốn tỉa cây cho phù hợp mật độ là yên tâm có vườn xoan đợi khi nào cần thì thu hoạch. Nếu muốn dùng lấy gỗ, thì cây xoan khoảng từ 10 đến 15 tuổi là tốt nhất. Cây nào để quá lâu năm phần trong giữa lõi dễ bị húi, hay bị rỗng ruột.
      Cây xoan có hai loại, xoan trắng và xoan tía. Xoan trắng thường phát triển nhanh hơn nhưng không nhiều lõi như xoan tía, cây xoan trừ phần vỏ bì, thì gỗ xoan không bị sâu mọt ăn. Không cần đem ngâm xuống nước như tre nứa hay nhiều loại gỗ khác. Gỗ xoan dùng để làm nhà hay đóng đồ như giường, tủ rất tốt lại bền theo thời gian.

 Có vân gỗ đẹp rất nổi, sánh ngang tựa vân gỗ lát, nên nhiều người còn ví gỗ xoan là “lát xoan, vậy. Những căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi nhiều cây cột là loại gỗ khác đã bị hỏng do thời gian và côn trùng phá. Nhưng riêng cây cột gỗ xoan vẫn còn tốt vì không bị bất cứ lũ mọt ong hay sâu gỗ nào phá hại. Vì thế xưa các cụ có câu ca rằng: “Thứ nhất ấy vợ hiền hoà – Thứ nhì làm nhà gỗ xoan,
        Ở quê tôi, người con trai trong bản khi trưởng thành, ai cũng có một con dao nhọn được rèn từ thép tốt, có chạm khắc hoa văn như hình con cá chép hay bông hoa, chuôi dao được làm tỉ mỉ bằng rễ cây xoan già, có phần cong cong ở chuôi để dễ cầm nắm và không bị tuột tay. Vỏ bao dao cũng bằng gỗ xoan vì nó nhẹ, và có lỗ đục để xâu dây đeo ngang lưng rất thuận tiện và an toàn. Chuôi dao và hộp bao dao thường được nhuộm mầu nghệ vàng hoặc lá cơm đỏ, ánh lên những đường vân gỗ trông rất đẹp mắt. Con dao nhọn rất tiện cho nhiều việc như chế biến thức ăn, phát dây dọn lối đi rừng, khoét lỗ, đào đất, và đôi khi là vũ khí tự vệ chống lại thú dữ…Nhìn vào con dao và cái bao dao ấy, là ta đã biết được chủ nhân nó như thế nào rồi.
       Cây xoan trồng không những để lấy gỗ, lấy củi đốt mà lá xoan là nguồn phân xanh rất tốt cho cải tạo đồng ruộng. Khi mùa gặt tháng năm đã xong và ruộng đã được cày luống. Người ta lấy lá xoan và các loại lá khác đem vùi xuống bùn, cho lá thối mục ra để cải tạo đất tơi xốp, tăng chất dinh dưỡng cho đất. Ngày trước phân hoá học còn hạn chế, đồng ruộng chủ yếu bón bằng phân chuồng và phân xanh, như thả bèo hoa dâu hay các loại cây lá đem đốt lấy tro hay ủ mục thành phân đem bón ruộng.
      Lá xoan rất đắng nên còn dùng để làm thuốc trị ghẻ, chấy, rận chó, mèo kể cả chữa cho người, bài thuốc chữa ghẻ hay chấy rận là: Lá xoan tươi cộng với lá đào và hạt củ đậu, ba thứ ấy đem giã nhỏ, đem đun sôi, cô nước thật đặc, để nguội rồi gội đầu hay tắm, bôi vào vết ngứa, chỉ dăm lần là hết chấy, hết ghẻ. Bọn trẻ trâu chúng tôi cũng thường lấy lá xoan tươi ủ lên đống lửa hun trâu để đuổi muỗi cho trâu, bò cũng rất hiệu quả.

          Mùa hè, quả xoan non giống như những viên bi xanh mà bọn trẻ trâu chúng tôi rất thích dùng để làm đạn bắn “súng phốc. Muốn chơi súng “phốc, đầu tiên phải chọn một cành cây tre hay cây diễn có lỗ ống nhỏ tầm quả xoan, sau đó chọn một ống dài khoảng 20 hay 30 phân để làm “nòng súng. Tiếp đó là dùng tre hoặc gỗ vót một thanh đẩy tròn tựa chiếc đũa dùng để đẩy quả xoan qua lỗ chiếc ống đó. Bí quyết quan trọng nhất để cho tiếng súng nổ kêu to và đanh, ngoài phần chọn cỡ ống “nòng súng, phù hợp. Thì chiều dài của chiếc cần đẩy không được dài quá hay ngắn quá so với chiều dài của ống súng. Nếu dài quá thì đẩy hết viên đạn ra khỏi nòng súng thì không còn giữ được hơi nén cho quả đạn tiếp theo nên súng không nổ, Còn ngắn quá thì có thể không đẩy được đạn ra khỏi nòng hoặc tiếng nổ không đanh. Viên đạn bay không xa, và không có sức xuyên mạnh. Lỗ ống phía để nạp đạn phải khoét nhỉnh hơn đầu súng một chút thì lực nén càng chặt khít, tiếng nổ to và ít khi bị xịt vì có “quả đạn, hơi bé một chút.
         Những cuộc chơi đánh trận giả mà có súng “phốc, thường sôi nổi hẳn lên. Không phải dùng miệng để hô “pằng pằng. Nhiều viên đạn bắn cự ly gần cũng khá là đau. Vì vậy, hai bên giao kèo là chỉ được bắn từ phần bụng trở xuống.
Một góc làng quê của huyện Bắc Quang
 Chơi đánh trận giả chán chê thì lại rủ nhau thi bắn bia bằng súng “phốc, bia chỉ là tầu lá chuối, lấy que vẽ vòng tròn trên đó, hoặc bia là chùm quả xanh trên cây, hay ngẫu hứng vừa tóm được con sâu nào trên lá. Cuộc chơi nào mà có súng “phốc, cũng háo hức lạ kì. Đứa nào cũng muốn chế tạo cho súng của mình tiếng nổ to hơn, đạn bắn xa hơn. Túi áo túi quần lúc nào cũng nhét đầy “đạn xoan, chuẩn bị sẵn sàng…
      Thời gian gần đây, nhiều nơi diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và bị tàn phá. Nhà nước cũng đã có lệnh đóng cửa rừng. Vì vậy thứ cây trồng để lấy gỗ phục vụ cho kiến thiết và sinh hoạt chủ yếu từ gỗ trồng. Cây gỗ xoan được yêu chuộng và săn lùng khai thác triệt để, giá gỗ xoan cũng được đẩy lên rất cao so với trước. Có những cây xoan to đẹp, khối lượng gỗ lớn có giá tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Nhiều cây còn non cũng được thu mua, vì thế số lượng cây xoan đang giảm đáng kể. Đi bên đường hoặc quanh làng bản còn lại rất ít những cây xoan to. Bởi phần lớn đã bị khai thác hoặc chuyển đổi canh tác nên không còn mấy nữa. cái trò chơi bắn súng “phốc, vì thế cũng ít dần đi vì chẳng kiếm đâu ra những quả xoan xanh như ngọc, để chơi súng “phốc, với những pha đánh trận giả đầy tinh thần quả cảm, gan dạ mưu trí, mê say, háo hức đến lạ kì…
       Mùa đông đến. Cây xoan trút bỏ lá vàng để ngủ đông, tích nhựa trong lòng đất để mùa xuân ấm áp lại trổ bung ra bạt ngàn hoa tím. Bước vào mùa sinh sôi nảy nở mới. Những mùa hoa xoan luôn tô đẹp cho quê hương làng bản, bằng màu hoa tím chung tình, gợi nhớ trong tôi những kí ức thân thương đẹp đẽ, không bao giờ phai mờ. Những cánh hoa nhỏ bé tim tím kia như đang nhắc nhớ mỗi chúng ta yêu quí, bảo vệ và trồng thêm nhiều cây mới. Phủ xanh đất trống đồi trọc, dệt mầu xanh tươi cho quê hương làng bản. Như lời Bác năm xưa đã dạy: “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày thêm xuân. Để mỗi mùa xuân về, trong làn mưa phùn nhè nhẹ cuối xuân, hay trong cái nắng tươi non đầu hạ, hoa xoan lại dệt tím đường quê, nỗi nhớ, bằng chính những chùm hoa nhỏ bé khiêm nhường nhưng đầy thi vị và hữu ích …
Tg: Nguyễn Hồng Quang

Tác giả: Hồng Quang - Hội VHNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
Tuyển dụng
Bộ pháp điển
Chung tay cải cách
Cổng TTĐT tỉnh HG
Hệ thống văn bản
Công báo
Danh bạ
Mail
Lấy ý kiến
Lịch công tác
Công khai ngân sách
Tiếp nhận ý kiến
Công khai danh sách hội đồng
Ý kiến cử tri
Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam
CSDL Quốc Gia
Phòng chống thiên tai
Thông báo 1
Công khai 1
Công khai 2

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay10,311
  • Tháng hiện tại90,560
  • Tổng lượt truy cập1,716,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây