ĐẢNG BỘ HUYỆN BẮC QUANG: Chặng đường phấn đấu huyện đạt chuẩn Nông Thôn Mới Năm 2025

Thứ sáu - 28/07/2023 06:31
     Nghiên cứu chương trình hành động của Ban Thường Vụ Huyện ủy Bắc Quang số 01- CTr/HU ngày 01/10/2020 về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc quang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và qua kết quả nửa nhiệm kỳ (đến tháng 6 năm 2023) thực hiện các mục tiêu đại hội đề ra, ta mới thấy được sự lan tỏa, sức hút, ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các xã, các cơ quan, đoàn thể của huyện háo hức đón nhận Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện như thế nào? Ngay sau Đại hội, các đồng chí trong Ban Thường Vụ Huyện ủy đã đến từng Đảng ủy của 23 xã triển khai ngay Nghị Quyết Đại hội. Rồi từng Đảng ủy triển khai đến chi bộ học tập và đề ra chương trình hành động sau đó triển khai đến hội nghị toàn thôn. Đó là sự đồng lòng, đồng thuận của người dân với Đảng ở từng Đảng bộ cơ sở; Giữa Đảng bộ cơ sở với Huyện ủy. Một sự kết nối chặt chẽ chưa từng có giữa dân với Đảng. Có được điều đó phải nói đến y tín, tín nhiệm của tập thể Ban Thường Vụ Huyện ủy mà vài trò hết sức quan trọng là đồng chí Bí thư Huyện ủy Hà Việt Hưng. Người đã chỉ đạo trực tiếp và kiên quyết ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, đó là: 1) Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và đô thị. 2) Đột phá trong xây dựng nông thôn mới. 3) Đột phá trong phát triển sản xuất hàng hóa các loại cây có múi.
   Lâu nay huyện Bắc quang vẫn xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế của huyện nên đã tích cực mở mới, tu sửa và nâng cấp nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, để việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền luôn được thông suốt, cũng như việc đi lại của người dân được thuận lợi. Từ đó huyện xác định: Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn và đô thị là khâu đột phá đầu tiên trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Ngay sau Đại hội, huyện đã triển khai mở mới tuyến đường và cầu treo qua sông Lô từ Quang Minh vào Vô Điếm. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư, tu sửa lại và nâng cấp bằng rải bê tông một số tuyến đường đi vào trung tâm xã như đường từ Kim Ngọc lên Thượng Bình; Từ Tân Quang vào Đồng Tâm; Từ Đồng Tâm vào Đồng Tiến. Đầu tư và phát triển một số tuyến đường từ trung tâm huyện đến các khu sản xuất tập trung, khu di tích lịch sử Bằng Hành. Làm mới con đường từ trục chính vào khu danh thắng hang Khau Đôn, hang Nặm Tan, thác Nặm Tạu ở xã Đức Xuân. Tạo ra con đường ấn tượng cho tua du lịch từ thác Thúy (Thị trấn Việt quang) hang Tứ Cung (xã Vĩnh phúc) qua hồ Quang Minh vào khu di tích lịch sử (Bằng hành) đến thác Nặm Tạu (Đức Xuân) rồi về công viên Cây Xanh thị trấn Việt Quang. Đáng chú ý nhất là nhiều nhóm hộ gia đình đã cùng nhau góp tiền và công sức rải bê tông đường và điện đường vào xóm mình như ở thôn Tân bình (hơn 60 triệu đồng). Đặc biệt:" con đường mơ ước" ở xóm 1 thôn Việt Tân (Việt Vinh) với kinh phi trên 868 triệu đồng (cả xóm chỉ có 20 hộ dân tộc Dao nghèo mà mỗi hộ đã đóng góp 20,5 triệu đồng) và con đường vào xóm La Chí của xã Tân Quang trên 500 triệu đồng, làm mới 4 cầu treo ở Xã Bằng Hành, Tân Thành và Tân Lập do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu`tư. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Hà giang-Tuyên Quang, theo kế hoạch, trước mắt là giải phóng và bàn giao mặt bằng tuyến đường cho đơn vị thi công. Đối với đường giao thông nông thôn hiện nay gần trăm phần trăm các thôn đều có đường liên thôn, liên xóm và được rải bê tông. Đồng thời đang phát động các thôn tổ chức trồng hoa, cây xanh hai bên đường từ đường trục chính vào trụ sở thôn.
   Đối với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Huyện cũng đã chú ý đầu tư vốn và cơ sở vật chất cần thiết cho khu công nghiệp Nam Quang. Tiếp tục hỗ trợ và có chính sách cụ thể để các cơ sở thủ công nghiệp trong các thị trấn Việt Quang, Tân Quang, Vĩnh Tuy, cụm công nghiệp Tân Thành, điểm công nghiệp Ngô Khê. Những cơ sở, tổ hợp tác ở các xã, thôn bản: nghề rèn, đúc, tổ sửa chữa nông cụ, đan lát, nón lá...như ở Đồng Yên, Quang Minh, Việt Vinh, Hùng An Việt Quang, Tân Quang. Phấn đấu đến năm 2025 đưa giá trị sản lượng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đạt từ 1,8 đến 2,2 tỷ đồng trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội của huyện.
    Tiếp tục chỉnh trang huyện lỵ. Mở rộng quy mô và nâng cấp thị trấn Việt Quang, Vĩnh Tuy, Tân Quang và trung tâm các xã theo đúng quy hoạch. 100% xã có trụ sở, trạm y tế được xây dựng nhà kiên cố (2-3 tầng). Phấn đấu đến năm 2025 có 50-60% nhà làm việc của công an, Xã đội được xây dựng theo quy định của Bộ. Trụ sở, nhà văn hóa thôn được xây cấp 4, có đủ trang bị bên trong bằng cách xã hội hóa và kêu gọi các nhà hảo tâm, con cháu thành đạt của xã mình. Các trường THPT, THCS, Tiểu học, Mầm Non đều được xây dựng theo chuẩn Quốc Gia.
   Để bộ mặt huyện lỵ tương xứng với nhip độ thay đổi của đất nước, của tỉnh, Huyện Bắc Quang đã tiến hành chỉnh trang, nâng cấp khu vực huyện lỵ theo quy hoạch mới. Xây dựng lại sân vận động thành Quảng Trường 15 tháng 5 đã khánh thành vào dịp huyện tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ Huyện (15/5/1947- 15/5/2022). Các cơ quan, ban ngành Huyện ủy, Ủy ban huyện, Trung tâm y tế huyện, công trình của Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc quang cũng được nâng cấp khang trang đẹp đẽ hơn. Các tuyến đường trong nội thị cũng được cơi nới, mở rộng ra rồi thành lập phố tự chủ, tự quản. Đội vệ sinh môi trường của huyện, thị trấn hoạt động rất có hiệu quả. Chợ trung tâm huyện cũng đã được chỉnh trang nâng cấp khang trang, sạch đẹp hơn trước, đã thu hút được nhiều tiểu thương các nơi đến giao lưu trao đổi hàng hóa thường xuyên. Chợ Hùng An, Tân Quang, Vĩnh Tuy, chợ Bến Kiềng, chợ Kim Ngọc từng bước được nâng cấp thành trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực. 100% xã đều có chợ nông thôn và được xây cố định các gian hàng cho các tiểu thương các nơi đến giao thương. Nhìn vào mục tiêu và chỉ têu mà Đại hội đề ra và qua tiến độ hoàn thành các tiêu chí đó mới chỉ qua nửa nhiệm kỳ ta đã thấy diện mạo của huyện lỵ cũng như trung tâm các xã, thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ta hoàn toàn tin tưởng khâu đột phá thứ nhất sẽ đạt mục đích trước thời gian.
    Trong khâu đột phá thứ hai về: Xây dựng nông thôn mới: Trước Đại hội (tháng 8/ 2020) toàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), đạt 39,13%. Các xã còn lại đạt trên 12 chỉ tiêu (bằng 63,15% trong 19 tiêu chí xây dựng NTM của nhà nước) để đạt được mục tiêu Đại hội đề ra huyện quyết tâm phấn đấu có thêm 12 xã và 2 thị trấn nữa đạt chuẩn NTM, để đến năm 2025 toàn huyện sẽ đạt chuẩn NTM, xứng đáng là huyện động lực về mọi mặt, huyện cửa ngõ của tỉnh. Với tinh thần đó, dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường Vụ Huyện Ủy, Ủy Ban Nhân Dân huyện cùng các ngành, các đoàn thể đã đồng loạt xuống từng xã tập trung chỉ đạo xây dựng vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi với thế mạnh của từng vùng, miền theo quy hoạch kế hoạch đã đề ra. Đảng ủy các xã đã nghiêm túc chấp hành chỉ thị, nghị quyết và chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường Vụ Huyện ủy số 26 CTr-HU ngày 30/1/2023. Từ đó đã hình thành vùng chuyên canh cam sành tập trung gồm: xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Đông Thành, Tiên kiều, Vĩnh Tuy, Vĩnh Hảo, Đồng Tâm, Tân Thành, Việt Vinh, Tân Quang với tổng diện tích 4.815 hécta, trong đó diện tích cho thu hoạch là 4.279,1 ha, với sản lượng hơn 44.900 tấn. Cây thanh long đang phát triển mạnh ỏ Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Hùng An, Quang Minh, Việt Vinh... Vùng chè chuyên canh gồm: Hùng An, Vĩnh Tuy, Quang Minh Việt Hồng, Tân Lập với diện tích từ 5.000- 5.500 hecta. Hiện nay tại xã Tân Quang, thị trấn Viêt Quang, xã Hùng An, Vĩnh Tuy đã có nhiều cơ sở thu mua, chế biến chè xanh, chè vàng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Những cánh đồng lúa rộng 3.960 ha/570 cánh đồng màu mỡ ở các xã: Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Quang Minh, Vô Điếm, Bằng Hành, Hữu Sản, Liên Hiệp, Việt Vinh...đã được gieo trồng các giống lúa chất lượng tốt có giá trị hàng hóa cao như: Giống lúa nếp thơm địa phương, nếp Cái Hoa Vàng, nếp Cẩm, Nhị ưu 838, Thiên ưu, Việt lai 20 thế hệ mới, Hương thơm, Đài thơm 8. Những cánh đồng ngô: 2.900ha/153 cánh đồng. Đặc biệt là ngô vụ đông với diện tích từ 1500 - 1800 ha, bằng các giống mới năng xuất cao: NK66, NK7328... rất được người dân ưa chuộng. Và hơn 1500 ha/76 cánh đồng lạc vụ đông- xuân với giống L14 ở Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Quang Minh, Việt Vinh, Kim Ngọc, Bằng Hành, Hữu Sản... với sản lượng hàng năm đạt trên 20 nghìn tấn. Hiện nay ở Đồng Yên đã có 5 hợp tác xã chế biến nông sản. Đặc biệt có HTX sơ chế tinh dầu lạc, sản phẩm đang có bán trên thị trường.
Đồi chè thôn An Tiến- xã Hùng An
     Trong mấy năm qua nhằm giải phóng sức lao động nhiều gia đình, nhóm hộ liên kết với nhau đã tự mua sắm các máy nông nghiệp( máy cày, bừa, tuốt lúa) đưa vào sản xuất của gia đình và phục vụ bà con xung quanh như: phần làm đất được gần 80% diện tích, phần cấy được khoảng 10% diện tích, phần thu hoạch cơ giới hóa được khoảng 30%, khâu tuốt, vận chuyển ước được khoảng 80-85%, còn khâu phơi và bảo quản vẫn chưa được cải tiến( riêng phần này huyện cũng đang nghiên cứu từng bước có hướng và khuyến khích người dân sử dụng máy sấy thóc ngay sau thu hoạch).
     Chăn nuôi đại gia súc vốn là một thế mạnh của Bắc quang. Tư tưởng chỉ đạo và xuyên suốt của Huyện là: Giữ vững và Xây dựng vùng chăn nuôi trâu truyền thống ở các xã Tân Lập, Việt Vinh, Quang Minh, sáu xã tiểu khu Trọng Con và Đồng Tâm, Đồng Tiến...Đã có một số gia đình thành công trong việc nuôi trâu thành gia trại tập trung. Cụ thể đã có 103 gia đình nuôi 5-10 con; 11 hộ nuôi từ 10 đến 20 con. 3 gia đình nuôi trên 30 con. Những gia đình này đa phần đã mạnh dạn giành một phần đất canh tác để trồng cỏ và ngô sinh khối cho trâu bò. Hiện nay Huyện đã có chủ trương động viên khuyến khích có thêm nhiều gia trại với quy mô lớn hơn: Bằng cách tiến hành chọn lọc và nhân giống theo phương pháp thụ tinh nhân tạo để giữ gen giống tốt, dáng vóc to khỏe, chắc thịt ra các vùng khác. Rồi cử cán bộ thú y thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn thậm chí hỗ trợ một phần kinh phí thuốc thú y trong phòng chống dịch bệnh trâu bò. Cụ thể đã hỗ trợ 180,6 triệu đồng và 1.100 lít hóa chất cho đợt chống dịch bệnh gia súc vừa qua. Đối với chăn nuôi lợn cũng có nhiều gia đình các xã dọc Quốc lộ II, khu Gia Tự, khu Trọng Con với giống lợn đen bản địa đang thu hút nhiều hộ gia đình xây dựng thành gia trại qui mô 20 -30- 50 con... bảo đảm cơ bản lượng thịt tiêu dùng hàng ngày của người dân. Ngoài ra, Với hơn 860 ha mặt nước ao, hồ ở các xã Vĩnh Phúc, Hùng An, Quang Minh, Việt Vinh, Vô Điếm, Bằng Hành cũng là nguồn nuôi cá tập trung đang được các xã chú ý khai thác để có nhiều sản phẩm cá thịt cho thị trường. Tiếp tục duy trì và khuyến khích mô hình nuôi cá lồng ở sông, hồ như một số hộ dân ở thị trấn Vĩnh Tuy, Tân Quang Vĩnh Hảo, Tân Thành. Phấn đấu đưa giá trị sản phẩm chăn nuôi chiếm trên 35% trong giá trị sản phâm ngành nông nghiệp.
     Đối với lâm nghiệp, đi đôi với việc bảo vệ, chăm sóc 4.000 ha rừng tự nhiên, rừng trồng những năm trước, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng gia dụng cần được khoanh nuôi tu bổ hàng năm. Huyện còn chú trọng việc mở rộng vùng trồng rừng kinh tế tập trung ở các xã thuộc tiểu khu Trọng Con, và 2 xã Đồng tâm, Đồng tiến, bằng các giống cây như: keo, xoan, quế, mỡ... Với mục tiêu hàng năm trồng mới từ 478,0 - 870,9 ha. Đảm bảo độ che phủ rừng đạt 65- 66% trở lên. Song song với trồng rừng kinh tế huyện còn chú ý khuyến khích nhiều gia đinh phát triển thêm cây dược liệu dưới tán rừng đặc biệt là cây thảo quả ở Tân thành, Tân lập. Cây lá khôi ở Việt Vinh, Quang Minh...
     Có thể thấy khâu đột phá trong xây dựng NTM với định hướng phát triển các sản phẩm có thế mạnh về kinh tế của từng vùng, miền bước đầu đã làm cho nền kinh tế của huyện có điểm nhấn rất ấn tượng. Cụ thể là: Thu nhập bình quân đầu người từ 45 triệu đồng (năm 2020) lên đến 43,56 triệu đồng (năm 2021), năm 2022 đạt 47,3 triệu đồng. Tiến tới năm 2025 sẽ đạt 60 triệu đồng là cái chắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2%. Nhiều diện tich lúa, cam, chè sản xuất theo chương trình VietGap đã có sản phẩm ra thị trường. Cụ thể: có 5 sản phẩm Ocop đạt 4 sao; 6 sản phẩm đạt 3 sao; 4 sản phẩm đạt 2 sao. Từ sau Đại hội đến nay (tháng 6/2023) đã có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM (đạt 50 % chỉ tiêu nghị quyết đại hội - năm 2021: Xã Vô Điếm, Liên Hiệp; Năm 2022: Xã Bằng Hành, Tân Thành, Đồng Tâm, 6/2023: Xã Việt Hồng). Hiên nay thị trấn Việt Quang đang xây dựng 6 tổ dân phố 1,2,3,4,5,6, trở thành tổ dân phố kiểu mẫu để đến năm 2025 thị trấn Việt quang sẽ có 85-91% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn NTM- Đô thị văn minh. Thôn Thanh Sơn thị trấn Việt Quang đang trở thanh điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách đến khám phá nét đẹp văn hóa người Dao với kỹ năng sản xuất giấy bản mà hiện nay được người dân trong nước hâm mộ. Đưa thị trấn Việt Quang trở thành thị trấn loaị IV và dự kiến sẽ nâng lên thị xã Việt Quang vào cuối năm 2025. Thị trấn Vĩnh Tuy, xã Tân Quang, chợ Số 9, thôn An Tiến sẽ trở thành thị trấn loại V. Xã Quang Minh vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (6/ 2023). Với đà này khả năng hết năm 2025 sẽ có: 95-100% số xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến từ năm 2035- 2040, các điểm kinh tế Ngô Khê (Việt vinh), chợ phố Cáo (Đồng yên), Vĩnh Tâm (Vĩnh phúc) chợ Ngòi Sảo (Kim ngọc) sẽ trở thành thị trấn loại V. Huyện quyết tâm đến năm 2025 đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn NTM nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị cửa ngõ phía nam của tỉnh Hà Giang như NQ Đại Hội XXII của huyện đề ra. Một triển vọng rất sáng sủa dần hiện ra trước mắt.

     Một điểm nữa rất đáng chú ý trong nhiệm vụ của huyện từ nay đến hết năm 2025 là: khâu đột phá thứ ba trong phát triển hàng hóa các loại cây có múi, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là khâu đột phá rất mới và rất khó, nó đòi hỏi phải có sự kết nối rất chặt chẽ từ khâu sản xuất- chế biến- sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn. Đồng thời phải có cả kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ, công nhân lành nghề, có máy móc, nhà xưởng. Phải có sự liên kết giữa huyện với các cơ sở thương mại dịch vụ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ta đã có sẵn vùng cam sành hơn 4.800 ha. Nhưng do nhu cầu giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền trong cả nước và nhu cầu người tiêu dùng, trong đề án của huyện từ nay đến cuối năm 2025 chúng ta cần mở rộng và phát triển thêm diện tích một số loại cây có múi như: cây cam vàng, cây bưởi, quýt, chanh...ở vùng Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Vĩnh Tuy, Hùng An... với diện tích 800- 1000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GolbaGap sẽ là vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoa quả. Để có vùng cây có múi như đề án đã vạch ra, cần chuyển đổi một số diện tích đồi cỏ gianh, cây bụi và rừng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây này, cần tiến hành ngay công tác quy hoạch phân vùng đất đai cụ thể, mà hiện nay nhiều gia đình đã thực hiện thành công. Huyện đang thực hiện chuyển quyền sử dụng đất mới cho người dân. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2023, ta đã chuyển 10 ha từ đất vườn tạp sang đất vườn mẫu, 19 hộ đăng ký chuyển 5,63 ha đất đồi để trồng thanh long. Đang khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin thị trường phù hợp và xúc tiến thương mại, các website giới thiệu sản phẩm loại quả có múi an toàn của Bắc Quang với các nơi. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp &PT nông thôn tỉnh; Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Hà giang. Song song với đó là khuyến khích mở rộng các nhà hàng khách sạn siêu thị mi ni không những ở khu vực thị trấn huyện lỵ, mà còn phát triển ở Vĩnh Tuy, Tân Quang nhằm thu hút đầu tư các loại hình du lịch sinh thái để các du khách cảm nhận được các sản phẩm độc đáo của huyện.
     Thực hiện khâu đột phá thứ ba này quả thực là rất khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm của Đảng bộ, tập thể Ban Thường Vụ Huyện ủy, đặc biệt là sự dồng thuận của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang đối với Đảng, với Cách mạng từ trước tới nay cùng với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tinh và các ngành chuyên môn của tinh chắc chắn khâu đột phá này sẽ thu được kết quả tốt đẹp.
     Nhìn lại chặng đường 17 năm (2015 - 2022) phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện trong bối cảnh kinh tế đất nước cũng như của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà giang, với ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đại hội Đảng bộ khóa XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Và qua hơn hai năm 2021, 2022 & 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện được như báo cáo số 2977 BC- UBND ngày 6/7/2023 của UBND huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta hoàn toàn tin tưởng chắc chắn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc quang sẽ về đích Huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 trong thời gian sớm nhất./.

Tác giả: Hoàng Ngọc Thân - Hội VHNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
Tuyển dụng
Bộ pháp điển
Chung tay cải cách
Cổng TTĐT tỉnh HG
Hệ thống văn bản
Công báo
Danh bạ
Mail
Lấy ý kiến
Lịch công tác
Công khai ngân sách
Tiếp nhận ý kiến
Công khai danh sách hội đồng
Ý kiến cử tri
Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam
CSDL Quốc Gia
Phòng chống thiên tai
Thông báo 1
Công khai 1
Công khai 2

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay4,115
  • Tháng hiện tại114,179
  • Tổng lượt truy cập1,835,573
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây